Bitcoin bị “ruồng rẫy” khắp nơi
Hôm 8/6, giá Bitcoin bất ngờ sụt giảm 13% so với một ngày trước xuống ngưỡng 31.000 USD. Theo giới chuyên gia, nguyên nhân đằng sau cú rơi vẫn chưa rõ ràng. Nhưng chúng có thể liên quan đến những lo ngại về tính bảo mật của tiền mã hóa.
Ngoài ra, lý do chính khiến Bitcoin liên tục giảm giá mạnh thời gian qua là chính quyền các nước gia tăng kiểm soát. Mới đây, các quan chức Mỹ thu hồi 2,3 triệu USD Bitcoin tương đương hơn một nửa số tiền chuộc mà công ty Colonial Pipeline trả cho nhóm tin tặc tấn công mạng lưới đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất nước Mỹ bằng mã độc tống tiền tháng trước.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sở hữu chìa khóa mở một ví Bitcoin nhận phần lớn tiền chuộc của Colonial Pipeline. Bitcoin là loại tiền thường được các tin tặc lựa chọn để yêu cầu trả tiền chuộc nhằm mở khóa dữ liệu bị khóa bởi mã độc tống tiền. Động thái này cho thấy chính quyền Mỹ đưa Bitcoin vào tầm kiểm soát chặt chẽ, bởi đồng tiền này trở thành phương tiện hỗ trợ cho hoạt động phi pháp.
Ngoài ra, tác động đến nguồn năng lượng khi khai thác Bitcoin là vấn đề khiến nhiều nước đau đầu. Tại Trung Quốc, cơ quan quản lý Năng lượng tỉnh Vân Nam vừa thông báo sẽ xử phạt hành vi sử dụng điện trái phép của các thợ đào Bitcoin. Nội Mông và Tân Cương ban hành lệnh cấm tương tự. Tỉnh Tứ Xuyên cũng đang giám sát chặt chẽ hoạt động của các mỏ đào.
Tỉnh Vân Nam, nằm ở phía Tây Nam Trung Quốc, vừa ban hành lệnh cấm dùng điện vào mục đích khai thác Bitcoin. Thông tin này được đăng tải trên báo địa phương ngày 12/6. Cùng với việc ngăn chặn tiêu tốn lượng điện khổng lồ, chính quyền Trung Quốc còn bày tỏ lo ngại trước tình trạng đầu cơ tiền mã hóa sau khi giá Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác dao động dữ dội.
Vân Nam hiện là trung tâm khai thác Bitcoin lớn thứ 4 tại Trung Quốc - quốc gia tạo ra hơn một nửa sản lượng Bitcoin toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó sẽ sớm thay đổi. Ngay sau khi chính quyền nước này tuyên bố siết chặt hoạt động khai thác và giao dịch tiền mã hóa, một số công ty quản lý “mỏ đào” nhanh chóng tìm cách chuyển sang nơi khác.
Sức hấp dẫn giảm sút vì giá cao
Ngoài yếu tố bên ngoài, sức hút của Bitcoin giảm mạnh cũng đến từ nguyên nhân nội tại. Từ đầu năm, giá Bitcoin tăng cao, tạo sức hút lớn đối với nhà đầu tư tài chính. Nhưng sau khi tiền mã hóa này liên tục phá kỷ lục, mối quan tâm bắt đầu giảm dần.
Nhiều “tay to” trên thị trường tỏ ra không mặn mà với mức giá lên tới 60.000-65.000 USD của Bitcoin. Hôm 11/6, đồng tiền này được giao dịch quanh mốc 37.500 USD. Con số này giảm hơn 40% so với kỷ lục xấp xỉ 65.000 USD thiết lập vào tháng 4. Tuy nhiên, mức giá vẫn cao hơn 25% so với đầu năm. Thị trường Bitcoin phục hồi nhẹ trong những ngày gần đây, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy các quỹ đầu tư quay lại.
