Tuesday, 03/12/2024

Gen Z không ngại… nhảy việc: Một năm nhảy 2 - 3 việc, có tốt không?

12:14 19/10/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Nhảy việc để tìm kiếm môi trường mới phù hợp hơn, công việc mới tốt hơn và có thêm được trải nghiệm. Nhưng “nhảy việc” nhiều quá liệu có phải là giải pháp tốt?

“Nhảy việc” sẽ đem lại mặt tích cực và tiêu cực

Từ câu chuyện của P.T (trong bài viết Gen Z không ngại… nhảy việc, đăng trên Thanh Niên ngày 18.10) 1 năm thay đổi đến 3 công việc, và đều là những việc hoàn toàn mới, trái chuyên ngành nên phải học việc từ đầu, học việc đến nỗi chảy máu cam, ngất xỉu nhưng T. vẫn đam mê “nhảy việc”... cùng rất nhiều câu chuyện 1 năm “nhảy việc” nhiều lần của bạn trẻ ngày nay, khiến nhiều người thắc mắc: Tại sao gen Z không ngại… nhảy việc?

Khi được hỏi vấn đề này, N.D.K (22 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đang làm tại một công ty phần mềm ở Q.Tân Bình, TP.HCM, thẳng thắn chia sẻ: “Em thấy hiện nay cơ hội việc làm rất nhiều. Cá nhân em nếu thấy không phù hợp ở một môi trường hoặc định hướng khác, em sẽ quyết định nghỉ và thay đổi qua một môi trường mới. Và các bạn đồng trang lứa như em cũng có suy nghĩ tương tự”.

K. cho biết mình còn trẻ, cơ hội rất nhiều. Cho nên K. thấy việc trải nghiệm ở nhiều môi trường làm việc khác nhau giúp cho người trẻ có thêm kinh nghiệm, va chạm nhiều hơn, cũng như tìm được nhiều hướng đi phù hợp hơn cho bản thân.

Người trẻ tham gia các ngày hội tuyển dụng để tìm công việc mới. LÊ THANH

Và K. khẳng định: “Gen Z tụi em năng động mà. Em đang làm việc ở một công ty phần mềm. Môi trường và mức lương tốt nên em vẫn ở lại làm, tuy nhiên em sẽ làm một thời gian nữa cho đủ kinh nghiệm, còn định hướng tương lai của em sẽ không cố định ở 1 công ty. Hiện tại thì em ưu tiên sự trải nghiệm nhiều hơn”.

Với K. thì môi trường làm việc và mức lương là tiêu chí quan trọng nhất khi tìm việc. K. cũng thú thật: “Với cá tính của gen Z bây giờ thì em thấy việc chịu đựng một môi trường làm việc độc hại hay không phù hợp, cùng với mức lương không đủ sống thì “nhảy việc” là điều dễ xảy ra. Bên cạnh đó, bạn đồng trang lứa của em thay đổi do muốn thử sức ở môi trường mới cũng nhiều lắm”.

Nơi K. đang làm là công ty nước ngoài và anh chàng cho rằng mỗi công ty sẽ có 1 văn hóa làm việc khác nhau, nên khi “nhảy việc” là cơ hội để học hỏi và trải nghiệm được nhiều điều.

Với chàng trai H.M.T (23 tuổi) đang làm việc tại một công ty công nghệ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM) thì việc đổi môi trường làm việc không phải là vấn đề lớn và là chuyện rất thường tình với người trẻ hiện nay.

“Em từng làm ở 2 công ty IT (công nghệ thông tin) lớn của nước ngoài nên em thấy thái độ làm việc của mọi người ở đây rất cởi mở, hòa đồng và rất sẵn lòng với những người mới như em. Nên “nhảy việc”, chuyển đến 1 môi trường mới cũng không là vấn đề gì lớn, và em từng thay đổi vì môi trường làm việc không còn đúng với định hướng của em nữa”, M.T nói.

Cũng theo M.T, xu hướng “nhảy việc” sẽ đem lại cả mặt tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, thay đổi công ty làm việc mang lại cho người mới nhiều góc nhìn về các môi trường làm việc khác nhau, đồng thời cho họ thu nhập cao hơn. Về mặt tiêu cực, nếu bạn trẻ nào cũng “nhảy việc” thường xuyên sẽ không có nhân sự để phát triển công ty về lâu dài, làm thiếu hụt bộ máy quản lý về sau. Và M.T cho rằng mặt tiêu cực này chỉ ảnh hưởng đến công ty, còn bản thân người trẻ sẽ nhận lại được nhiều hơn khi đến một môi trường mới.

