Thursday, 21/11/2024

Bắc Ninh: Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững theo định hướng kinh tế tuần hoàn

13:21 12/09/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Ngành Nông nghiệp Bắc Ninh đang tập trung nguồn lực và các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh để không ngừng nâng cao mức sống cho người dân nông thôn, giúp họ có điều kiện sống “xanh - sạch - đẹp” ngang với các đô thị văn minh, góp phần chuyển đổi nền kinh tế địa phương theo định hướng kinh tế tuần hoàn.

Những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nhất là chủ trương tạo điều kiện hình thành và phát triển kinh tế trang trại theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp; chuyển ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản; dồn điền đổi thửa; phát triển chăn nuôi trang trại ngoài khu dân cư; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có khoảng gần 3.000 cơ sở sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại. Trong đó có 195 trang trại đạt tiêu chí theo quy định, diện tích hơn 910 ha, tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng. Nhiều chủ trang trại đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như: Vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Bình Dương, Nhân Thắng, Xuân Lai (Gia Bình); xã Trung Chính, Phú Hoà, An Thịnh (Lương Tài), cây ăn quả tại xã Hoài Thượng, Đại Đồng Thành, Đình Tổ (Thuận Thành), Đại Lai (Gia Bình), Cảnh Hưng (Tiên Du), Hán Quảng, Đào Viên (Quế Võ)… Phương thức chăn nuôi chuyển biến tích cực từ chăn nuôi nhỏ, chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn, theo hướng sản xuất hàng hoá, thay thế dần chăn nuôi trong khu dân cư.

Ngành Nông nghiệp Bắc Ninh đang tập trung nguồn lực và các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh.

Để hình thành các cùng trang trại trọng điểm, tỉnh yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương thành lập Tổ công tác hỗ trợ mô hình kinh tế trang trại, Nhóm Zalo kết nối giữa các trang trại, có trách nhiệm tập trung rà soát, kịp thời giải quyết các vướng mắc của các trang trại trên địa bàn tỉnh, nhất là vấn đề đất đai. Giao sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn các thủ tục, quy trình, thẩm quyền giải quyết để các địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời khai thác triệt để các chính sách hỗ trợ về vốn, về chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất như kỹ thuật nuôi cá thâm canh; kỹ thuật chăn nuôi lợn hướng nạc, chăn nuôi gà công nghiệp; lựa chọn bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao được áp dụng rộng khắp. Một số chủ trang trại có vốn lớn tiến tới đầu tư đồng bộ: Xây dựng chuồng trại chăn nuôi, bể nuôi, ươm con giống, mua máy móc, trang thiết bị tiên tiến để phục vụ sản xuất kinh doanh, từng bước thực hiện cơ giới hóa trong quá trình sản xuất nên năng suất và chất lượng sản phẩm vượt trội hơn so với hộ gia đình sản xuất đơn thuần. Đặc biệt, đối với những trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ chuồng kín có hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn, nước uống tự động đã được ứng dụng rộng rãi ở hầu hết trong các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn và vừa, nhằm tăng mật độ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên một đơn vị diện tích và bảo vệ an toàn đàn vật nuôi trước những nguy cơ, diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap hoặc theo hướng hữu cơ đang được phát triển mạnh mẽ.

Kinh tế trang trại thực sự có vai trò to lớn về tổ chức sản xuất hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp, vừa tạo giá trị lớn về nông sản hàng hóa, vừa bảo đảm chất lượng nông sản theo hướng sản xuất sạch, hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổng doanh thu từ kinh tế trang trại đạt hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm, năm sau cao hơn năm trước, lợi nhuận bình quân mỗi trang trại đạt khoảng gần 900 triệu đồng/ năm. Mức thu nhập này vượt trội so với sản xuất nông nghiệp thông thường. Do vậy, kinh tế trang trại là động lực mới phát huy năng lực kinh tế hộ, đây là điểm đột phá trong bước chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô vừa và lớn.

Theo ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh thì nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng. Ngành Nông nghiệp địa phương đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt từ 1,0 - 1,2%. Đến năm 2030 sẽ phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn. Để đạt mục tiêu đặt ra, ngành Nông nghiệp đang hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, bảo đảm phát triển bền vững; thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến; xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống; phát triển bao trùm, bảo đảm công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn.

Tỉnh Bắc Ninh đang tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh theo các nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, đặc sản địa phương. Đồng thời xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông suốt; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương và kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư, có cơ chế chính sách nhằm phát triển nhóm danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh theo phương thức sản xuất bằng các quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm theo hướng có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và tiến tới thị trường xuất khẩu. Đối với các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh có tiềm năng phát triển quy mô lớn, tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản; vận chính sách, giải pháp và nguồn lực để mở rộng quy mô, chất lượng, thương hiệu sản phẩm bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia khi đủ điều kiện. Tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước phát triển thương hiệu trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu, từng bước hình thành nền nông nghiệp xanh, bền vững, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi nền kinh tế địa phương theo hướng kinh tế tuần hoàn../.

Theo tạp chí Công nghiệp môi trường

https://congnghiepmoitruong.vn/bac-ninh-phat-trien-nong-nghiep-xanh-ben-vung-theo-dinh-huong-kinh-te-tuan-hoan-8612.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke