Giáo sư Pamela C. Ronald: "Việt Nam cần nghiên cứu sản phẩm nông nghiệp có khả năng chịu mặn"
19:40 15/12/2022
Giáo sư Pamela C. Ronald nhấn mạnh, việc triển khai các giống cây chịu ngập thực sự quan trọng và việc nghiên cứu này không bao giờ kết thúc. Việt Nam cũng cần có sản phẩm nông nghiệp có khả năng chịu mặn.
Ngày 19/12 tới đây, Giáo sư Pamela Ronald sẽ tham gia tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” trong phiên họp "Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới" tại sự kiện Tuần lễ Khoa học - Công nghệ VinFuture 2022.
Trước khi đến Việt Nam, bà có chia sẻ về những thành tựu nghiên cứu của mình và gợi ý những hướng đi cho Việt Nam trong phát triển nông nghiệp.
Việc triển khai các giống chịu ngập rất quan trọng
Phóng viên: Việt Nam là nước nông nghiệp, chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu? Giáo sư có những suy nghĩ chung về các quốc gia như Việt Nam, trong bối cảnh thời tiết hiện nay, chúng ta có thể làm gì để đạt năng suất lúa tốt hơn?
Giáo sư Pamela C. Ronald: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, có tần suất thiên tai cao như lũ lụt và bão. Lũ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của cả nước.
Ở Việt Nam, lúa gạo là nông sản số một, chiếm một lượng lớn sản xuất lương thực ở Việt Nam. Vì vậy, bất cứ khi nào có lũ lụt cũng sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều bộ phận trong xã hội.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng, việc phát triển các giống cây trồng và đặc biệt là các giống lúa có thể chịu được áp lực môi trường cùng với biến đổi khí hậu sẽ rất có lợi cho nông dân và người tiêu dùng.
Phóng viên: Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam và các nước chung quanh, Việt Nam có thể làm gì và nên làm gì để khắc phục những thiệt thòi của mình để có điều kiện theo kịp tốc độ phát triển của nền nông nghiệp thế giới?
Giáo sư Pamela C. Ronald: Tôi nghĩ chọn tạo giống lúa đã được Việt Nam tiến hành từ rất lâu và lâu hơn nhiều nơi trên thế giới. Do đó, điều rất quan trọng là tiếp tục bảo tồn các giống lúa khác nhau và tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu lúa gạo ở Việt Nam.
Chắc chắn Việt Nam có những nhà khoa học rất tài năng có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực nghiên cứu này.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng, giống như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Chính phủ phải đưa ra quyết định tài trợ cho các nhà khoa học để thực hiện công việc.
Câu hỏi này thực sự quan trọng đối với tất cả các quốc gia. Trong nhiều trường hợp, phải bắt nguồn từ nền giáo dục tốt và tài trợ cho cộng đồng khoa học để thực hiện công việc, hỗ trợ các nhà khoa học và hỗ trợ giáo viên, hỗ trợ nông dân và người chăn nuôi.
Phóng viên: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, bà có thể chia sẻ thêm về nghiên cứu về khả năng chống chịu lũ lụt và những bước phát triển tiếp theo của nghiên cứu này không?
Giáo sư Pamela C. Ronald: Việc triển khai các giống chịu ngập thực sự quan trọng và nó không bao giờ kết thúc. Bởi vì giống lúa này có thể tồn tại từ 2-2,5 tuần dưới nước. Nhưng đôi khi lũ lụt còn kéo dài lâu hơn. Vì vậy, các nhà khoa học đang cố gắng tăng cường thời gian chịu ngập của lúa.
Có rất nhiều công việc nhân giống cần được thực hiện bởi vì bạn có thể có giống chịu ngập, nhưng nếu bạn có một loại côn trùng gây hại mới, thì bạn cần phải phát triển khả năng kháng côn trùng của giống cây. Vì vậy, việc nghiên cứu sẽ vẫn tiếp tục.
Ở một số nơi trên thế giới, tôi hình dung ở Việt Nam cũng vậy, cần có sản phẩm nông nghiệp có khả năng chịu mặn. Bạn có thể cần trồng lúa trong môi trường mặn hơn. Đây là phương pháp sinh học mà mọi người đang nghĩ đến.
Phóng viên: Giống lúa bà tạo ra đã được trồng ở bao nhiêu quốc gia, quy môứng dụng ra sao?
Giáo sư Pamela C. Ronald: Giống lúa chịu ngập Sub1 đã được trồng bởi hàng triệu nông dân, cách đây vài năm là 6 triệu nông dân.
Tôi nghĩ rằng các nhà lai tạo ở Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế và ở Việt Nam đã đưa tính trạng này vào nhiều giống khác nhau, có lẽ khoảng 10, hoặc thậm chí có thể là 12. Và diện tích là số ha trồng hàng năm đều tăng.
