Ông Đỗ Anh Dũng và những lùm xùm tại các dự án Tân Hoàng Minh
21:23 01/04/2022
Nhắc đến ông Đỗ Anh Dũng và Công ty Tân Hoàng Minh, nhiều người nhớ đến những dự án bất động sản sang trọng nằm ở các vị trí đắc địa mang những cái tên đầy tính quý tộc cổ điển châu Âu. Tuy nhiên, đi liền với tên tuổi đó là những lùm xùm liên quan đến các dự án.
Bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm
Cuối năm 2021, thị trường bất động sản choáng váng trước mức giá 24.500 tỉ đồng mà Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) chấp nhận bỏ ra để sở hữu lô đất vàng tại Thủ Thiêm. Đây có thể xem là mức giá kỷ lục cho một mét vuông đất tại Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Công ty Tân Hoàng Minh, có tâm thư về việc xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá 24.500 tỷ ở Thủ Thiêm, sẵn sàng chấp nhận chế tài khi đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất ở bán đảo này.
Trong tâm thư, Chủ tịch HĐQT Tân Hoàng Minh nêu lý do "nhận thấy kết quả đấu giá sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng" nên xin bỏ cọc (588,4 tỉ đồng).
Thông tin này lập tức gây xôn xao dư luận, đặc biệt tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội, ngày 4/1/2022. Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc nhận định: "Vụ việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình của việc làm nhiễu loạn thị trường".
Hủy kết quả đấu giá “đất vàng” Lê Duẩn
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Tân Hoàng Minh bỏ cọc. Trước đó, vào tháng 6/2015, Tân Hoàng Minh từng trúng thầu khu đất vàng 3.000m2 tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM với mức giá cao nhất 1.430 tỉ đồng (cao gấp 2,6 lần giá khởi điểm) rồi sau đó đề nghị huỷ kết quả vì cho rằng đơn vị tổ chức có sai phạm về bước giá.
Đến tháng 6/2016, doanh nghiệp này lại đề nghị được tiếp tục mua lô đất trên. Do quá thời gian quy định, ngoài số tiền trúng đấu giá, Tân Hoàng Minh phải nộp thêm hơn 260 tỷ đồng tiền phạt.
Khi đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết quý 3/2017 sẽ khởi công xây dựng khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, sau đó việc khởi công không được thực hiện. Đến năm 2019, mảnh đất này đã được chuyển nhượng cho Techcombank.
Sang tay “đất kim cương” Hàng Bài
Khu “đất kim cương” 22-24 Hàng Bài, đối diện Tràng Tiền Plaza với diện tích 4.000m2 từng được Tân Hoàng Minh đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng, dự kiến phát triển thành tòa nhà 9 tầng cao, 5 tầng hầm, bao gồm tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp, căn hộ hạng sang. Các căn hộ ở đây sở hữu sổ đỏ vĩnh viễn, giá bán dao động từ 7-35 tỉ đồng.
Khu đất dự án này có giá đền bù thuộc hàng cao nhất Hà Nội, một số vị trí lên tới 1 tỉ đồng/m2.
Được giao đất từ năm 2011, nhưng cho rằng với chỉ tiêu quy hoạch được duyệt thì dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế dẫn đến thua lỗ, chủ đầu tư đã nhiều lần xin thay đổi quy hoạch từ trung tâm thương mại và nhà ở tái định cư sang trung tâm thương mại, khách sạn. Sau đó, dự án lại được chuyển thành mục đích trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh dành 7 năm để có thể nhận được giấy phép quy hoạch cho dự án. Cuối cùng, Tân Hoàng Minh sang tay cho Masterise Homes để triển khai dự án bất động sản “hàng hiệu”.
11 dự án bị điều tra
Đầu năm 2022, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an gửi UBND TP Hà Nội và các sở, ban ngành của TP Hà Nội đề nghị cung cấp những hồ sơ, tài liệu gồm: Các văn bản pháp lý do UBND thành phố ký, duyệt liên quan đến các dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Mười một dự án bất động sản do Tập đoàn Tân Hoàng Minh đầu tư nằm trong diện xác minh của cơ quan công an bao gồm D'.Le Pont D'or Hoàng Cầu, D'. Palais Louis Nguyễn Văn Huyên, D' San Raffles Hàng Bài, D'. Le Roi Soleil Quảng An, D'.El Dorado Phú Thượng, D'.Dorado Phú Thanh, D'Capitale Trần Duy Hưng, Summit Building Trần Duy Hưng, D'. Jardin Royal-Tân Hoàng Minh Đại Cồ Việt, Tân Hoàng Minh Lò Đúc, Tân Hoàng Minh Hoàng Mai.
Đây cũng không phải lần đầu tiên những dự án tại Hà Nội của ông chủ Đỗ Anh Dũng đối mặt với vấn đề này.
Vào năm 2017, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận thanh tra 3 dự án vi phạm trong quá trình triển khai xây dựng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh ở Hà Nội tại 3 dự án D’ Le Pont Hoàng Cầu, D'. Palais Louis và D'. Le Roi Soleil Quảng An.
Tại D’.Palais Louis có một số gói thầu thi công đã hết hiệu lực; hồ sơ quản lý chất lượng không có biên bản nghiệm thu thiết bị thi công; có 8 nhà thầu không mua bảo hiểm theo cam kết của hợp đồng…
Hai dự án tại Hoàng Cầu và Quảng An cũng vướng nhiều sai phạm như chủ đầu tư thẩm định công tác thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình chưa đúng mẫu quy định trước khi phê duyệt; một số gói thầu, cán bộ tư vấn giám sát không thực hiện giám sát theo đề cương đã được chủ đầu tư chấp thuận và quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Sau vụ bỏ cọc lô đất “tỷ đô” ở Thủ Thiêm, Tân Hoàng Minh còn những dự án nào?