Thursday, 21/11/2024

Loạt dự án chậm triển khai của AIC Group

09:58 02/07/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Thành lập năm 2005, quá trình hình thành và phát triển của AIC Group (Công ty CP Tiến Bộ Quốc tế) in đậm dấu ấn của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nhà sáng lập. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng được biết đến với loạt dự án đình đám bỏ hoang nhiều năm.

Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ (AIC Group).

“Đất vàng” bỏ hoang suốt 10 năm

Tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), một khu đất có diện tích hơn 4.000m2 đang trở thành nơi tập kết phế liệu, bán trà đá và “nuôi cỏ”.

Khu đất đó nằm ở vị trí đắc địa đối diện Công viên Hòa Bình, vốn được giao cho AIC thuê để xây dựng dự án hỗn hợp văn phòng kết hợp lưu trú, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp và bãi đỗ xe kinh doanh (gọi tắt là dự án AIC Xuân Đỉnh).

Ngày 16/3/2009, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 1240 về việc thu hồi 4.065m2 đất tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm – PV), cho Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hà Nội thuê để thực hiện dự án Xây dựng trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe kinh doanh. Trong đó có 1.725m2 đất để xây dựng bãi đỗ xe kinh doanh kết hợp cây xanh và 2.340m2 để xây dựng văn phòng, trụ sở.

Khu “đất vàng” đối diện Công viên Hòa Bình nằm trên đường Đỗ Nhuận, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội có ký hiệu là F1, F2. Từ năm 2009 hiện nay vẫn chưa triển khai xây dựng

Cũng tại vị trí này, đến ngày 29/7/2010, UBND TP tiếp tục ban hành Quyết định 3713 về việc thu hồi 4.065m2 đất tại lô F1, F2, cho Công ty cổ phần bất động sản AIC thuê để tiếp tục thực hiện dự án xây dựng trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe kinh doanh.

Tiếp đó ngày 23/9/2011, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 4459 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại vị trí nêu trên, thuộc Quy hoạch chi tiết xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đất xây dựng nhà ở để đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (tỷ lệ 1/500).

Quyết định này cho phép “điều chỉnh từ chức năng xây dựng công trình trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe kinh doanh sang chức năng xây dựng hỗn hợp văn phòng kết hợp lưu trú, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp và bãi đỗ xe kinh doanh”.

Tuy nhiên, sau 10 năm kể từ thời điểm giao đất đến nay, dự án này vẫn chỉ là bãi đất trống.

Dự án đô thị giờ thành nơi chăn trâu lý tưởng

Khu đô thị trở thành nơi chăn trâu thả bò

Cùng chung số phận với AIC Xuân Đỉnh, một dự án khác do Công ty Bất động sản AIC (trực thuộc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC)) làm chủ đầu tư cũng rơi vào tình trạng “bất động” sau 10 năm. Đó là khu đô thị mới AIC tại xã Mê Linh và xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội).

Tìm hiểu được biết, dự án khu đô thị AIC Mê Linh được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại Quyết định 2389 ngày 11/7/2008 (thời điểm huyện Mê Linh chưa sát nhập về Hà Nội).

Ngày 23/9/2011 (thời điểm đã sát nhập), Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký Quyết định 4457 về việc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án khu đô thị AIC Mê Linh nằm trên hai xã Tiền Phong và Mê Linh, thuộc huyện Mê Linh tỷ lệ 1/500 thay cho Quyết định 2389 ngày 11/7/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trước đây.

Theo phê duyệt, dự án có tổng diện tích hơn 94ha, gồm các lô biệt thự có diện tích từ 160m2, chung cư cao tầng (cao tối đa 32 tầng), nhà liền kề…

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, hiện chủ đầu tư mới chỉ triển khai thi công xây dựng một phần diện tích đất và hoàn thành một số hạng mục cơ sở hạ tầng thuộc dự án,nhưng hạ tầng cũng chưa kết nối được với các tuyến đường ra vào các trục đường mà người dân thường đi lại.

Tại khu vực dự án không có biển báo thông tin dự án và bất kỳ công trình xây dựng như biệt thự, chung cư hay nhà liền kề nào. Nhiều phần diện tích đất vẫn đang là cánh đồng hoang và được người dân tận dụng để canh tác trồng hoa, chuối, chăn thả trâu bò…

Lời hứa của doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Từng được Thành phố Hà Nội lựa chọn làm chủ đầu tư Dự án Xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) theo hình thức BOT, tuy nhiên, sau gần 10 năm, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty CP Tiến bộ Quốc tế AIC đã “tháo chạy” khỏi dự án trị giá 140 triệu USD.

