Wednesday, 04/12/2024

Kỹ sư "bằng vợ cấp" tạo ra nhiều máy móc giá trị, bán đi cả nước ngoài

17:52 29/11/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Dù chỉ học hết lớp 5 nhưng anh Thái đã mày mò, sáng chế nhiều máy móc nông cụ hiện đại, giúp nông dân giảm sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất.

Anh Dương Quốc Thái (45 tuổi, ngụ xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè Tiền Giang) là một nông dân nhưng nổi tiếng khi nhiều lần đoạt giải trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia.

Các máy móc nông cụ của anh cải tiến giúp nông dân tăng năng suất, tiết kiệm chi phí vượt trội, thế nhưng ít ai biết anh Thái chỉ là một người "thất học".

Anh Thái kể, vì cha mẹ nghèo nên học chưa hết lớp 6 anh đã phải nghỉ. Suốt thời gian dài sau đó anh đi bắt tôm cá trong vùng Đồng Tháp Mười, rồi làm công trong các xưởng cơ khí.

Nhận thấy nghề sửa máy nông nghiệp "có tương lai", anh Thái đã chuyên tâm học mót. Năm 2002, với kinh nghiệm học được và số vốn vỏn vẹn 2 triệu đồng, anh đã mua một bộ đồ nghề rồi đứng ra mở xưởng sửa máy nổ của riêng mình.

"Tui bằng kỹ sư thì vợ cấp, đồ nghề lúc đầu cũng chỉ có mấy cái lèo tèo. May nghề sửa máy không cần nhiều vốn, dạo đấy việc cũng nhiều nên sống được", anh Thái vui vẻ nói.

Bảy năm theo nghề sửa máy nông nghiệp, anh Thái nhận thấy máy móc nhập ngoại thường gặp sự cố vì không được thiết kế để tương thích hoàn toàn với điều kiện sử dụng trong nước. Vì vậy anh Thái đã nảy ra ý nghĩ sẽ chuyển từ sửa chữa sang chế tạo máy để bán cho bà con.

Anh Thái bên chi tiết máy do mình sáng chế (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Máy nông nghiệp ở nước mình hồi đó thường được nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Máy móc có giá rất cao, chất lượng cũng rất tốt nhưng họ thiết kế để dùng cho ruộng khô, đất cứng. Đưa về đồng nước của mình sử dụng vừa không đạt hiệu quả, vừa dễ gặp lỗi.

Nhận thấy điều đó nên tui mới cải tiến, dựa trên chi tiết máy đã có, thiết kế lại cho phù hợp đồng ruộng của mình. Sản phẩm mình làm ra chất lượng được chừng 8/10 máy nhập nhưng giá thì chỉ bằng 2/10, sử dụng lại hiệu quả nên bà con thích dùng lắm", anh Thái cho biết.

Năm 2009, sản phẩm sáng chế đầu tiên của anh là dàn xới cải tiến đã xuất xưởng. Dàn xới có các đặc điểm mới như góc tấn mở rộng giúp giảm tải cho máy nổ, bông xới lớn, tốc độ quay thấp phù hợp với ruộng mềm ngập nước.

"Ai mua về dùng cũng khen, theo nhận định của khách máy do tui cải tiến năng suất gấp đôi máy nhập, đi sình ngon hơn hẳn. Nghe thế tui mừng lắm, đưa máy đi thi thì đạt giải 3 tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật do tỉnh Tiền Giang tổ chức", anh Thái kể.

Công nhân của anh Thái đang chế tạo chi tiết nón đắp bờ (Ảnh: Nguyễn Cường).

Là một thợ cơ khí không bằng cấp, các chi tiết máy của anh Thái đều không có bản vẽ. Quy trình chế tạo của anh Thái là cắt, ướm, sửa và cứ lặp lại cho đến khi vừa vặn.

"Có sản phẩm mình làm hết 3 tháng, có cái phải 2 năm mới xong. Hàng xuất xưởng rồi, khách ý kiến gì thì mình ghi lại rồi lại sửa, cho đến khi không ai chê gì nữa thì thôi", anh Thái chia sẻ.

Sau thành công đầu tiên, đến nay anh Thái đã sáng chế nhiều chi tiết máy giá trị như máy đào rãnh, máy luồn ống qua đường bê tông không cắt phá… Đặc biệt, năm 2016 anh Thái đã cải tiến máy đắp bờ, sản phẩm không chỉ bán khắp trong nước mà còn xuất đi cả nước ngoài.

"Máy đắp bờ, tui bán cho bà con chỉ có giá từ 27 đến 45 triệu đồng, bà con mang về dùng trung bình sinh lời được hơn 200 triệu đồng mới bắt đầu phải bảo dưỡng. Những máy tui bán từ năm 2016 đến nay vẫn đang hoạt động bình thường.

Trung bình mỗi ngày máy đắp được khoảng 10.000m bờ, bằng 40 người làm quần quật", anh Thái nói.

Anh Thái giám sát quá trình chế tạo sản phẩm (Ảnh Nguyễn Cường).

Máy đắp bờ cải tiến của anh Thái không chỉ được nông dân khen mà giới chuyên môn cũng đánh giá cao, được cấp chứng nhận độc quyền. Chiếc máy đã đại diện Tiền Giang đi thi tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XV và vinh dự đạt giải khuyến khích.

"Đến nay sản phẩm máy đắp bờ đã được tôi cải tiến 5 lần, trên 70% chi tiết tạo nên sản phẩm là do tôi làm tại xưởng, sắp tới tỷ lệ này còn cao hơn nữa. Hiện mỗi tháng tôi xuất xưởng được trên 10 máy, bán ra cả Hà Nội, đồng bằng sông Hồng, Phú Yên, Bình Định và khắp các tỉnh miền Nam. Nhiều khách từ một số nước cũng tìm đến mua sản phẩm", anh Thái cho biết.

Chỉ khởi nghiệp bằng bộ cờ - lê, đến nay anh Thái đã có xưởng lớn với nhiều máy móc hiện đại, sử dụng 8 lao động thường xuyên với mức lương 12 triệu đồng mỗi tháng. Các sản phẩm của anh Thái đã đóng góp rất lớn trong quá trình cơ giới hóa nông nghiệp của đất nước.

Với những đóng góp của mình, anh Thái đã được tặng nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có 2 lần được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc" vào các năm 2015 và 2022.

Theo Dân trí

https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/ky-su-bang-vo-cap-tao-ra-nhieu-may-moc-gia-tri-ban-di-ca-nuoc-ngoai-20221129003403844.htm

Chia sẻ bài viết

Thong ke