Wednesday, 04/12/2024

Lấn biển để phát triển kinh tế - xã hội: Nhiều lo ngại về môi trường

14:18 10/06/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Bộ TN&MT đang dự thảo nghị định về quy định hoạt động lấn biển phục vụ mục đích phát triển kinh tế-xã hội. Các chuyên gia cho rằng, lấn biển là xu hướng không thể tránh khỏi, nhưng gây ra nhiều tác động đến môi trường biển, cần quy định chặt chẽ.

Các dự án lấn biển tác động đến môi trường biển. Trong ảnh là một công trình lấn biển ở Nhật Bản - sân bay quốc tế Kansai tại vịnh Osaka

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đây là lần đầu Việt Nam xây dựng một nghị định quy định chi tiết các vấn đề liên quan hoạt động lấn biển phục vụ phát triển kinh tế-xã hội (không bao gồm hoạt động lấn biển phục vụ an ninh - quốc phòng), áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động lấn biển trong vùng biển Việt Nam. Nghị định hướng đến quy định chi tiết các nguyên tắc, yêu cầu đối với hoạt động lấn biển cũng như quy trình, trách nhiệm các bên liên quan.

TS. Michael Parsons, cố vấn của Bộ TN&MT, nhận định, việc lấn biển mang lại lợi ích như tạo thêm diện tích đất để phát triển nhưng cũng gây ra nhiều vấn đề như mất diện tích đáy biển, mất môi trường sống ở biển, ảnh hưởng hệ sinh thái biển cũng như tác động thay đổi dòng chảy, ô nhiễm môi trường từ quá trình lấn biển. Ngoài ra, nhiều vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình lấn biển. Trên thực tế có những sân bay bị chìm dần sau khi lấn biển, như sân bay quốc tế Kansai đặt tại vịnh Osaka của Nhật Bản chìm 11,5 m kể từ năm 1994.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ TN&MT, cho rằng, lấn biển sẽ là xu thế tất yếu ở Việt Nam do nước ta đất chật, người đông lại có trên 3.260km đường bờ biển, có lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển và đại dương.

Tuy nhiên, ông nhận định, việc lấn biển, cải tạo các bãi triều với mức độ nhận thức mới về môi trường được công nhận là một cuộc khủng hoảng đối với hệ sinh thái ven biển và cộng đồng địa phương. Lấn biển gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến môi trường sống ven biển, dịch vụ hệ sinh thái biển và đại dương.

Theo ông Thọ, không gian ven biển là một nguồn tài nguyên có hạn, vì vậy, khi lấn biển, các quyết định về thiết kế và vị trí của chúng cần phải được thực hiện cẩn thận. Ngoài ra, cần có quy định hướng dẫn đánh giá những tác động thực tế và tiềm năng mà việc lấn biển có thể gây ra đối với môi trường ven biển như tác động bất lợi thay đổi hình dạng đường bờ, ảnh hưởng đến thủy động học, chuyển động của nước, quá trình vận chuyển bùn cát, dòng chảy thủy triều và năng lượng sóng, làm mất môi trường sống và năng suất sinh học, ảnh hưởng đến sinh thái bản địa và hệ sinh thái, như quần xã sinh vật đáy, quần thể chim…

Một vấn đề khác là các dự án lấn biển làm du lịch, khu đô thị hay hạ tầng có thể làm các cộng đồng địa phương lân cận mất đi nền tảng kinh tế, các làng truyền thống có lịch sử và văn hóa lâu đời có nguy cơ trở thành các khu vực bị ô nhiễm, làm nảy sinh các vấn đề xã hội, ông Thọ nhận định.

Theo ông, phải xem xét vấn đề quyền tiếp cận công cộng của người dân. Ngoài ra, cần tránh các khu vực ảnh hưởng đến di tích văn hóa, lịch sử, truyền thống, danh lam thắng cảnh và những nơi thuộc khu vực bảo vệ, bảo tồn cũng như tránh xói mòn, bồi tụ và các hiểm họa tự nhiên khác.

  Tiền Phong

Chia sẻ bài viết

Thong ke