Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2022 là cả một quá trình đáng khích lệ của khối nội khi bước vào giai đoạn hồi phục sau khủng hoảng vì đại dịch. Tuy nhiên, khi áp lực giao hàng của doanh nghiệp đang rất lớn, điều mong mỏi là các cơ quan quản lý có liên quan cần tiếp tục cầu thị, sớm sửa đổi những bất cập chính sách để không gây khó, tránh bất lợi cho hàng Việt xuất khẩu.
Số liệu của Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hoá ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so cùng kỳ năm ngoái.
Áp lực giao hàng rất lớn
Điểm đáng ghi nhận là hoạt động XK của khu vực kinh tế trong nước vào 2 tháng qua đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy thế, tỷ trọng của khối nội trong tổng kim ngạch XK vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 26,6% so với tỷ trọng 73,4% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Không chỉ vậy, riêng trong tháng 2/2022, dù kim ngạch XK có tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng nếu so với tháng 1/2022 thì lại sụt giảm đến 25,6% cũng là điều đáng lưu tâm (dù có một phần nguyên nhân do nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần).
Với các doanh nghiệp (DN) thuộc khối nội, để hoạt động XK tiếp tục hồi phục tốt và bứt phá trong những tháng tới thì còn rất nhiều việc phải làm. Về phía các cơ quan quản lý có liên quan và khâu chính sách cũng cần chủ động nắm bắt những tâm tư, vướng mắc, khó khăn của DN nhằm sớm tháo gỡ, tránh bất lợi cho hàng Việt XK.
Như mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, sau thời gian giãn cách do dịch Covid-19, nhiều DN khi mở cửa trở lại thì áp lực giao hàng rất lớn, phải bố trí làm ngoài giờ.
Vì vậy, Vitas đề nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép DN không bị hạn chế làm thêm giờ theo tháng và nâng mức làm thêm giờ theo năm từ 300 giờ lên 400 giờ/năm.
Cho rằng kinh phí công đoàn 2% đang là gánh nặng cho DN, phía hiệp hội này có đề nghị giảm kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% và để lại 85 – 90% cho công đoàn cơ sở để chăm lo cho người lao động tại DN.
Hơn thế nữa, Vitas tiếp tục đề nghị bỏ quy định nộp thuế Giá trị gia tăng (VAT) đối với DN sử dụng vải trong nước để sản xuất XK, thay vì phải nộp thuế trước rồi hoàn sau.
Đồng thời, Vitas tiếp tục kiến nghị bỏ quy định thuế nhập khẩu xơ polyester 2% và bỏ quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa dùng để sản xuất xuất khẩu (Hiện nay Nhà nước đã miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để gia công XK, nhưng lại không miễn thuế nhập khẩu cho nguyên phụ liệu nhập khẩu tại chỗ để sản xuất XK).
Thực ra, đề xuất liên quan đến thuế VAT từng được hiệp hội này đưa ra hồi năm ngoái, nhưng Bộ Tài chính có trả lời rằng, việc bỏ quy định nộp thuế VAT đối với DN sử dụng vải trong nước để sản xuất XK hoặc quy định đối tượng không chịu thuế VAT đối với mặt hàng vải mua trong nước để sản xuất hàng XK sẽ làm giảm tính liên hoàn của thuế VAT.
Xin đừng gây khó doanh nghiệp
Nguyên do được Bộ Tài chính chỉ rõ là vì DN bán vải trong nước sẽ không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào và có thể làm tăng giá bán của mặt hàng vải, đồng thời chưa phù hợp với quy định của luật thuế Giá trị gia tăng.
Cũng trong vấn đề về chính sách thuế, vào cuối tháng 2/2022 này, Vitas tiếp tục kiến nghị bỏ quy định thuế nhập khẩu xơ polyester 2% và bỏ quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa dùng để sản xuất xuất khẩu.
Trong khi đó, hồi giữa năm ngoái, nhiều ý kiến từ phía các DN nội địa XK dệt may từng cho rằng gặp rất nhiều khó khăn trong XK vì phải huy động một số tiền lớn đóng thuế và mất thời gian để hoàn thành các thủ tục nộp - hoàn thuế sau đó cho cùng một chủng loại sản phẩm khi thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP.
Trong đó, bất cập lớn nhất của Nghị định 18 khi thực hiện nằm ở chỗ buộc DN nội địa XK tại chỗ sản phẩm cho DN sản xuất XK phải nộp thuế XK cho sản phẩm xuất ra.
Mặt khác, vấn đề nộp thuế ngay sau đó được hoàn lại khi chứng minh là thực sự XK cũng gây khó khăn rất lớn cho DN, do phải huy động một số tiền lớn để đóng thuế và mất rất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục nộp và hoàn thuế sau đó.
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, qua trao đổi với VnBusiness, nhiều doanh nghiệp XK cho biết mong muốn của họ là Tp.HCM nên ngừng triển khai thu phí đến hết năm 2022. Khi triển khai thu không phân biệt phí cho hàng hóa làm thủ tục tờ khai tại Tp.HCM và khai tại các địa phương khác.
Ngoài ra, điều bất lợi cho hàng Việt mà các nhà XK của khối nội lo lắng nhiều trong suốt thời gian gần đây là mức độ tăng giá “chóng mặt” của nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất tăng và phí dịch vụ logistics tăng cao. Đây là vấn đề khiến nhiều DN khá thận trọng trong việc nhận đơn hàng mới.
Có thể nói, nhìn vào giá trị kim ngạch XK trong 2 tháng đầu 2022 là cả một quá trình đáng khích lệ cho các DN nội địa khi bước vào giai đoạn hồi phục sau khủng hoảng vì đại dịch.
Vì vậy, để tránh bất lợi cho hàng Việt XK đòi hỏi sự lắng nghe, cầu thị từ các cơ quan quản lý nhằm điều chỉnh, tạo sự linh hoạt, cởi mở hơn trong chính sách thuế, phí, cũng như tạo cơ chế đặc biệt cho các nhà XK trong vấn đề logistics… để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm nhằm giúp nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt trên thị trường quốc tế trong lúc này.