Thái Bình: Nhiều giáo viên gần 20 năm đứng bục giảng có nguy cơ mất việc (bài 1)
15:06 06/07/2021
Công tác gần 20 năm trong ngành giáo dục, "đưa đò" nhiều thế hệ học trò, thế nhưng nhiều giáo viên ở TP Thái Bình đứng trước nguy cơ mất việc.
Nhiều giáo viên có nguy cơ mất nghề sau gần 20 năm công tác
Mới đây, Báo điện tử Dân Việt nhận được tâm thư kêu cứu của một số giáo viên Trường THCS Trần Phú và Trường THCS Đông Hoà, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình về việc sắp đứng trước ngưỡng cửa mất việc sau gần 20 năm đứng bục giảng.
Chia sẻ với PV Dân Việt, cô Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1977), hiện là giáo viên hợp đồng dạy môn Tiếng Anh tại Trường THCS Trần Phú hiện rõ vẻ buồn rầu, lo lắng vì có nguy cơ phải nghỉ dạy – công việc gắn với niềm mơ ước, cuộc đời của cô Lan Anh suốt bao năm qua.
Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, cô Lan Anh đã tham gia hợp đồng giảng dạy ở một số trường THCS từ tháng 9/2003. Đến tháng 1/2005, nữ giáo viên này được ký hợp đồng lao động "dài hạn" với trường THCS Trần Phú, thành phố Thái Bình và được đóng BHXH, được hưởng tiền lương theo hệ số thang bảng lương của Nhà nước.
Hợp đồng lao động tại trường THCS Trần Phú có xác nhận của Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng phòng Nội vụ Thành phố, Trưởng phòng Giáo dục Thành phố và Hiệu trưởng Nhà trường.
Cùng thời điểm đó còn có 4 giáo viên khác cũng được ký HĐLĐ như cô Lan Anh là cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN 1980); cô Ninh Thị Chung (SN 1980) cùng là giáo viên trường THCS Trần Phú, cô Nguyễn Thị Hường (SN 1975), giáo viên trường THCS Đông Hòa.
"Trong thời gian công tác tại trường THCS Trần Phú đến nay, tôi luôn cố gắng trong việc giảng dạy, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tham gia nhiều hoạt động khác, góp phần vào thành tích chung của nhà trường. Bản thân tôi luôn có ý thức chấp hành tốt các nội quy, quy định nơi làm việc, đạo đức nghề nghiệp, nhiều năm đạt danh hiệu "giáo viên dạy giỏi", cô Lan Anh bày tỏ.
Tuy nhiên, trong những năm qua, cô Lan Anh vẫn "không có suất" được tuyển dụng vào biên chế. Khi cô Lan Anh cùng một số giáo viên trên đề nghị để được xét tuyển biên chế còn thiếu thì được các cơ quan chức năng của thành phố trả lời "đã đủ biên chế".
"Chúng tôi nhận được câu trả lời cùng lý do: các giáo viên ở nơi khác đã được chuyển về. Thực trạng ở Trường THCS Trần Phú tính từ năm 2015 đến nay có thêm 4 giáo viên dạy môn Tiếng Anh chuyển về từ. Vì vậy, những trường hợp như tôi luôn không có cơ hội được tuyển dụng vào biên chế của ngành giáo dục thành phố.
Ngày 10/5 vừa qua, tôi cùng các giáo viên hợp đồng đã gửi những bức "tâm thư" kêu cứu đến các cơ quan, ban, ngành chức năng của tỉnh, thành phố mong được quan tâm xem xét, giải quyết có lý, có tình và bảo đảm sự công bằng, tính nhân văn, hy vọng mang lại cho chúng tôi chút niềm tin yêu vào cuộc sống. Thế nhưng, từ sau khi gửi "tâm thư" đến nay chúng tôi chưa nhận được câu trả lời của các cấp lãnh đạo thành phố. Tôi đang đứng trước nguy cơ nghỉ việc ở trường và bị chấm dứt hợp đồng lao động", nữ giáo viên chia sẻ.
"Vì yêu nghề chúng tôi đã phải hy sinh cả tuổi thanh xuân để cống hiến"
Cô Lan Anh cho hay, chiều ngày 29/6, Hiệu trưởng trường THCS Trần Phú đã triệu tập họp Ban giám hiệu và thông tin tới tất cả giáo viên hợp đồng để thông báo cắt BHXH và chấm dứt HĐLĐ.
"Về thực tế chúng tôi đã có hợp đồng dài hạn có 4 dấu, chữ ký và đã được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2005 đến nay, nhưng không hiểu lý do gì mà nhà trường tự cắt của chúng tôi, chính vì thế mà giáo viên chúng tôi phải bỏ tiền tự đóng bảo hiểm, chứ không phải tự dưng mà chúng tôi mang tiền đóng cho cơ quan bảo hiểm ?", cô Lan Anh thắc mắc.
Cũng như cô Lan Anh, cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng đang đứng trước nguy cơ mất việc vì sắp bị chấm dứt hợp đồng lao động. Cô Nhàn công tác tại trường từ năm 2003 đến nay.
Suốt nhiều năm qua, cô Nhàn từng dạy dỗ nhiều học sinh ôn luyện đạt kết quả cao trong các cuộc thi học sinh giỏi thành phố, cô cũng nhiều đợt tham gia hội thi giáo viên giỏi.
"Ai làm cũng mong muốn được công nhận chính thức vì ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, bao năm qua chúng tôi vẫn luôn cố gắng vì nghề, có trách nhiệm với nghề nhưng không được công nhận chính thức. Chúng tôi làm công việc này với mức thu nhập rất ít ỏi. Tuy nhiên, vì tình yêu nghề và vì các thế hệ học trò tôi luôn động viên mình cố gắng, thế nhưng tôi sắp phải nghỉ dạy sao bao năm công tác tại trường", cô Nhàn buồn rầu.
Qua sự việc này, các giáo viên mong muốn các cấp ngành tỉnh Thái Bình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xét tuyển dụng đặc cách cho mình.
"Vì yêu nghề, yêu quý trẻ và cũng muốn đóng góp cho ngành giáo dục của đất nước nói chung và ngành giáo dục tỉnh Thái Bình nói riêng mà chúng tôi đã phải hy sinh cả tuổi thanh xuân để cống hiến, biết bao nhiêu thế hệ học sinh của trường đã trường thành đều có công sức đóng góp của chúng tôi, vậy mà gần 20 năm qua chúng tôi vẫn chỉ là những giáo viên dạy hợp đồng!", nữ giáo viên kể.
Ngày 12/3/2021, Sở Nội Vụ Thái Bình có công văn về việc xét đặc cách giáo viên dạy hợp đồng có đóng bảo hiểm bắt buộc trước ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, những giáo viên này đều không có suất mặc dù họ cho rằng đều đã đóng bảo hiểm từ trước đó…
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Đinh Gia Dũng – Chủ tịch UBND TP Thái Bình cho biết, đã nắm được thông tin trên và đã giao cho phòng chuyên môn kiểm tra, đề xuất.
Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình cho biết, công tác tuyển dụng các giáo viên thuộc thẩm quyền của thành phố. Tuy nhiên, ông Hiển khẳng định sẽ trao đổi lại với các bên liên quan rồi sẽ thông tin vụ việc này.
Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!