Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), cho biết phía nhà đầu tư Mỹ đã cam kết bước đầu, trước mắt họ sẽ đồng ý rót vốn khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó 4 tỷ USD ở Đà Nẵng và 6 tỷ USD ở TP HCM để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
TP. Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế mà các địa phương khác không có được. Uỷ ban Nhân dân thành phố cho biết, ngoài vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi, TP. Hồ Chí Minh đang là một đầu tàu động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam. Thành phố chỉ chiếm khoảng 9,35% dân số và 0,63% diện tích cả nước nhưng trong các năm qua, TP HCM đã đóng góp khoảng 23% GDP và khoảng 27% ngân sách quốc gia.
Việt Nam đang ở múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế đặc biệt trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này. Do đó, TP. Hồ Chí Minh đang sở hữu lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển các trung tâm tài chính quốc tế trong thời gian tới.
TP. Hồ Chí Minh không chỉ nằm ở múi giờ khác biệt mà còn nằm ở vị trí chỉ cách khoảng 3 giờ bay với các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines.
Trong nhiều năm, thành phố đã thu hút rất nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm một lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh mua bán - sáp nhập (M&A), các quỹ đầu tư mạo hiểm và kiều hối. Cùng với đó, mật độ tập trung của các định chế tài chính của thành phố thuộc nhóm cao nhất cả nước. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: "Thành công trong việc xây dựng trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tác động tích cực đối với nguồn cung vốn - huyết mạch của nền kinh tế". Trung tâm tài chính quốc tế sẽ tạo ra sự dịch chuyển của dòng vốn. Thành phố sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức... và kéo theo sự phát triển của hệ sinh thái những sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tài chính phụ trợ (bảo hiểm, quản lý rủi ro, quản lý tài sản...). Từ đó, thành phố trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, trung tâm tài chính quốc tế sẽ tạo ra sự phát triển của nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và môi trường sống. Quan trọng là trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh phải trở thành trụ cột chính, tập trung phát triển các công ty công nghệ tài chính thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, chứng khoán và đầu tư.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
https://doanhnghieptiepthi.vn/tai-sao-tp-ho-chi-minh-duoc-chon-la-noi-nhan-6-ty-usd-de-xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-dau-tien-cua-viet-nam-16122200201594110.htm