Saturday, 23/11/2024

Thu hút vốn đầu tư vào vùng ĐBSCL - Bài 2: Vì sao thu hút đầu tư còn hạn chế?

09:30 16/06/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online ĐBSCL là vùng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sớm nhất cả nước. Ngay khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực (1988) vùng này đã có 5 dự án FDI chiếm 10% về số dự án FDI của cả nước, thế nhưng sau hơn 30 năm vùng này lại là “vùng trũng” về thu hút FDI của cả nước.

Các thiết bị siêu trường, siêu trọng điện gió phải nhập khẩu vào cảng TP.HCM, Long An và vận chuyển bằng đường thủy về ĐBSCL. Ảnh: An Hòa

Đứng gần cuối bảng trong thu hút FDI

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), sau hơn 30 năm đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thu hút vốn FDI thành công nhất trong khu vực.

Tính lũy kế đến ngày 20/1/2019, cả nước có 27.643 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 340 tỷ USD. Mặc dù được xem là vùng có nhiều tiềm năng nhưng tại thời điểm tổng kết 30 năm thu hút FDI, khu vực ĐBSCL chỉ mới thu hút được 1.489 dự án FDI với tổng vốn đăng ký chưa đến 21 tỷ USD chiếm 6,2%, xếp thứ 5/6 vùng kinh tế (chỉ hơn khu vực Tây Nguyên) về thu hút FDI của cả nước.

Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 4/2021, vùng ĐBSCL đã thu hút thêm gần 400 dự án, nâng tổng số dự án còn hiệu lực lên 1.875 dự án với tổng vốn đăng ký trên 30,3 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng vốn đăng ký FDI của cả nước.

Nếu như trước đây thu hút vốn FDI vào vùng ĐBSCL chỉ tập trung vào các địa phương gần TP.HCM như Long An, Tiền Giang, Bến Tre và đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) thì trong 2 năm gần đây dòng vốn FDI vào vùng này đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ vào các địa phương có thế mạnh phát triển năng lượng.

Tiêu biểu là Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An; Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ.

Với 2 dự án “vốn khủng” này, Long An và Cần Thơ vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong những tháng đầu năm nay. Trước đó các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh cũng vươn lên mạnh mẽ trong thu hút FDI nhờ các dự án điện khí, nhiệt điện và điện gió.

Mặc dù thu hút FDI vào vùng ĐBSCL những năm gần đây có nhiều khởi sắc, đặc biệt nhiều địa phương ven biển đã “đánh thức” được tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo trong thu hút đầu tư, tuy nhiên với số vốn đăng ký hơn 30 tỷ USD trong hơn 30 năm mở cửa thu hút FDI là con số còn rất khiêm tốn.

Nếu như thời điểm 2015 thu hút FDI của vùng đã chạm mốc 10 tỷ USD, chiếm 5% số vốn đăng ký của cả nước thì ở thời điểm hiện tại vốn đăng ký FDI tuy tăng lên gấp 3 lần nhưng cũng chỉ mới chiếm 7,5% vốn FDI của cả nước.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 51 km đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: An Hòa

Nhiều rào cản

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc chi nhánh Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), nhiều năm ĐBSCL dẫn đầu về môi trường đầu tư kinh doanh thông qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Vùng này còn có vùng nguyên liệu nông sản phong phú, có lực lượng lao động dồi dào, quỹ đất dành cho nhà đầu tư còn nhiều, dư địa đầu tư còn rất lớn. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong thu hút đầu tư vào ĐBSCL hiện nay vẫn là do cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa đồng bộ, đây cũng là vấn đề được nói nhiều tại các cuộc hội nghị, hội thảo nhưng tiến độ cải thiện thì vẫn rất chậm chạp.

Trong một nghiên cứu về thu hút FDI vào khu vực ĐBSCL do TS. Võ Hùng Dũng, nguyên giám đốc VCCI Cần Thơ cũng chỉ ra 3 nguyên nhân chính đang “ngán đường” thu hút đầu tư vào vùng là cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu lao động có tay nghề và môi trường đầu tư nhiều nơi chưa thật sự thông thoáng, minh bạch.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường chính sách công và quản lý Fulbright cho biết,  một điều ít ai ngờ tới là có lúc tăng trường của ĐBSCL “vượt mặt” TP.HCM. Cụ thể là năm 1990, GDP của TP.HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL. Nhưng 20 năm sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến ngày hôm nay. Điều này cho thấy, mặc dù có lợi thế nằm ngay sát TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ năng động và phát triển, song dường như ĐBSCL không được hưởng lợi đáng kể từ sự kết nối này, không những thế ngày một tụt hậu.

Một nguyên nhân quan trọng khiến tăng trưởng GDP của ĐBSCL thấp hơn TP.HCM và Đông Nam Bộ là do ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, vì vậy phải giữ đất, tập trung vào sản xuất lúa gạo, và kết quả là chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.

“Ngoài hạn chế về hạ tầng, lao động khu vực này còn là “vùng trũng” về khoa học công nghệ”, TS Anh phân tích.

Cơ sở hạ tầng yếu kém không chỉ làm cho chi phí logistics tăng cao mà còn gây khó khăn cho nhà đầu tư triển khai dự án. Đây là vấn đề mà nhiều nhà đầu tư điện gió ở Bạc Liêu, Sóc Trăng đang gặp phải khi thiếu bến cảng, phương tiện bốc xếp và đường vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng về đến chân công trình.

Theo Nhà đầu tư

Chia sẻ bài viết

Thong ke