Phóng viên: Giáo sư sẽ tiếp tục theo đuổi nghiên cứu về gạo như thế nào. Với sự phát triển giống gạo mới, đâu là động lực để tiếp tục và ngày càng đạt thành tựu lớn hơn?
Giáo sư Pamela C. Ronald: Đâu là động lực giúp chúng ta tiếp tục? Bạn biết đấy, chúng tôi thực sự quan tâm đến nông dân, lương thực, suy dinh dưỡng và biến đổi khí hậu. Và sau đó, tất nhiên, chúng tôi thực sự yêu thích nghiên cứu.
Vì vậy, hiện tại chúng tôi đang chuyển hướng công việc của mình sang xem xét quá trình cô lập carbon, cố gắng sử dụng cây lúa làm mô hình để tìm ra cách chúng tôi có thể cô lập nhiều carbon hơn trong đất. Đó là một dự án mới mà chúng tôi đang bắt đầu thực hiện. Điều đó khá thú vị bởi vì nó thực sự rất quan trọng cho tương lai.
"Tôi đã đọc về VinFuture Foundation trên tạp chí Nature năm ngoái. Và tôi thấy đó là một tổ chức rất ấn tượng và thực sự rất thú vị. Tôi nghĩ tổ chức không chỉ công nhận các nhà khoa học mà còn thực sự thúc đẩy những người trẻ tuổi, thu hút họ đến với khoa học, khiến họ quan tâm đến khoa học, để họ nghe về những tiến bộ thú vị trong khoa học. Vì vậy, đó thực sự là một giải thưởng tuyệt vời." Giáo sư Pamela C. Ronald
Cần truyền thông đúng đắn về cây trồng biến đổi gene
Phóng viên: Bà dự báo như thế nào về hướng nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và nghiên cứu lúa gạo trong thời gian tới. Bà có dự đoán gì về việc ứng dụng cây trồng biến đổi gene?
Giáo sư Pamela C. Ronald: Chúng ta đang thấy rất nhiều tiến bộ và di truyền thú vị trong tất cả di truyền thực vật. Vì vậy, chúng tôi đã có những bước tiến lớn trong các phương pháp nhân giống khác nhau, như bạn đã thấy với sự gia tăng khả năng chịu ngập, nhưng chúng tôi cũng có những cây trồng biến đổi gene.
Và đó chỉ đơn giản là khi bạn lấy một gene từ một loài, thậm chí có thể là một loài vi khuẩn và bạn đưa nó vào cây trồng. Điều này đã làm khoảng 40 năm. Điều đó dẫn đến một số tiến bộ thực sự quan trọng cho nông dân và người tiêu dùng, giảm việc phun thuốc trừ sâu.
Nhưng bây giờ chúng tôi cũng có chỉnh sửa bộ gene. Trong 10 năm qua, các nhà khoa học nông nghiệp đã sử dụng công cụ khá mới này để tạo ra những thay đổi nhỏ trong bộ gene của thực vật. Từ đó, có rất nhiều tiến bộ trong việc phát triển cây trồng có khả năng kháng bệnh hoặc có thể có hương vị khác hoặc cách sắp xếp quả trên thân cây.
Phóng viên: Cây trồng và lúa biến đổi gene đang là xu hướng cho tương lai của ngành nông nghiệp. Vậy những nước đang phát triển như Việt Nam có thể làm gì để chuẩn bị cho xu hướng này và bắt kịp với thế giới?
Giáo sư Pamela C. Ronald: Tôi nghĩ việc truyền thông tốt luôn luôn quan trọng. Và tôi nghĩ rằng tất cả những gì các bạn đang làm với tư cách là nhà báo thực sự quan trọng để trở thành người nắm bắt khoa học, viết thông tin về vấn đề này theo cách mà độc giả có thể hiểu được.
Có quá nhiều thông tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông. Vì vậy, người tiêu dùng có thể rất khó hiểu tại sao nông dân lại chấp nhận cây trồng biến đổi gene.
Vì vậy, tôi luôn muốn cung cấp các thí dụ cụ thể khi nói đến cây trồng. Chúng ta đã nói về khả năng chịu ngập của giống cây. Giống này có một gene duy nhất có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn cho nông dân với 60% lợi thế về năng suất.
Nhưng có những khía cạnh khác chẳng hạn như có một gene vi khuẩn rất nổi tiếng gọi là BT, đã được đưa vào nhiều loại cây trồng khác nhau. Và nó thực sự quan trọng đối với nông dân, bởi vì họ có thể loại bỏ việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. Đó là do độc tố vi khuẩn nhỏ này hoạt động như một chất bảo vệ chống lại sự tấn công của côn trùng.
