Thiết bị làm ruộng thông minh do sinh viên sáng chế
17:59 14/11/2022
Thiết bị quan trắc mực nước ruộng và điều khiển máy bơm từ xa do nhóm sinh viên Trường ĐH Trà Vinh sáng chế đã được ứng dụng vào thực tiễn, đạt hiệu quả cao.
Thiết bị do nhóm 4 sinh viên Lâm Huy Cường, Trần Mai Hoàng, Nguyễn Hữu Tài, Mai Hữu Quốc, ngành điều khiển và tự động hóa Trường ĐH Trà Vinh sáng chế.
Huy Cường cho biết việc tiết kiệm nước và tưới tiêu hiệu quả cho ruộng lúa là rất cần thiết. Sau khi tìm hiểu thực tế, nhận thấy việc thiết kế và triển khai một hệ thống giám sát và điều khiển phục vụ canh tác lúa theo kỹ thuật ngập và khô xen kẽ là xu thế tất yếu. Từ đó, các bạn trong nhóm nảy sinh ý tưởng sáng chế bộ đôi thiết bị quan trắc mực nước ruộng và điều khiển máy bơm từ xa (thiết bị làm ruộng thông minh) nhằm hỗ trợ nông dân canh tác đạt năng suất và hiệu quả cao.
Hệ thống được xây dựng dựa trên cấu trúc mạng IoT, cho phép người trồng lúa không chỉ có thể theo dõi mực nước ruộng theo thời gian thực mà còn thu thập và lưu trữ các thông số môi trường như: nhiệt độ, độ ẩm không khí, cường độ ánh sáng, độ ẩm đất.
Với thiết bị này, nông dân có thể đo đạc giá trị mức nước ruộng, lưu trữ, giám sát dữ liệu trên web, tự động điều khiển máy bơm khi mực nước trên ruộng thấp hơn khuyến cáo của chuyên gia nông nghiệp theo từng giai đoạn sinh trưởng, nhu cầu nước tưới tiêu của cây lúa trong canh tác ngập khô xen kẽ. Thiết bị hoạt động dựa vào năng lượng mặt trời nên rất thân thiện với môi trường, tiết kiệm và tiện lợi.
“Canh tác lúa theo công nghệ ngập khô xen kẽ giúp tiết kiệm lượng nước tưới tiêu, thay cho tập quán canh tác truyền thống của người nông dân. Với bộ đôi thiết bị, khi ứng dụng sẽ đem lại rất nhiều tiện lợi so với cách canh tác truyền thống”, Cường chia sẻ.
Chi phí lắp đặt cho bộ đôi thiết bị từ 5 - 6 triệu đồng. Giá thành này với nông dân khá dễ tiếp cận, đặc biệt là đem lại rất nhiều ưu điểm vượt trội trong canh tác lúa. Việc lắp ráp tại ruộng và các thao tác đều dễ dàng. Đầu tiên là lắp ráp các thiết bị của trụ quan trắc; thu thập mức nước hiện tại trên ruộng lúa; lắp đặt trụ quan trắc mực nước ruộng; lắp đặt bộ điều khiển máy bơm; kiểm tra dữ liệu và kiểm tra các thông số trên app.
Đến nay, thiết bị làm ruộng thông minh đã được áp dụng trong 3 vụ lúa tại 3 tỉnh thành An Giang, Trà Vinh và Cần Thơ, qua đó, giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
“Thiết bị đã được triển khai thực hiện trong 2 năm, từ tháng 2.2021- 5.2022 (3 vụ lúa) tại 3 tỉnh. Kết quả thu được rất khả quan, tiết kiệm từ 13 - 20% lượng nước tưới tiêu. Giảm chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật từ 3 - 5%, giảm số lần bơm nước vào ruộng từ 1 - 2 lần so với canh tác truyền thống”, Cường cho biết.
Vừa qua, nhóm sinh viên đã đưa thiết bị làm ruộng thông minh tham dự thi cuộc thi Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL lần thứ 1 năm 2022 (do Mạng lưới hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL tổ chức) và xuất sắc được vào vòng chung kết.