Friday, 22/11/2024

Nam Định mở hướng đón các nhà đầu tư

10:02 16/09/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Với mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các doanh nghiệp mới có năng lực về địa phương đầu tư, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển, tạo thêm việc làm và nguồn thu cho ngân sách, đóng góp vào sự phát triển.

Cầu Thịnh Long được khánh thành đưa vào sử dụng nối liền 2 huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu, tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương giữa Nam Định với các tỉnh trong khu vực trên tuyến đường trục ven biển.

Nghĩa Hưng - Cực tăng trưởng kinh tế mới của Nam Định

Là một trong 3 huyện ven biển của Nam Định, Nghĩa Hưng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển trở thành cực tăng trưởng kinh tế mới của tỉnh. Lĩnh hội chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện Nghĩa Hưng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp có tính đột phá để kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo nền tảng và mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển bền vững. Đồng chí Trần Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết, thời gian qua huyện đã chú trọng thực hiện công tác quy hoạch; huy động mọi nguồn lực đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án có vốn lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh triển khai trên địa bàn. Tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng đơn giản hóa một cách thực chất trên tất cả các lĩnh vực... Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự vào cuộc quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân, hệ thống hạ tầng giao thông của huyện Nghĩa Hưng đã được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, đảm bảo kết nối với các trục giao thông của tỉnh, liên vùng và quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, thu hút đầu tư. Các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh trên địa bàn đã được tập trung đầu tư và hoàn thành đưa vào sử dụng như đường dẫn và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ, tỉnh lộ 487; đang tập trung thi công giai đoạn II tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng; kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ; tỉnh lộ 488C và sắp tới sẽ khởi công xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B nối liền huyện Nghĩa Hưng và Trực Ninh… Nhờ đó đến nay, huyện đã thu hút được 34 dự án, với tổng mức đầu tư trên 9.150 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đầu tư nước ngoài. Khu công nghiệp (KCN) Dệt may Rạng Đông (Aurora IP) đã được đưa vào khai thác giai đoạn I, thu hút 2 nhà đầu tư thứ cấp thuộc Tập đoàn TORAY (Nhật Bản) đầu tư nhà máy sản xuất hàng dệt may với tổng vốn đăng ký trên 210 triệu USD… Đặc biệt, các dự án tại khu vực Cồn Xanh đang được triển khai thực hiện là tiền đề và động lực để thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ với tổng diện tích gần 14 nghìn ha trên địa bàn 2 huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1453/QĐ-TTg ngày 24-9-2020 về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020. Đồng thời tạo mối liên kết kinh tế với các địa phương khác, mở rộng thị trường, trao đổi giao lưu hàng hoá và hiện thực hoá khát vọng trở thành cực tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của tỉnh Nam Định.

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc; Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị tiếp và làm việc Phó Đại sứ quán Singapore Ian TAN để tìm kiếm các nhà đầu tư Singapore có năng lực, công nghệ cao, thân thiện với môi trường đầu tư vào tỉnh.

Tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng, tháng 10-2021, UBND tỉnh Nam Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư tổ hợp 3 dự án có tổng vốn đăng ký gần 70.000 tỷ đồng, bao gồm: Dự án Nhà máy Cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng của Công ty cổ phần Xuân Thiện Nghĩa Hưng; dự án Nhà máy Gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định của Công ty cổ phần Xuân Thiện Nam Định và dự án Nhà máy Sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện của Công ty cổ phần Bê tông Nghĩa Hưng. Tiếp đó, ngày 22-3-2022, UBND tỉnh Nam Định có Quyết định số 569/QĐ-UBND về điều chỉnh chủ trương đầu tư tăng vốn, đồng thời chấp thuận Tập đoàn Xuân Thiện là nhà đầu tư đối với các dự án: Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định, Nhà máy Thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng, Nhà máy Sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định, với tổng nguồn vốn đầu tư 98.900 tỷ đồng. Đây được xem là những dự án lớn nhất từ trước đến nay tại Nam Định và được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tạo việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống của người dân và đem lại giá trị gia tăng cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh.

