Friday, 22/11/2024

Savico có gì hấp dẫn Tasco?

13:26 25/02/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Tasco dự kiến tăng vốn để hoán đổi 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH SVC Holdings - công ty mẹ của đơn vị phân phối ôtô Savico lớn nhất Việt Nam. Trước đó, Savico đã có sự tham gia của các cổ đông cùng nhóm Tasco là Nhựa Đồng Nai từ năm 2020.

Sau DNP, đến lượt Tasco muốn đầu tư vào Savico

Cách đây vài ngày, HĐQT Tasco (HNX: HUT) vừa thông qua kế hoạch tăng vốn để hoán đổi 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH SVC Holdings sau khi quyết tâm thoái vốn khỏi các công ty ngoài ngành trong lĩnh vực xây dựng và y tế. HĐQT giao Chủ tịch Tasco xây dựng phương án chi tiết đại hội thông qua chậm nhất trong tháng 4.

Thông tin từ phía doanh nghiệp, đây là chương trình tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của Tasco. Sau thông tin này, cổ phiếu HUT tăng 17% chỉ sau 2 phiên, với 1 phiên tăng trần.

Công ty chưa công bố cụ thể phương án chuyển đổi. Tại ngày 31/12/2021, SVC Holdings có vốn góp hơn 5.135 tỷ đồng với sự tham gia của nhiều cổ đông cá nhân mới. Vốn chủ sở hữu của Tasco là hơn 3.803 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là hơn 3.486 tỷ đồng.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh nhóm cổ đông mới trở thành cổ đông chi phối của Tasco sau khi tham gia mua cổ phần vào đợt phát hành riêng lẻ trong năm ngoái. Theo đó, Tasco có sự “thay máu” loạt nhân sự cấp cao, đáng chú ý là sự chuyển giao vị trí Chủ tịch từ ông Phạm Quang Dũng sang ông Hồ Việt Hà.

Tân Chủ tịch Tasco Hồ Việt Hà từng là Phó Chủ tịch DNP Water - công ty con của Nhựa Đồng Nai (DNP Corp, HNX: DNP) trở thành và nắm vị trí chủ chốt trong một số doanh nghiệp khác cùng hệ sinh thái của Nhựa Đồng Nai. Tuy nhiên, ông Hà hiện chỉ còn giữ chức vụ Thành viên HĐQT DNP Water.

SVC Holdings mới thành lập vào tháng 10/2021, có trụ sở tại Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; buôn bán ôtô và xe có động cơ khác...

Cơ cấu cổ đông SVC Holdings. Ảnh: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Vào ngày 23/12/2021, SVC Holdings đã mua vào gần 18 triệu cổ phiếu SVC để trở thành cổ đông lớn nhất với khoảng 54% cổ phần Savico (HoSE: SVC). Tạm tính theo thị giá hiện tại, lượng cổ phần này có giá trị 2.070 tỷ đồng. Nếu hoán đổi 100% cổ phần SVC Holdings, Tasco sẽ gián tiếp trở thành công ty mẹ của Savico và hợp nhất báo cáo tài chính.

Đầu tháng 11/2021, Đại hội đồng cổ đông bất thường Savico đã thông qua việc SVC Holdings và người có liên quan có thể nhận chuyển nhượng cổ phiếu SVC để nâng sở hữu lên tới 75% mà không phải chào mua công khai. Theo sau SVC Holdings, cổ đông Nhà nước Tổng công ty Bến Thành nắm giữ hơn 30,6%, riêng hai tổ chức này đã nắm giữ hơn 80% vốn điều lệ Savico.

Trước Tasco dưới thời Tân Chủ tịch HĐQT Hồ Việt Hà, Savico đã có sự tham gia của Nhựa Đồng Nai. Sau khi nhóm cổ đông ngoại  gồm PYN Elite Fund, Tundra Vietnam, Finansia Syrus… rút vốn, nhóm cổ đông nội bắt đầu đưa người vào HĐQT Savico tại kỳ họp thường niên năm 2020. Trong số đó có những cá nhân liên quan đến Nhựa Đồng Nai gồm ông Lê Tuấn – cựu Tổng Giám đốc DNP Water và ông Nguyễn Hoàng Giang – Thành viên HĐQT DNP Water. 

Vào tháng 10 năm ngoái, hai lãnh đạo này cùng bán mỗi người 1,6 triệu cổ phiếu SVC, tương đương 4,9% vốn theo phương thức thỏa thuận. Hiện, ông Lê Tuấn và ông Nguyễn Hoàng Giang không còn sở hữu cổ phần nhưng vẫn tham gia là Phó Chủ tịch và Thành viên HĐQT Savico.

Ảnh: Savico
Ảnh: Savico

Savico có gì hấp dẫn Tasco?

Thông qua đối tác Savico, “ông trùm” mảng xây dựng hạ tầng giao thông dự kiến sẽ cung cấp xe ôtô các loại cũ mới; xe phổ thông, xe sang; dịch vụ liên quan tới xe và dịch vụ giá trị gia tăng cho xe và chủ xe khác để hướng tới một hệ sinh thái từ thượng nguồn tới hạ nguồn cho 4,5 triệu khách hàng sở hữu xe tại Việt Nam.

