Thursday, 21/11/2024

Thu hút vốn đầu tư vào vùng ĐBSCL - Bài 1: Nhiều lĩnh vực tiềm năng, chào đón nhà đầu tư

09:21 15/06/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với hầu hết sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đều có nguồn gốc xuất xứ từ nơi đây. Bên cạnh đó, ĐBSCL còn có nhiều tiềm năng trong phát triển năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái…

LTS: Trong 20 năm qua, tăng trưởng kinh tế ÐBSCL vẫn dựa chủ yếu vào lương thực và thủy sản, cùng đó là việc khai thác tài nguyên một cách mất cân bằng, không đủ sức và lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy là vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn nhất nước, nhưng người nông dân luôn phải đối mặt với tình trạng được mùa rớt giá, được giá mất mùa, đời sống còn nhiều bấp bênh. Ðể cải thiện tình hình, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ÐBSCL đã tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, một trong những giải pháp đó là tạo ra các dự án mời gọi các "mạnh thường quân" đầu tư vào nhiều lĩnh vực khách nhau. Đây được xem như thỏi nam châm hút nhà đầu tư đến với ĐBSCL trong thời gian tới.

Năng lượng tái tạo - ngành kinh tế mới nổi của vùng ĐBSCL. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Vùng nông nghiệp trù phú

Về vị trí địa lý, ĐBSCL có vị trí như một bán đảo với 3 mặt Đông, Nam và Tây Nam giáp biển (có đường bờ biển dài 750km), phía Tây có đường biên giới giáp với Campuchia và phía Bắc giáp với vùng kinh tế Đông Nam Bộ – vùng kinh tế lớn nhất của Việt Nam hiện nay. ĐBSCL nằm trên địa hình tương đối bằng phẳng, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phân bố rất dày thuận lợi cho giao thông đường thủy và sản xuất nông nghiệp.

ĐBSCL có 13 đơn vị hành chính cấp tỉnh với diện tích tự nhiên gần 40.000km2, dân số gần 18 triệu người, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm trên 3 triệu ha. ĐBSCL được đánh giá là vùng lãnh thổ có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vùng này đã đóng góp trên 12% cho GDP cả nước. Riêng nông nghiệp của vùng chiếm 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp, đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước.

Còn theo số liệu của Bộ NN&PTNT, năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của vùng đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 2 tỷ USD so với năm 2016, sản xuất lúa-gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản rất quan trọng, không những cho vùng ĐBSCL mà cho cả nước về an ninh lương thực, thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu, thu ngoại tệ, nâng cao đời sống và tạo cơ hội việc làm cho cư dân nông thôn rất lớn.

Du lịch sông nước cũng là thế mạnh của vùng. Ảnh: An Hòa.

“Vốn quý” du lịch chưa được khai thác

ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc, từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, thuộc hàng quý hiếm trên thế giới như: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tràm Chim, đảo ngọc Phú Quốc…

Đặc biệt cả vùng đã có 4 khu ramsar chiếm gần một nửa số khu ramsar của cả nước, đây là những tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá. Du lịch ĐBSCL còn có nhiều khả năng kết nối tour, tuyến với TP.HCM, các vùng, miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng sông Mê Kông; đồng thời có thể khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái miệt vườn; nghiên cứu - nghỉ dưỡng; văn hóa - lễ hội, tâm linh đến du lịch biển, đảo chất lượng cao…

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, các địa phương trong vùng tập trung phát triển 5 khu du lịch quốc gia, gồm: Thới Sơn nằm trong cụm cù lao Long Lân Quy Phụng (Tiền Giang, Bến Tre), Phú Quốc (Kiên Giang), Năm Căn - Mũi Cà Mau (Cà Mau), Tràm Chim - Láng Sen (Long An, Đồng Tháp), Núi Sam (An Giang); 7 điểm du lịch quốc gia, gồm: Khu phức hợp giải trí Xứ sở Hạnh phúc (Long An), Cù lao Ông Hổ (An Giang), Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Bến Ninh Kiều (Cần Thơ), Hà Tiên (Kiên Giang), Văn Thánh Miếu (Vĩnh Long), Ao Bà Om (Trà Vinh).

Phát triển TP. Cần Thơ và Phú Quốc (Kiên Giang) thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn Vùng; phát triển thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) thành trung tâm du lịch của Không gian du lịch phía Đông, đồng thời là trung tâm phụ trợ của Vùng.

Dựa trên hệ thống tuyến du lịch nội vùng hình thành và khai thác các tuyến du lịch chuyên đề: sinh thái rừng, biển, khám phá vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười, rừng U Minh, Năm Căn, du khảo đồng quê, phát triển tuyến du lịch quốc gia và quốc tế…

Năng lượng tái tạo - ngành kinh tế mới nổi

Khu vực ĐBSCL có số ngày nắng nhiều trong năm, cường độ bức xạ cao nên có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời. Toàn vùng có hơn 750km bờ biển với hàng trăm hòn đảo nên được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển điện gió, điện khí, năng lượng từ sóng biển, thủy triều.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến giữa năm 2020, tổng công suất đặt hơn 5.624 MW, trong đó tổng công suất các nhà máy điện mặt trời hơn 770MW (chiếm 13,7%), công suất nhà máy điện gió là 99MW (chiếm 1,76%). Các dự án điện gió đã được đầu tư, khởi công, cấp phép ở các tỉnh ven biển ĐBSCL như: Nhà máy điện gió Bạc Liêu 1 và 2 đã hoàn thành, đã khởi công Nhà máy điện gió Bạc Liêu 3, Điện gió Khai Long - Cà Mau, Nhà máy điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh, điện gió Bình Đại – Bến Tre, dự án Điện gió Duyên Hải, Trà Vinh, thỏa thuận hợp tác Điện gió Phú Cường Sóc Trăng…

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhờ có chính sách mua điện giá tốt và quy trình đầu tư đơn giản nên từ năm 2017 đến nay điện mặt trời phát triển nhanh hơn quy hoạch. Riêng điện gió do quá trình đầu tư phức tạp, vốn đầu tư lớn nên phát triển chậm.

Báo cáo kinh tế thường niên 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và ĐH Fulbright thực hiện cho biết, ĐBSCL là nơi hội tụ điều kiện lý tưởng về mặt tự nhiên cho phát triển cụm ngành công nghiệp năng lượng bao gồm năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối) và nhiệt điện khí.

Bên cạnh đó ĐBSCL còn có nguồn nguyên liệu cho điện sinh khối rất dồi dào với gần 50 triệu tấn rơm rạ/năm. Nguồn nguyên liệu gạo tấm và rơm rạ có thể sản xuất trên 10 triệu lít cồn ethanol vừa làm nguyên liệu thay thế dầu mỏ trong phương tiện giao thông, vừa thay thế nguồn nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng dầu D.O.

Một lợi thế khác của ĐBSCL là nằm gần bể dầu khí Cửu Long, Nam Côn Sơn và xa hơn là Malay – Thổ Chu, nơi có các mỏ khí dồi dào có thể cung cấp làm nguồn nguyên liệu cho điện khí.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nhiên liệu đầu vào phong phú cho ngành năng lượng tái tạo là lợi thế rất quan trọng làm cơ sở tiền đề cho sự phát triển của cụm ngành công nghiệp năng lượng.

Theo Nhà đầu tư

Chia sẻ bài viết

Thong ke