Thursday, 21/11/2024

Lấp 'khoảng trống' nhân lực để doanh nghiệp phục hồi

14:20 15/07/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Con số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động vào quý II/2021 tiếp tục tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thế nhưng, không phải tất cả những người này có thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn tuyển dụng, nhất là khi “khoảng trống” nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn là nỗi lo của doanh nghiệp thời hậu Covid-19.

Báo cáo về nhu cầu nhân lực trên thị trường công nghệ nửa đầu năm 2021 của TopDev (nền tảng tuyển dụng chuyên về ngành công nghệ hàng đầu ở Việt Nam) đã chỉ ra rằng, Việt Nam trong năm nay cần đến 450.000 nhân lực trong ngành công nghệ thông tin (IT). Trong khi đó, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 430.000 người.

Thiếu hụt nhân lực tay nghề cao

Tại sao lại có sự thiếu hụt này? Như lý giải của TopDev, đó là vì trình độ của lập trình viên và yêu cầu doanh nghiệp (DN) đặt ra vẫn chưa thực sự cân bằng với nhau. Không những vậy, trong số hơn 55.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (30%) đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn mà DN cần.

Trong khi người thất nghiệp tiếp tục tăng cao do dịch Covid-19 thì nhiều DN công nghệ vẫn đang thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao.

Không chỉ lĩnh vực IT đang thiếu hụt nguồn nhân lực, theo giới chuyên gia, việc thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề cao đang là một trong những thách thức mà các ngành sản xuất khác, nhất là các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ ở Việt Nam phải đối mặt. 

Theo dự báo, nếu như dịch Covid-19 được đẩy lùi, khi vắc xin đã được tiêm chủng đại trà trên toàn quốc, thì nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của các DN trong ngành công nghệ chế biến sẽ còn tăng lên nhanh chóng, nhằm giúp DN phục hồi hậu đại dịch. Đặc biệt là nhu cầu lao động trình độ cao sẽ tăng lên, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số.

Trong khi đó, như số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê thì số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước đó. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, không phải tất cả những người thất nghiệp này đều có thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn tuyển dụng trong bối cảnh nhiều DN Việt đang hướng đến quy trình sản xuất số hoá.

Như lưu ý của các chuyên gia phân tích từ TopDev, thị trường tuyển dụng trong lĩnh vực IT trở nên khó khăn hơn với những thay đổi yêu cầu đáng kể. Đó là cuộc cạnh tranh khó khăn hơn với nhiều yêu cầu cao về chuyên môn và kỹ năng.

Chẳng hạn với các lập trình viên trong ngành IT, theo TopDev, chính sự biến động của tình hình chung do dịch bệnh Covid-19 gây ra, cũng như sự đổi mới liên tục của công nghệ đòi hỏi ở họ khả năng thích ứng nhanh và nhạy bén với mọi sự biến đổi. Và các lập trình viên cần nâng cao kỹ năng công nghệ của bản thân với sự hiểu biết về các công nghệ mới và đột phá.

Việc thiếu hụt nhân lực chất lượng cao để giúp cho DN phục hồi cũng được nêu ra tại diễn đàn trực tuyến hôm 13/7 của Đại học RMIT để bàn về nguồn nhân lực cho ngành hàng không tại Việt Nam.

Ngành hàng không “khát” nhân tài

Theo giới chuyên gia, do tính chất đặc thù mà ngành hàng không tại Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc ngưng toàn cầu hóa do những hạn chế đi lại mà đại dịch Covid-19 gây ra. 

Tuy nhiên, ngành hàng không được dự báo sẽ hồi sinh đầu tiên và nhanh nhất sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh vì tính thiết yếu của nó đối với các nền kinh tế trên toàn thế giới. 

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng ngành hàng không Việt Nam phải hoàn toàn sẵn sàng khi đại dịch kết thúc. Nhất là cần lấp “khoảng trống” về nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này.

Giáo sư Pier Marzocca, Phó trưởng khoa Kỹ thuật Vũ trụ và Hàng không thuộc Phân viện STEM (Đại học RMIT), nhấn mạnh rằng để phục hồi bền vững, ngành hàng không Việt Nam rất cần nhân tài phù hợp để quản lý và vận hành toàn bộ hệ sinh thái ngành.

“Nếu Việt Nam đào tạo thành công nhân tài đạt tiêu chuẩn quốc tế thì trong tương lai gần, Việt Nam có thể hướng tới mục tiêu cung cấp lao động kỹ năng cao trong lĩnh vực này, trước hết cho khu vực và sau đó là toàn cầu”, giáo sư Pier Marzocca nói.

Còn theo Phó tổng giám đốc Vietjet Hồ Ngọc Yến Phương, trước đây khi chưa có hãng hàng không tư nhân ở Việt Nam thì nguồn lao động trong ngành hàng không cũng ít phổ biến. Còn hiện nay, với sự ra đời của các hãng hàng không tư nhân và những chính sách mở hơn đã mang tới sự phát triển mạnh mẽ trong ngành hàng không và kéo theo sự bùng nổ nhu cầu về nguồn nhân lực.

“Thị trường lao động hàng không có phần mở hơn nhưng chưa thực sự phát triển xứng với tiềm năng của nó, cả về đầu vào lẫn đầu ra khi mà ngành hàng không Việt Nam vẫn đang tăng trưởng nhanh như hiện nay”, bà Phương bày tỏ băn khoăn.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành hàng không còn được chỉ rõ cho việc quản lý sân bay trong thời gian tới. Nhất là các kế hoạch đại tu cơ sở hạ tầng hàng không vẫn đang được triển khai tại Việt Nam và được xem là nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia. Một dự án nổi bật là Cảng hàng không quốc tế Long Thành gần Tp.HCM, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, nhận định rằng quy mô đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng hàng không cũng như tiềm năng tăng trưởng của các dịch vụ bảo trì, sửa chữa và đại tu cho thấy nhu cầu cao đối với nhân sự liên quan đến các lĩnh vực này.

Điều đáng nói, lĩnh vực hàng không Việt Nam lại đang phụ thuộc rất nhiều vào nhân tài “nhập khẩu” cho cả các vị trí chuyên môn và quản lý. Điều này được coi là tốn kém và lãng phí đối với một quốc gia có lực lượng lao động lớn như Việt Nam.

Theo Vnbusiness

 

 

https://vnbusiness.vn/viet-nam/lap-khoang-trong-nhan-luc-de-doanh-nghiep-phuc-hoi-1079805.html

 

Chia sẻ bài viết

Thong ke