Trao đổi với Người Đồng Hành, Tân Chủ tịch Tasco từng chia sẻ về ý định đầu tư kinh doanh ôtô: “Mình đầu tư vào hạ tầng giao thông thì mình cũng kỳ vọng cung cấp giá trị gia tăng cho các phương tiện giao thông. Đây là định hướng đang nghiên cứu và sẽ triển khai trong năm 2022”. 

Theo số liệu xe mới bán ra của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam - VAMA, Savico được biết là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực phân phối ôtô tại Việt Nam với hơn 11,2% thị phần. Công ty nắm giữ 100% cổ phần tại Savico Hà Nội, 80% Ôtô Bắc Âu (Volvo Việt Nam) và 59,8% Đà Nẵng Ford, là nhà phân phối lớn nhất của Toyota (gần 20% thị phần), Ford (33% thị phần), cũng như phân phối các dòng sản phẩm khác như Volvo… tại Việt Nam.

Ngoài kinh doanh ôtô, Savico còn phân phối xe gắn máy với các thương hiệu Yamaha, Honda... Mảng thương mại này cũng là nguồn thu chính cho Savico nhiều năm qua khi đóng góp hơn 90% tổng doanh thu mỗi năm. Song do đặc thù hoạt động phân phối, biên lãi gộp khá mỏng và thường xuyên biến động mạnh. Công ty còn phải duy trì nợ vay ngắn hạn lớn để bổ sung vốn lưu động. 

Tính đến ngày 31/12/2021, dư nợ vay của công ty là 1.362 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm và chiếm 31% cơ cấu nguồn vốn. Hơn 86% số đó là vay nợ ngắn hạn. Chi phí lãi vay 12 tháng năm ngoái là hơn 83 tỷ đồng, tương đương 42% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, trong khi doanh thu tài chính “khiêm tốn” với gần 13 tỷ. 

Bên cạnh phân phối ôtô và xe gắn máy, doanh nghiệp này cũng đầu tư nhiều dự án bất động sản như trung tâm thương mại, toà nhà văn phòng, dự án du lịch. Có thể kể đến trung tâm Savico Megamall tại Hà Nội (4,6 ha); trung tâm thương mại Savico Đà Nẵng (4.739 m2); trung tâm thương mại Savico Cần Thơ (2.849 m2); khu dân cư Long Hoà Cần Giờ (29,8 ha); khu phức hợp Savico Nam Cẩm Lệ (2,1 ha); dự án Mercure Sơn Trà (5,76 ha); một số toà nhà văn phòng tại Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng… Các bất động sản cho thuê đem lại dòng tiền ổn định với doanh thu hơn trăm tỷ mỗi năm cho Savico.

Ảnh: Báo cáo thường niên 2020 của Savico
Ảnh: Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của Savico

Doanh thu và lợi nhuận của Savico giảm dần trong 3 năm gần đây. Trong đó năm 2020, với sự xuất hiện của dịch Covid-19, lãi sau thuế giảm 36% về 233 tỷ đồng. Nguồn thu từ các mảng kinh doanh như phân phối ôtô, cho thuế bất động sản, trung tâm thương mại… đều thấp hơn các năm trước.

Đơn vị cho biết sức mua thấp nửa đầu năm 2020 dẫn đến áp lực bán hàng, tồn kho tăng cao, các hãng phải cạnh tranh gay gắt về giá, thị phần… làm giảm lãi gộp, tăng chi phí lãi vay, tăng rủi ro thu hồi công nợ. Tiến độ triển khai các dự án ôtô và bất động sản chậm. Doanh thu trung tâm thương mại, nhà hàng tiệc cưới, mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê cũng giảm mạnh, đặc biệt từ tháng 4/2020.

Sang năm 2021, Savico ghi nhận 14.122 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 12% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ở mức 212,7 tỷ đồng, giảm 5,4%. Với kết quả này, Savico đã hoàn thành 82% mục tiêu doanh thu và 90% chỉu tiêu lợi nhuận năm.

Theo giải trình, sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, thị trường dần phục hồi thích ứng với tình hình kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới trong quý cuối năm ngoái. Với ngành ôtô, nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng cao của Nhà nước (giảm lệ phí trước bạ) và các chương trình khuyến mãi của nhà cung cấp, thị trường trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, sản lượng vẫn giảm 7% so với cùng kỳ 2020.

Khối dịch vụ bất động sản cũng giảm đáng kể do tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm giá cho khách hàng khắc phục và duy trì kinh doanh hậu Covid… 

Bên cạnh đó, trong điều kiện thuận lợi của thị trường, các đơn vị tăng cường các chương trình quảng cáo, khuyến mãi, hoa hồng, các chi phí thuê ngoài khác nhằm đẩy mạnh thêm hoạt động bán hàng... làm cho chi phí hoạt động gia tăng so với cùng kỳ.

Theo NDH

https://ndh.vn/doanh-nghiep/savico-co-gi-hap-dan-tasco-1310452.html

 

 

Chia sẻ bài viết

Thong ke