Thông tin tích cực từ phiên bản nâng cấp
Mới đây, giá Bitcoin bật tăng nhờ những thông tin tích cực về bản nâng cấp đầu tiên của đồng tiền sau 4 năm. Bản nâng cấp hứa hẹn giúp tính riêng tư và hiệu quả giao dịch của Bitcoin tăng cao. Lần nâng cấp Bitcoin đầu tiên sau 4 năm vừa được các thợ đào trên thế giới chấp thuận. Đây là sự đồng thuận hiếm hoi giữa những bên liên quan. Theo đó, bản nâng cấp có tên Taproot và sẽ có hiệu lực vào tháng 11. Sau khi nâng cấp, tính riêng tư và hiệu quả giao dịch của loại tiền mã hóa này sẽ cao lên. Phiên bản mới sẽ mở ra tiềm năng cho các hợp đồng thông minh, tính năng của công nghệ blockchain giúp loại bỏ bên trung gian khỏi những giao dịch phức tạp.
Giá Bitcoin tăng cao trong khi các loại tiền mã hóa khác đồng loạt sụt giá. Giá Ether lao dốc 3,27% xuống mức 2.336 USD/đồng. Đồng XRP và Cardano cũng chứng kiến giá giảm lần lượt 0,66% và 3,35%. Trong khi đó, giá Dogecoin sụt giảm hơn 1% so với một ngày trước đó. Theo dữ liệu của CoinMarketCap, thị phần của Bitcoin trong thị trường tiền mã hóa đã tăng 0,71% so với một ngày trước đó lên 44,48%.
Bản nâng cấp Taproot là động lực để các lập trình viên xây dựng hợp đồng thông minh trên blockchain của Bitcoin, mở ra triển vọng lớn trong thế giới tài chính phi tập trung (DeFi). Hiện tại, Ethereum là blockchain đang thống trị lĩnh vực này.
Elon Musk điều khiển giá Bitcoin?
Mới đây, tỷ phú Elon Musk hé lộ có thể chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin trong tương lai. “Khi có xác nhận một lượng Bitcoin hợp lý, được đào bằng năng lượng sạch, Tesla sẽ tiếp tục cho phép thanh toán bằng Bitcoin”, Elon Musk trả lời một bình luận trên Twitter. Sau thông tin này, giá Bitcoin từ mức hơn 37.000 USD tăng lên trên 39.000 USD. Gần một tháng qua, đồng tiền mã hóa này không vượt được qua mốc 40.000 USD.
Trước những thông tin cho rằng Elon Musk “thao túng thị trường”, đẩy giá lên xuống để mua bán lượng Bitcoin lớn kiếm lời. Nhiều ý kiến cho rằng Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) nên điều tra CEO của Tesla. Đáp lại, Elon Musk khẳng định Tesla mới chỉ bán khoảng 10% lượng Bitcoin.
Cách đây một tháng, ngày 13/5 Elon Musk khiến giá trị Bitcoin giảm mạnh khi tuyên bố Tesla ngừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin vì khai thác đồng tiền mã hóa này đem lại quá nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Chỉ trong một giờ, mức giá Bitcoin giảm 10%. Kể từ đó, giá Bitcoin luôn trong xu hướng giảm. Từ mức trên 55.000 USD trước bài viết của Elon Musk, giá tụt xuống mức 50.000 USD, rồi sau đó xuống dưới 40.000 USD sau tin tức Trung Quốc kiểm soát chặt hoạt động khai thác, giao dịch tiền mã hóa.
Chính Elon Musk góp phần tạo nên mức tăng mạnh của Bitcoin đợt đầu năm. Tháng 2, công ty này cho biết mua vào lượng Bitcoin trị giá 1,5 tỷ USD và đồng ý thanh toán xe điện bằng Bitcoin. Theo sau động thái của Tesla là hàng loạt tập đoàn, tổ chức lớn khác chấp nhận Bitcoin giúp giá đồng tiền này tăng mạnh, có lúc đạt trên 64.000 USD vào tháng 4.
Theo Nhịp sống doanh nghiệp