Đó là một thí dụ mà nông dân hữu cơ đã phun hợp chất này trong hơn 50 năm, và các nhà di truyền học hiện đã đưa nó vào nhiều loại cây trồng.
Vì vậy, tôi nghĩ điều đó thực sự giúp người tiêu dùng hiểu, thay vì nói điều gì đó hơi mơ hồ. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta đưa ra những thí dụ thực sự cụ thể về những gì các nhà lai tạo đã làm để tạo ra loại cây trồng này và tại sao nông dân lại sử dụng nó.
Phóng viên: Vẫn còn những quan điểm tiêu cực về biến đổi gene cho người lớn trong nông nghiệp? Và làm thế nào chúng ta có thể giải thích rằng nếu chúng ta làm điều đó đúng cách, nó sẽ không làm tổn thương con người, và nó sẽ mang lại lợi ích cho con người?
Giáo sư Pamela C. Ronald: Canh tác là một thách thức, đặc biệt là với biến đổi khí hậu. Nông dân luôn dựa vào hạt giống mới và khi biến đổi khí hậu, sâu bệnh thay đổi, các nhà khoa học nông nghiệp phải tiếp tục phát triển các công cụ mới mà nông dân thực sự cần.
Tất nhiên, người tiêu dùng cần nông dân tiếp tục sản xuất thực phẩm theo cách phù hợp, an toàn với môi trường. Đó là điều mà tôi nghĩ một nhà báo có thể gửi gắm, truyền tải. Và, như tôi đã đề cập, tôi nghĩ việc đưa ra các thí dụ cụ thể thực sự giúp người tiêu dùng hiểu.
Nông nghiệp luôn và sẽ tiếp tục là lĩnh vực rất quan trọng
Phóng viên: Bà sẽ đến Việt Nam để tham dự hội thảo chuyên đề “Nông nghiệp bền vững trong điều kiện bình thường mới”. Bà nghĩ gì về chủ đề này?
Giáo sư Pamela C. Ronald: Tôi nghĩ đó là một chủ đề tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng nó sẽ thực sự rất thú vị. Tôi rất vui khi được nghe từ các diễn giả khác vì tôi nghĩ đó là một cái nhìn tổng quan rất rộng về các loại thách thức mà nông dân phải đối mặt và hy vọng chúng tôi sẽ có thể đưa ra một số thí dụ mà các nhà khoa học đang tạo ra sự khác biệt trong việc giúp đỡ nông dân và thúc đẩy nông nghiệp tiến lên.
Phóng viên: Câu chuyện nào bà sẽ mang đến hội thảo lần này tại Việt Nam?
Giáo sư Pamela C. Ronald: Tôi được đề nghị chia sẻ về giống lúa chịu ngập nên tôi sẽ nói về điều đó. Tôi đã nói về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế bởi vì điều này sẽ không xảy ra nếu không có những người từ nhiều lĩnh vực khoa học và nền nông nghiệp khác nhau.
Phóng viên: Bà muốn chia sẻ thông điệp gì với các bạn trẻ Việt Nam về nông nghiệp? Tôi nghĩ nông nghiệp ở Việt Nam rất phổ biến, nhưng nó không thực sự là một lựa chọn phổ biến cho các bạn trẻ Việt Nam khi họ nghĩ về một sự nghiệp lâu dài.
Giáo sư Pamela C. Ronald: Nông nghiệp luôn và sẽ tiếp tục là lĩnh vực rất quan trọng. Và tôi nghĩ rằng những gì chúng ta đang thấy, khi những người trẻ tuổi chuyển sang làm nông nghiệp, họ có những ý tưởng mới về những gì họ có thể làm để làm cho trang trại của mình bền vững hơn, hiệu quả hơn. Họ đang nghĩ về các cơ hội kinh doanh khác nhau để tiếp thị sản phẩm của họ.
Vì vậy, tôi nghĩ với bất kỳ công việc nào, nếu bạn có hứng thú, bạn cần phải theo đuổi nó.
Một số thanh niên có thể có cha mẹ có trang trại và họ có thể thực sự thích trồng trọt, nhưng họ có thể không muốn làm theo đúng cách mà cha mẹ đang làm. Đó là điều tốt, bởi vì có rất nhiều cách tiếp cận mới.
Đối với nghiên cứu, lĩnh vực này đang phát triển rất nhanh và có rất nhiều cơ hội trên khắp thế giới để nghiên cứu. Di truyền học, chẳng hạn như chăn nuôi, cũng như tiếp tục học cao học và đạt được những tiến bộ sẽ giúp ích cho trang trại của gia đình bạn. Vì vậy, bạn có thể có một tác động trực tiếp.