“Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan đều phải có trách nhiệm trong chuyện đứt gãy nguồn cung xăng dầu, dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp” - ông Đinh Hoàng Anh Tuấn - khẳng định.
Tình trạng cạn kiệt xăng dầu gây "rối loạn" cuộc sống và sản xuất của người dân ở các tỉnh phía Nam những ngày qua, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hoàng Anh Tuấn - Trưởng ngành Kinh doanh thương mại, Khoa Tài chính - Thương mại, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) - để làm rõ về công tác quản lý, điều hành xăng dầu và trách nhiệm trong việc đứt gãy nguồn cung.
Bối rối trong điều hành
Thị trường xăng dầu thiếu hụt nguồn cung, nhiều cây xăng phải đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt. Theo ông, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã làm hết trách nhiệm trong quản lý, điều hành xăng dầu?
- Đúng là trong thời gian qua có nhiều biến động phức tạp trên thị trường xăng dầu quốc tế, đặc biệt là thị trường trong nước những ngày vừa qua. Hiện nay, việc kinh doanh xăng dầu nằm trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014, Bộ Tài chính có vai trò phối hợp cùng với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu.
Về nguyên tắc, xăng dầu không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá mà vận hành theo cơ chế thị trường, do doanh nghiệp quyết định nhưng có sự quản lý của Nhà nước.
Về chi phí, theo quy định hiện hành, tại mỗi kỳ điều hành, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá phù hợp nhất, cân đối lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Về mặt trách nhiệm, theo pháp luật, Bộ Tài chính thực hiện tương đối đầy đủ, như hướng dẫn cơ cấu giá, phân tích trích lập Quỹ bình ổn giá và thông báo các chi phí định mức.
Bộ Công Thương cũng đã có những nỗ lực để điều hành giá xăng dầu, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác này. Tuy nhiên, để việc điều hành giá xăng dầu đáp ứng được nhu cầu thị trường và tránh những thiếu hụt hay đóng cửa như vừa qua thì cần có sự chỉ đạo, phối hợp của nhiều bên liên quan.
Bộ Công Thương cần phối hợp với các bên như Bộ Tài chính, UBND các địa phương, thương nhân đầu mối và cả Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp… Chỉ có như vậy thì công tác điều hành mới đạt được những kết quả như mong đợi.
Khi đứt nguồn cung xăng dầu, cơ quan quản lý nói do doanh nghiệp hết tiền nhập hàng, còn doanh nghiệp "tố" cơ quan quản lý không hỗ trợ. Trong khi đó, thành phố rối loạn vì "khát xăng", người dân không thể đi làm, bà bầu 4h sáng phải xếp hàng mua xăng, học sinh đến trường muộn vì xe phải dắt bộ... Bức tranh này cho thấy điều gì, thưa ông?
- Biểu hiện như chúng ta đã thấy chắc chắn không ai muốn nó tiếp diễn. Thế nhưng nó vẫn đã và đang diễn ra. Vấn đề đầu tiên chúng ta có thể thấy là sự bối rối, thiếu hụt mà người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, người dân đang phải đối mặt.
Về điều này chúng ta có thể thấy rằng các đơn vị có trách nhiệm, các đơn vị liên quan, doanh nghiệp cần có sự phối hợp nhịp nhàng hơn nữa, nhanh chóng và kịp thời trước những biến động từ bên ngoài, trên thế giới, vì cơ bản những biến động này được dự báo là sẽ diễn ra khó lường hơn nữa trong thời gian tới.
Theo tôi, công tác trước mắt là nên khơi thông nguồn cung, chỗ tắc nghẽn trong cung ứng xăng dầu trong nước. Quản lý thị trường cần tăng cường thanh kiểm tra các đơn vị có găm hàng hay không, thực hiện tước giấy phép tạm thời một số doanh nghiệp nhập khẩu và xử phạt các đơn vị liên quan nếu có sai phạm.
Thay vì cùng nhau tìm giải pháp nhanh chóng, quyết liệt khi xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung xăng dầu thì 2 Bộ Công Thương và Bộ Tài chính lại “đá bóng trách nhiệm”, đổ lỗi cho nhau. Ông bình luận gì về điều này?
