Nền kinh tế đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch và kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 sẽ đạt 14% khi gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng được triển khai. Tuy nhiên, các ngân hàng dường như vẫn đang "án binh" vì chưa có hướng dẫn, trong khi doanh nghiệp đang "đỏ mắt" chờ giải ngân.
Thực tế đã chứng minh cho nhận định lạc quan trên là hoàn toàn có cơ sở khi tính đến ngày 28/1/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm 2021, cao hơn nhiều mức tăng 0,53% của tháng 1/2021. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng khi tháng 1 theo quy luật hàng năm, thường tín dụng tăng thấp.
Doanh nghiệp phục hồi tích cực
Dư nợ tín dụng trong tháng 1 đạt gần 286.000 tỷ đồng, mức tăng theo tháng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây cho thấy khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới khá tích cực. Nhất là tại các địa phương kiểm soát dịch bệnh, doanh nghiệp trên địa bàn phục hồi nhanh.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2022, số doanh nghiệp quay trở lại sau thời gian "nghỉ ngơi" bất đắc dĩ do dịch bệnh đã tăng tốc rất mạnh, với 19,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 352,8% so với tháng 12/2021 và tăng 194% so với tháng 1/2021). Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tháng 1/2022 theo đó lên tới 32,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước, trong một nội dung trao đổi thời điểm cuối tháng 12/2021, cũng cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tham gia rất sâu vào quá trình thúc đẩy phục hồi kinh tế. Theo ông Quang, ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn tiền cung ứng, đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế trong giai đoạn 2 năm tới.
Một chuyên gia nhận định, mặc dù mới là kết quả của tháng đầu năm, sự phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa vững chắc, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục tạo động lực cũng như củng cố niềm tin doanh nghiệp và toàn thể xã hội khi bước vào giai đoạn phát triển mới, giai đoạn mọi hoạt động của cuộc sống trở lại bình thường sau những khó khăn và ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch lịch sử mang tên COVID-19.
Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng sắp có hướng dẫn
Cộng đồng doanh nghiệp đang rất sốt ruột và mong đợi gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng (ngân sách cấp bù 2%) theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua.
Còn các chuyên gia đánh giá, gói cấp bù lãi suất được triển khai sẽ làm giảm chi phí tài chính cho những doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch, giúp doanh nghiệp phục hồi, hướng đến những ngành có đóng góp cho việc phục hồi kinh tế. Mặt khác, ngân hàng cũng được hưởng lợi nhờ đẩy mạnh cho vay.
Trao đổi với VnBusiness, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội cho biết, doanh nghiệp rất mong chờ gói hỗ trợ này để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhằm khôi phục sản xuất. Thế nhưng, ngân hàng chưa thể triển khai bởi vẫn đợi hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, cho biết cơ quan này đã được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh.
Lãnh đạo NHNN cho hay, NHNN sẽ trình Chính phủ thủ tục rút gọn để Nghị định có hiệu lực ngay sau khi ban hành (thay vì tối thiểu phải sau 45 ngày ký văn bản mới có hiệu lực như quy định thông thường).
Hiện nay, vấn đề mà ngân hàng cũng như doanh nghiệp mong chờ nhất ở nghị định hướng dẫn là điều kiện vay thế nào, đối tượng vay ra sao. Tại cuộc hội thảo về nợ xấu được tổ chức đầu tuần này, đại diện một ngân hàng cho biết, rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch đang vướng nợ xấu, nếu không hạ chuẩn tín dụng thì những doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch sẽ khó có cơ hội tiếp cận.
Mặt khác, dù ngân hàng rất muốn hỗ trợ doanh nghiệp nhưng nếu chính sách không rõ ràng thì ngân hàng không dám cho vay bởi sợ trách nhiệm sau này. “Bộ Tài chính nên công bố danh sách đối tượng cụ thể hoặc phải quy định đối tượng vay rất cụ thể, nếu không ngân hàng sẽ không dám giải ngân”, vị này cho hay.
Nhiều ý kiến đề xuất, Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng doanh nghiệp nào được cấp bù lãi suất, bởi Bộ rất hiểu “sức khỏe” của doanh nghiệp thông qua tình hình nộp thuế. Qua đó cũng giảm áp lực cho ngân hàng, giúp ngân hàng "mạnh tay" cho vay.