Wednesday, 04/12/2024

Phát triển kinh tế nông nghiệp Sơn La cần những đột phá mới

18:44 18/10/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online 5 năm chuyển đổi, đưa cây ăn quả lên sườn đất dốc, kinh tế nông nghiệp Sơn La đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành điểm sáng của khu vực Tây Bắc và cả nước.

Tuy nhiên, Sơn La cần thẳng thắn nhìn nhận, rút kinh nghiệm từ những chương trình chưa thật sự hiệu quả; tích cực tìm kiếm, triển khai các giải pháp căn cơ hơn để chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh thực sự bền vững, vươn xa hơn, hướng tới mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Trong số các chương trình chưa thực sự mang lại hiệu quả như mục tiêu Nghị quyết đề ra phải kể đến chương trình phát triển cây cao su ở Sơn La. Là dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, với mức đầu tư lớn nhất ở tỉnh đến thời điểm này, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, sau hơn 10 năm triển khai, việc trồng cao su ở Sơn La chưa giải quyết được các mục tiêu việc làm, thu nhập, an sinh xã hội cho hộ gia đình, cá nhân góp đất trồng cao su vào làm công nhân cho Công ty cổ phần cao su Sơn La, dẫn đến có hàng nghìn công nhân bỏ việc, chiếm khoảng 70% tổng số lao động được tuyển dụng vào làm công nhân.

 Ước tính, thu nhập bình quân từ 1 ha cao su chỉ đạt 1,2 triệu đồng/ha/năm, số này thấp hơn 40 lần so với cây sắn, 57 lần so với cây chè và tới hơn 70 lần so với cây ăn quả…

Phát triển kinh tế nông nghiệp Sơn La cần những đột phá mới.

Anh Bạc Cầm Hoa ở bản Khiêng, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu, Sơn La cho biết: “Trước nhà tôi trồng nương sắn. Từ khi góp đất trồng cao su thì bình quân mỗi tháng chỉ có thu vài trăm nghìn thôi, công việc không có mà làm, toàn bỏ đi làm thuê thôi, rất khó khăn”.

Cây sơn tra hay còn gọi là cây táo mèo là cây trồng đa mục tiêu, được tỉnh Sơn La chú trọng phát triển ở các xã vùng cao, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và phủ xanh đất trống, đồi trọc. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 20.000 ha cây sơn tra, tập trung ở các xã vùng cao của huyện Bắc Yên, Mường La, Thuận Châu…

Tuy nhiên, đến nay, sản phẩm sơn tra chưa có thị trường chính thức, vì vậy, đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh, khó khăn. Ông Thào A Vạng, Trưởng bản Nậm Nghiệp, huyện Mường La – vựa quả sơn tra của tỉnh Sơn La, với diện tích hơn 2.200 ha bày tỏ: “Bây giờ bà con dân bản mong muốn Nhà nước sẽ có biện pháp để xử lý cây sơn tra này, cho nó đảm bảo về đầu ra”.

Tuy có những chương trình chưa thật sự thành công và chưa đạt con số 100.000 ha cây ăn quả vào năm 2020 như mục tiêu ban đầu đề ra, song không thể phủ nhận 5 năm thực hiện, chủ trương về phát triển cây ăn quả của tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả trên cả mong đợi, đã làm xoay chuyển ngành nông nghiệp, tạo nên “hiện tượng nông nghiệp”.

Phân tích về bài học kinh nghiệm để có những kết quả ấy, theo ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, quan trọng nhất là người đứng đầu và tập thể cấp ủy phải rất đoàn kết, phải nghiên cứu để ban hành những cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống. Từ kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đội ngũ cán bộ phải vào cuộc rất quyết liệt, phân công nhiệm vụ rất cụ thể, có đôn đốc, kiểm tra. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghe báo cáo theo quý và đôn đốc theo nhiệm vụ đã đề ra, địa phương nào chưa làm bị phê bình nhắc nhở, nếu làm được sẽ động viên, khuyến khích kịp thời.

“Tỉnh Sơn La hiện nay đang làm tốt, ví dụ như nhiệm kỳ trước là hình thành 7 chương trình trọng tâm thì tỉnh đã hình thành 7 Ban chỉ đạo về 7 chương trình này; trưởng Ban chỉ đạo đều là các đồng chí lãnh đạo tỉnh, và cấp ủy các cấp, trong đó có Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND các huyện cũng phải vào cuộc. Ví dụ như 1 việc nhỏ là bán sản phẩm nông nghiệp thì Bí thư, Chủ tịch đều phải vào cuộc; phó Chủ tịch tỉnh làm tổ trưởng tổ mua bán nông sản. Tôi cho rằng vai trò của Ban chỉ đạo, của tổ công tác và trách nhiệm của người đứng đầu và các sở ngành là rất quan trọng trong việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống” - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nói.