Lễ khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác sinh hoạt Nam Sơn, Sóc Sơn (Hà Nội) vào năm 2010. (Ảnh: Baophapluat.vn)

Năm 2010, UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2010, UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Nam Sơn cho Cty CP Tiến bộ Quốc tế AIC theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) với kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán quá tải rác thải sinh hoạt kéo dài nhiều năm trời.

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt 2.000 tấn/ngày đêm, được chia thành nhiều giai đoạn với tổng vốn đầu tư 140 triệu USD, trong đó, số vốn giai đoạn 1 hơn là 40 triệu USD, giai đoạn 2 là 100 triệu USD.

TP.Hà Nội từng kỳ vọng đây là dự án tiên phong, quy mô lớn trong lĩnh vực xử lý môi trường của không chỉ riêng thành phố mà còn của cả nước. Để thực hiện dự án, AIC đề nghị UBND TP Hà Nội cấp phép hơn 15ha đất xây dựng nhà máy và làm kho chứa vật liệu đã đóng gói. AIC công bố kế hoạch xây dựng dự án này kéo dài từ 5 – 7 tháng, dự kiến cuối năm 2011, nhà máy sẽ đi vào vận hành.

Ngày 18/9/2010, siêu dự án khởi công và theo cam kết của chủ đầu tư sau 25 năm kể từ thời điểm vận hành, công ty sẽ chuyển giao nhà máy cho thành phố quản lý.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng cho biết, nhà máy xử lý rác thải có công suất 2.000 tấn/ngày đêm được áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Rác sinh hoạt vào nhà máy được phân thành 3 loại: sản phẩm có thể tái chế như đồ nhựa, cao su; rác hữu cơ sẽ được xử lý bằng công nghệ lên men để thành phân compost; rác trơ như vật liệu xây dựng, gốm… cũng sẽ được tái sử dụng.

Điểm đặc biệt là phần lớn sản phẩm sau khi xử lý sẽ được đóng gói và xuất khẩu để tái chế tại một nước khác nên sẽ không gây ô nhiễm cho khu vực Hà Nội. Bà Nhàn cũng cho biết, đã có một số hãng tại Malaysia, Singapore, Thái Lan đồng ý nhập khẩu các sản phẩm phân hữu cơ để bón cây công nghiệp…

Nhưng tất cả chỉ là lời hứa hão. Thực tế AIC đã tháo chạy khỏi dự án này. Chính quyền sở tại và người dân địa phương đã quá ngán ngẩm, bức xúc với chủ đầu tư vì không thực hiện xây dựng dự án như cam kết.

Chủ tịch UBND xã Nam Sơn, ông Nguyễn Quang Hòa, chia sẻ: “Động thổ từ năm 2010 nhưng thực tế đến bây giờ vẫn chưa làm gì. Tất cả đều là con số 0, dự án vẫn chỉ là bãi đất thôi”.

Ông Hòa cho rằng, niềm tin người dân xã Nam Sơn đã giảm sút. Khi dự án triển khai, AIC lấy cả đất Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn và đất của dân. Cả hệ thống chính trị của xã vào cuộc để giải phóng mặt bằng, động viên bà con nhân dân, thông tin về dự án để bà con nhân dân hiểu. Bà con nhân dân kỳ vọng có dự án này việc xử lý rác sẽ tốt hơn… Thế nhưng suốt từ năm ấy đến giờ dự án vẫn chỉ là bãi đất.

Ngoài ra, AIC Group từng nhận được sự chú ý lớn của dư luận khi từng bị ám chỉ như là bên đứng sau Đề án 123 (đưa SGK và máy tính bảng vào các trường tiểu học công lập) của Sở Giáo dục và đào tạo TP. Hồ Chí Minh, nhằm mở đường cho gói cung cấp thiết bị giáo dục lên đến nhiều nghìn tỷ đồng. “Không hiểu vì sao lại có thông tin bịa đặt như vậy, và thông tin như vậy để nhằm mục đích gì?”, bà chủ AIC Group lên tiếng bác bỏ tin đồn vô căn cứ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group), doanh nghiệp có những đóng góp lớn lao vào sự phát triển của đất nước thông qua hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới vào Việt Nam. Mặc dù là một doanh nhân sử dụng thành thạo 4 ngoại ngữ (tiếng Anh, Trung, Nga, Nhật) và đã đạt được rất nhiều thành công trong sự nghiệp nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn không ngừng chăm chỉ làm việc, khiêm tốn học hỏi để có thể điều hành, lãnh đạo doanh nghiệp tốt và đưa nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật thế giới về Việt Nam.

Theo Travelmag

Chia sẻ bài viết

Thong ke