Chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên ở Đông Nam Á, GRS có tham vọng phát triển thị trường, mở nhà máy sản xuất ở đây và phát triển Việt Nam thành “Robotics Hub” của thế giới.
Trao đổi với DĐDN, ông Chen Hong Ming, Giám đốc điều hành GRS Global khẳng định, Việt Nam có nền kinh tế năng động, mức tăng trưởng 8-9%/năm với triển vọng thu hút dòng đầu tư lớn, do đó logistics sẽ đóng vai trò rất quan trọng, chính vì thế chúng tôi đến Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tiên ở Đông Nam Á.
- Ông có đánh giá thế nào về mức chi phí logistics của Việt Nam so với các nước trong khu vực? Tự động hóa là xu hướng để giảm chi phí cho logistics cho các quốc gia, thưa ông?
Mức chi phí logistics trên GDP khoảng 18% chỉ là sự phản ánh có tính giai đoạn. Theo kinh nghiệm quốc tế, chi phí sẽ giảm xuống thông qua sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau trong tiến trình phát triển kinh tế. Trong đó, một là cơ sở hạ tầng – điều này tôi nghĩ Chính phủ đang cải thiện rất tốt. Hai là công nghệ trong robotics là rất quan trọng. Chắc chắn, tự động hóa trong lĩnh vực logistics là một xu hướng để cắt giảm chi phí dể dàng.
Thực tế chúng tôi đã thành công tại nhiều quốc gia, ví dụ như Trung tâm logistics của Nhật Bản hay trung tâm hoàn thiện đơn hàng E-commerce (Fulfillment Center) của Trung Quốc. Vào thời điểm của dịp giảm giá lớn nhất năm, Ngày Thứ Sáu đen tối – Black Friday (PV: 11/11), cần có khoảng 4000 người và hầu hết các quy trình là thủ công, chúng tôi bắt đầu giới thiệu thiết bị phân loại và robot phân loại so với công nghệ I5 cho nhà kho. Sau khi hoàn thành, có thể giảm đi khoảng 75% số người, như vậy chỉ còn cần khoảng 1000 lao động với những khác biệt về hiệu số, về hiệu quả .
Về thời gian, sẽ mất khoảng 8-9 giờ đồng hồ giao hàng cho một người lao động kể từ khi nhận được đơn đặt hàng. Khi sử dụng robot, chúng tôi có thể giảm xuống còn 2-3 giờ, như vậy là giảm hơn 50% thời gian hoàn thành.
- Vậy đến Việt Nam, lộ trình triển khai của GRS sẽ như thế nào? Công ty có dự định xây dựng nhà máy sản xuất robot tại đây, thưa ông?
Đầu tiên, chúng tôi muốn thay đổi tư duy thị trường, chúng tôi muốn Việt Nam trở thành nước đi đầu trong việc áp dụng dịch vụ robot hiện nay – đó là động lực đầu tư vào Việt Nam của chúng tôi. Về lâu dài, chúng tôi cũng tính tới việc mở nhà máy sản xuất, phát triển Việt Nam thành “robotics hub” của thế giới. Các nhà máy có thể bắt đầu là lắp ráp các robot với một phần nguồn cung ứng linh kiện và lấy mẫu tại đây, như vậy chi phí sẽ thấp hơn và không cần phải vận chuyển tốn kém thời gian và chi phí đắt đỏ. Robot thực sự là một ngành công nghiệp mới, do đó, chúng tôi mong muốn sự hỗ trợ từ phía Chính phủ về đất đai, các ưu đãi thuế…
- Việt Nam đang đứng ở đâu về tự động hoá logistics trong châu Á, thưa ông?
Thống kê chỉ ra rằng 90% kho trên toàn cầu là thủ công, chỉ 10% là tự động hoá, con số này ở Việt Nam khoảng 2-3%. Với tốc độ tăng trưởng của tự động hoá là 25% thì đây là một miếng bánh rất lớn. Tôi nghĩ rằng Việt Nam bây giờ không phải là quốc gia phát triển nhất ở châu Á, so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, nhưng về robot tự động hóa, về logistics, tôi nghĩ rằng mọi người đều ở cùng một điểm khởi đầu. Việt Nam sẽ có cơ hội rất tốt để bắt kịp cơ hội, để đi đầu trong việc áp dụng. Việt Nam có dân số đông, người lao động năng động và đặc biệt có nền kinh tế đang phát triển. Đó là những cơ hội để thực sự bắt kịp các nước khác trong Châu Á. 10 năm nữa Việt Nam sẽ vươn tầm quốc tế về tự động hoá logistics.