Thời gian tới, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu diện tích cây ăn quả đạt gần 105.000 ha, sản lượng hơn 596.000 tấn; giá trị sản lượng trên 1 ha đối với mô hình cây ăn quả có đầu tư thâm canh bình quân đạt trên 150 triệu đồng/năm; đến năm 2025, tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến của vùng Tây Bắc…

Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng Ban chỉ đạo về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, để có những “cú hích” mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp, ngoài nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nông dân, rất cần những chính sách đột phá từ Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương để chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các tỉnh miền núi nói riêng, cả nước nói chung triển khai đạt kết quả cao hơn nữa.

“Sơn La đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành TƯ tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng, vì hạ tầng sẽ quyết định cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và chuyên canh lớn. Hai là kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nghiên cứu các bộ giống mới và tiếp tục có định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Ba là kiến nghị được hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, vì không có mã số vùng trồng thì không khẳng định được thương hiệu, không khẳng định được xuất xứ nguồn gốc hàng hóa. Vì vậy phải tăng cường việc này thì mới xuất khẩu được nông sản” - ông Nguyễn Thành Công kiến nghị.

Ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cũng nêu ý kiến: “Chúng tôi mong muốn Chính phủ, các bộ ngành Trung ương có những cơ chế chính sách để xây dựng các chuỗi giá trị ngành hàng, gắn với điều kiện của các tỉnh miền núi, trong đó có Sơn La. Thứ 2, cần quan tâm đầu tư các trung tâm chiếu sạ tại Sơn La để giúp các sản phẩm nông sản có thể chiếu sạ trước khi xuất khẩu sang thị trường các nước”.

Một tín hiệu rất vui khi nhiều giải pháp căn cơ, mang tính đột phá để chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các tỉnh miền núi nói riêng, cả nước nói chung triển khai đạt kết quả cao đã được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tính đến.

Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam diễn ra tại tỉnh Sơn La cuối tháng 5/2022, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: “Cách đây mấy ngày tôi đi thăm Trung tâm chiếu sạ ở Hà Nội và Trung tâm đang chuẩn bị chiếu sạ lô nhãn đầu tiên của Bắc Giang để đi Mỹ. Như vậy có nghĩa là nông sản miền Bắc không phải chuyển vào miền Nam để chiếu sạ nữa. Tuy nhiên, mỗi lần chiếu sạ như thế mà chỉ 1 lô sản phẩm có một ít trái xoài mang để chiếu sạ thì chi phí rất đắt. Chuyển vào miền Nam thì chi phí rẻ hơn vì người ta mùa màng trái cây chiếu sạ quanh năm. Tôi nghĩ các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Bắc Giang cần xem xét, làm sao mỗi một lần đi chiếu sạ thì số lượng phải nhiều thì chi phí sẽ giảm”.

Cũng tại hội nghị này, ngoài ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm, khát vọng của Sơn La trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV, XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho rằng, Sơn La đã hợp tác rất tốt với các nhà khoa học và các doanh nghiệp để mời gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến. Đồng thời, liên kết tạo ra vùng nguyên liệu rất rộng lớn. Tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ cách thức tổ chức sản xuất, phát huy vai trò của các HTX, góp phần kết nối giữa các hộ trồng cây ăn quả với doanh nghiệp, đối tác tiêu thụ, tạo ra vùng sản xuất tập trung, có điều kiện áp dụng công nghệ cũng như quy trình sản xuất an toàn và đây được xem là điểm sáng, là “ hiện tượng” Sơn La.

“Ba trụ cột chính của sự phát triển thì Sơn La cơ bản có cả 3, tôi thấy rất ấn tượng. Ví dụ chương trình chuyển đổi phát triển cây ăn quả là các đồng chí đã biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể. Tôi muốn nhấn mạnh tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết thống nhất, không trông chờ ỷ lại mà khai thác tiềm năng lợi thế, nắm bắt cơ hội và tận dụng thế cạnh tranh để đưa Sơn La phát triển đúng hướng, nhanh và bền vững” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói.

Đến Sơn La  bây giờ không còn những triền núi hay những vạt nương đỏ đất bạc màu sau khi ngô, sắn thu hoạch; thay vào đó là màu xanh ngút ngàn của các loại cây trái trĩu cành; những nếp nhà xây mới khang trang… cho thấy sự no ấm đã, đang hiện hữu nơi đây.

Chủ trương phát triển cây ăn quả mà Sơn La đề ra là xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nên sớm đi vào thực tiễn, tạo nên “hiện tượng nông nghiệp” của cả nước. Những cách làm, các mô hình tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh miền núi này có thể chưa phải là bộ giải pháp của quốc gia, nhưng hoàn toàn có thể được coi là cuộc cách mạng trong nông nghiệp của tỉnh, hướng tới mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra./.

Theo VOV

https://vov.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-son-la-can-nhung-dot-pha-moi-post977879.vov

Chia sẻ bài viết

Thong ke