Tập đoàn Xuân Thiện cam kết sử dụng các công nghệ có xuất xứ từ các nước G7 hoặc châu Âu, thiết bị mới 100% đảm bảo các chỉ tiêu về khí thải, nước thải và môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Áp dụng công nghệ luyện thép xanh hiện đại, thân thiện với môi trường; đầu tư chế biến sâu từ quặng với quy trình sản xuất khép kín, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm của khâu trước là đầu vào của khâu sau, tiết kiệm tối đa diện tích sử dụng. Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư sẽ thực hiện các biện pháp quản lý, kỹ thuật để giảm tối đa tác động, giữ vững và bảo tồn hệ sinh thái của khu sinh thái rừng ngập mặn Nghĩa Hưng. Khoảng cách từ vị trí xây dựng lò luyện thép của dự án đến khu dân cư gần nhất khoảng 1,5km, phù hợp theo Tiêu chuẩn Việt Nam (4449:1987) của Bộ Xây dựng. Trước khi triển khai đầu tư dự án, Tập đoàn Xuân Thiện sẽ lập, hoàn thiện các thủ tục môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Trong quá trình vận hành, các nhà máy sẽ thu gom, xử lý chất thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài môi trường. Đối với nước thải, sẽ đảm bảo toàn bộ nước thải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép, sau đó tuần hoàn tái sử dụng trên 98%. Đối với bụi, khí thải, sẽ sử dụng hệ thống lọc bụi hiện đại cho tất cả quá trình sản xuất có phát sinh khí thải. Bụi phát sinh được thu gom, tái sử dụng cho các công đoạn sản xuất khác, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Đối với chất thải rắn được thu gom, tái sử dụng làm nguyên liệu, phụ gia cho các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu của nhà máy; tro xỉ từ quá trình luyện thép được cung cấp làm vật liệu xây dựng, không thải ra ngoài môi trường; đối với những chất thải không tái chế, tái sử dụng được, nhà đầu tư sẽ thuê đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định. Trong trường hợp các sự cố môi trường do triển khai dự án, nhà đầu tư cam kết đền bù và khắc phục.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại KCN Bảo Minh, huyện Vụ Bản (Nam Định)
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Longyu Việt Nam

Đột phá trong thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

Để tạo “đột phá” trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi và thu hút các nhà đầu tư mới về địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18-6-2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương triển khai, thực hiện các nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ và các Chương trình hành động, kế hoạch của tỉnh về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Tỉnh gia tăng các cuộc đối thoại trực tiếp giữa các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương với doanh nghiệp dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Quyết liệt chỉ đạo thực hiện cải cách TTHC gắn với hoàn thiện hạ tầng nền tảng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh nhằm giảm gánh nặng về thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Chủ động công khai các bộ TTHC tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền và người dân giám sát việc thực thi; thường xuyên rà soát để bổ sung, thay thế, sửa đổi, cập nhật những quy định mới. Chủ động bố trí cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trách nhiệm, đạo đức công vụ làm việc tại các bộ phận thường xuyên tiếp xúc với người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… Nhờ đó đến nay, Nam Định là một trong 8 địa phương đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành việc kết nối Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng Cung cấp dịch vụ công quốc gia; 1.229/1.699 TTHC mức độ 3, mức độ 4 đã được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; 100% sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. 10/10 đơn vị hành chính cấp huyện đã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp làm đầu mối với 17/17 cơ quan chuyên môn của tỉnh áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, tập trung thực hiện các hoạt động tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh và giải quyết các TTHC một cách nhanh chóng.

Toàn cảnh KCN Bảo Minh, huyện Vụ Bản (Nam Định)

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thẩm định các quy hoạch vùng liên huyện đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070… để làm cơ sở xúc tiến, thu hút đầu tư. Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm thúc đẩy sự phát triển như: các KCN Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận, Bảo Minh; các CCN Giao Thiện, Thịnh Lâm, Thanh Côi, Yên Bằng; đầu tư xây dựng các tuyến tỉnh lộ 484, 490, tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng...

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp, chú trọng cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh. Tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trên Cổng Cung cấp dịch vụ công trực tuyến tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh./.

Theo Tạp chí Hội nhập

https://vietnamhoinhap.vn/vi/nam-dinh-mo-huong-don-cac-nha-dau-tu-40003.htm

Chia sẻ bài viết

Thong ke