- Trong tình hình hiện nay, hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng hay thiếu hụt nguồn cung chúng ta cũng đã thấy. Việc đổ lỗi trách nhiệm thì không phải là công việc quan trọng nhất. Thay vào đó, các bên phải ngồi với nhau để tìm ra giải pháp, tránh tình trạng tái diễn trong thời gian tới, chủ động hơn nữa nguồn cung ứng xăng dầu trong nước để phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan đều phải có trách nhiệm trong chuyện này, dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp. Vậy nên, cùng nhau xử lý hiện trạng và ngăn chặn tình huống xấu tiếp diễn trong tương lai mới là điều chúng ta nên quan tâm lúc này.
Hai việc cần ưu tiên
Trong mối quan hệ Nhà nước - doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu - người dân, người dân không được tham gia vào bất cứ quy trình định giá hay điều hành nào. Khi giá xăng dầu tăng kỷ lục người dân phải gồng mình gánh đỡ, khi xảy ra thiếu hụt người dân cũng phải chịu tổn thương lớn nhất. Theo ông, cần làm gì, thay đổi gì để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng?
- Trong lúc này việc ổn định nguồn cung, tránh tình trạng thiếu hụt cục bộ hay diện rộng tiếp tục xảy ra là điều bắt buộc phải thực hiện ngay. Bên cạnh đó, các bộ, ban, ngành liên quan, các địa phương, đơn vị doanh nghiệp, thương nhân nhập khẩu… phải cùng chung tay có trách nhiệm trong công tác này.
Đặc biệt, đối với hai việc sau thì cần được ưu tiên. Thứ nhất, trong công tác quản lý xăng dầu đầu mối, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải kịp thời phản ứng khi giá xăng dầu leo thang. Thứ hai, cần làm rõ nguyên nhân của “sự khan hàng” để có biện pháp để có biện pháp xử lý, chấn chỉnh cần thiết.
Theo ông, có nên điều hành thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng phải sòng phẳng lời ăn lỗ chịu, đồng thời quy trách nhiệm cho doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng dầu để tránh tình trạng khi xảy ra thiếu hụt thì tất cả coi như không phải việc của mình, không có trách nhiệm xã hội?
- Chúng ta biết việc gì cũng có tính hai mặt của nó. Thị trường xăng dầu nếu điều hành theo cơ chế thị trường, giao cho các doanh nghiệp hay đầu mối cung ứng cũng tốt nhưng lại mang về cho chúng ta nhiều nỗi lo hơn, nhiều vấn đề có khả năng mất kiểm soát trong hình huống nguồn lực đất nước còn hạn chế.
Vậy nên việc quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng có sự kiểm soát, điều tiết của Nhà nước để bảo đảm ổn định vĩ mô, không để mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng tới sản xuất, an sinh xã hội vẫn là phương án tối ưu.
Theo ông, vấn đề lớn nhất trong quản lý và điều hành xăng dầu hiện nay là gì?
- Lúc này, vấn đề lớn nhất là không được để tình hình khan hiếm nguồn cung xăng dầu tiếp diễn. Vấn đề nguồn cung, giá bán lẻ, tình trạng thiếu hàng cục bộ, tâm lý người dân, trách nhiệm điều hành… tất cả đều là những vấn đề nóng cần giải quyết.
Ông nghĩ sao về động thái thanh tra 15 doanh nghiệp đầu mối và 2 nhà máy lọc dầu của Thanh tra Chính phủ?
- Quyết định thanh tra của Thanh tra Chính phủ diễn ra trong bối cảnh thị trường xăng dầu có nhiều diễn biến “nóng”. Việc này là tiếng chuông cảnh báo cho các hành động, tư tưởng sai phạm nếu có tại các đơn vị trong cả nước.
Đây là công việc có ích để tìm nguyên nhân nào cộng hưởng tạo nên hiệu ứng thiếu hụt như hiện nay, để chủ động làm rõ trách nhiệm các bên liên quan với mục đích ngăn chặn tình hình xấu tiếp diễn và các tình huống tương tự trong tương lai.