Cần thật sự chín chắn khi thay đổi việc

Nhìn nhận về xu hướng “nhảy việc” của bạn trẻ hiện nay, anh Kevin Tùng Nguyễn, sáng lập và điều hành ứng dụng tìm việc làm JobHopin.com, cho rằng việc gen Z có xu hướng ít gắn bó với một công ty nào đó thì không nhất thiết là việc xấu: “Kevin không ngại các bạn “nhảy việc”, bởi nếu bạn cảm thấy không còn phát triển được hơn, giậm chân tại chỗ thì thà tìm cơ hội mới để tận dụng hết khả năng của mình và không làm cả đội ngũ bị trì trệ. Và các bạn trẻ vào sau sẽ mang theo nguồn năng lượng tích cực, đem đến những góc nhìn mới”.

Anh Kevin cũng cho rằng tất nhiên mỗi môi trường làm việc sẽ có những yêu cầu khác nhau. Có bạn gen Z vì bị sếp yêu cầu không được nhuộm tóc, để móng thì sẵn sàng nghỉ việc. Nhưng đối với môi trường khởi nghiệp, anh Kevin thấy thoải mái với việc các bạn tự thể hiện chính mình, miễn là điều đó không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng công việc. Chính nhờ cá tính đó mới có thể nuôi dưỡng những thế hệ tiếp theo tự tin vào năng lực và mạnh dạn thay đổi bức tranh lớn hơn về công việc lẫn lĩnh vực nhân sự.

Tuy nhiên, chị Nguyễn Quế Anh, Giám đốc nhân sự Guardian VN, không ủng hộ đối với những bạn trẻ “nhảy việc” quá nhiều. Bởi theo chị: “Nhảy việc nhiều quá sẽ không tốt, vì 1 công việc ít nhất phải cần 6 tháng trở lên để mới thành thạo. Còn trong 1 năm nhảy việc 2 - 3 lần thật sự là điều không nên”.

Chị Quế Anh cũng cho rằng bạn trẻ nên xác định rõ mục đích của công việc mới sắp tới là gì: “Khi “nhảy việc” rõ ràng là mình sẽ muốn một cơ hội tốt hơn, hoặc là cơ hội để học được những kỹ năng mới, hiểu biết một ngành nghề mới. Hãy đừng quên những mục đích đó, và nên đánh giá lại công việc sau từng mốc thời gian để biết được là bản thân đã đạt được những điều gì, trước khi lại bắt đầu nhen nhóm ý định nhảy việc tiếp theo”.

“Hãy thật sự chín chắn, trưởng thành khi đưa ra quyết định “nhảy việc”, để ít nhất dù mỗi công việc mới sẽ là một thách thức nhưng cũng sẽ là một chặng đường giúp mình học được nhiều điều mới”, chị Quế Anh khuyên.

Đồng quan điểm, chị Lê Thị Phương Anh, Trưởng nhóm tạo nguồn, Công ty TNHH Manpower VN, cũng nhắn nhủ các bạn trẻ: “Nếu muốn “nhảy việc” thì ít nhất đã làm được trong vòng 8 tháng đến 1 năm, lúc đó “nhảy việc” sẽ phù hợp hơn. Còn nếu trong một năm mà cứ cách 2 - 3 tháng lại nhảy việc, sau này khi ứng tuyển đến một công ty khác, những nhà tuyển dụng nhìn vào CV của các bạn sẽ đánh giá thấp và đặt nghi vấn tại sao bạn lại “nhảy việc” quá nhiều, hay bạn có vấn đề gì với công việc đó hay không?”.

Chị Phương Anh khuyên các bạn trẻ nếu muốn “nhảy việc” thì nên chọn những công việc gần và có liên quan với định hướng nghề nghiệp hoặc chuyên ngành các bạn đang theo. Không nên chọn ngành quá trái ngược và hoàn toàn không liên quan gì với nhau để nhảy sang, vì như thế sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. (còn tiếp)

Theo Thanh niên

https://thanhnien.vn/gen-z-khong-ngai-nhay-viec-mot-nam-nhay-2-3-viec-co-tot-khong-post1511917.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke