Kích hoạt dòng vốn tỷ USD từ châu Âu chảy vào Việt Nam
20:43 13/12/2022
Với lợi thế từ Hiệp định EVFTA, cùng dư địa phát triển các ngành kinh tế xanh, Việt Nam có tiềm năng lớn trong thu hút dòng vốn đầu tư từ châu Âu. Tuy vậy, dòng vốn FDI từ châu Âu hiện vẫn còn rất khiêm tốn, một trong những nút thắt đến từ rào cản khung khổ pháp lý, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU tại Brussels (Bỉ) vào ngày 14/12 và thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan và Bỉ từ ngày 9-15/12, theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo.
Mở đường cho vốn châu Âu vào Việt Nam
Trong chuyến công du, Thủ tướng đã và đang làm việc trực tiếp với nhiều tập đoàn lớn ở châu Âu. Trong đó có SMS - tập đoàn lớn của Luxembourg cung cấp công nghệ luyện kim trên toàn cầu, có doanh thu khoảng 2,6 tỷ EUR vào năm 2021.
Trong đó, Paul Wurh (1870) là công ty thành viên thuộc SMS chuyên cung cấp dịch vụ và công nghệ cao, hiện đại về thiết kế, chế tạo và lắp đặt các thiết bị và nhà máy luyện gang thép, cho hay đang có kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong việc tìm kiếm nhà cung ứng thép trong nước và hỗ trợ tăng cường năng lực tự động hóa điện tử trong ngành thép.
Trong khi đó, CargoLux (thành lập năm 1970) là tập đoàn của Luxembourg về vận tải hàng không và là một trong những hãng hàng không vận chuyển hàng hóa lớn nhất châu Âu với doanh thu 4,4 tỷ USD. Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tập đoàn báo cáo thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, giải quyết vấn đề vướng mắc liên quan quy định kỹ thuật vận hành máy bay hạng nặng tại sân bay Tân Sơn Nhất…
Đáng chú ý, trong chương trình thăm chính thức Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Dolf van den Brink, Tổng Giám đốc Heineken toàn cầu. Tập đoàn Heineken (1864) là một trong những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia lâu đời và lớn nhất thế giới. Đến nay, đầu tư của Heineken vào Việt Nam đạt 1 tỷ USD và trong vòng 10 năm tới, dự kiến đầu tư tiếp 500 triệu USD.
Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư châu Âu đang rất quan tâm vào thị trường Việt Nam. Nổi bật trong các quốc gia châu Âu là Đan Mạch. Trong năm nay, Đan Mạch đã nổi lên là 1 trong 5 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với tổng đầu tư mới đạt 1,32 tỷ USD. Một trong những lý do Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn Đan Mạch là các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Tháng 11 vừa qua, trong chuyến thăm Việt Nam của Thái tử Đan Mạch Frederik , ngoài 3 quỹ đầu tư, có đến hơn một nửa trong tổng số 35 doanh nghiệp đi theo đoàn là doanh nghiệp trong lĩnh vực điện gió. Đồng thời, tại tỉnh Bình Dương, Thái tử Đan Mạch đã dự lễ khởi công nhà máy thứ 6 và là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của Tập đoàn LEGO. Với tổng mức đầu tư 1 tỷ USD, đây là dự án số vốn đầu tư lớn nhất do một DN Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam; dự kiến sẽ tạo ra 4.000 việc làm khi đi vào hoạt động năm 2024.
Trước đó, công ty Spectre Đan Mạch chuyên sản xuất quần áo thể thao ngoài trời đã khánh thành nhà máy đầu tiên tại tỉnh An Giang sau 2 năm thiết kế và xây dựng. Đây là nhà máy thứ ba của Spectre tại Việt Nam và cũng là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tiên của Đan Mạch tại An Giang với tổng vốn đầu tư lên tới 17 triệu USD. Dự kiến nhà máy sẽ tạo ra 2.500 việc làm tại địa phương.
Nhà đầu tư mong chính sách ổn định
Ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, chia sẻ những con số trên là một minh chứng rõ ràng về xu thế tăng mạnh mẽ của dòng vốn FDI Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, các dự án cũng cho thấy tầm quan trọng của cam kết giảm thiểu phát thải khí carbon của Chính phủ Việt Nam trong việc thu hút đầu tư có chất lượng vào Việt Nam. Những dự án đầu tư sản xuất bền vững đều yêu cầu sử dụng năng lượng xanh khi đi vào vận hành.
Tuy vậy, dòng vốn đầu tư từ châu Âu vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Theo số liệu thống kê, FDI của EU vào Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 6,41% tổng số vốn Việt Nam thu hút được; còn xét về mặt dự án, chỉ chiếm khoảng 6,69%. Đây là một tỷ lệ rất nhỏ so với tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và EU. Tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam chỉ dao động từ 2-5% so tổng số vốn FDI mà EU phân bổ trên thế giới.
Một khảo sát về chỉ số môi trường kinh doanh của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho thấy, khoảng 42% lãnh đạo DN châu Âu được khảo sát cho biết sẽ tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam cuối năm 2022. Họ cũng chỉ ra rằng Việt Nam có thể tăng mức vốn FDI bằng cách giảm bớt khó khăn về hành chính (68%), cải thiện cơ sở hạ tầng (53%), phát triển năng lực nguồn nhân lực (39%), giảm rào cản thực thi cho các chuyên gia nước ngoài (39%).
Theo các doanh nghiệp, trong trường hợp những trở ngại nói trên được giải quyết, Việt Nam sẽ có vị trí thuận lợi để thu hút thêm nhiều công ty nước ngoài chuyển địa điểm ra khỏi Trung Quốc.
Có thể thấy những hạn chế trong thu hút FDI từ EU hiện nay không phải là mới nhưng để tạo sự đột phá trong việc hấp dẫn dòng vốn châu Âu rõ ràng cần tìm ra căn nguyên, do yếu tố văn hóa đầu tư hay do yêu cầu cao của các nhà đầu tư EU về thể chế, môi trường kinh doanh mà Việt Nam chưa đáp ứng được.
Liên quan tới băn khoăn trên, Chủ tịch EuroCham - ông Alain Cany, đánh giá Việt Nam có thể thu hút hàng trăm tỷ EURO vào lĩnh vực phát triển xanh. Tuy vậy, Chính phủ Việt Nam cũng phải giải quyết những thách thức như khung khổ pháp lý ổn định. 92% số người được hỏi về Chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham cho rằng để phát triển xanh nhanh hơn, Việt Nam cần có một khung pháp lý mạnh mẽ hơn. Khung pháp lý có thể dự đoán được để các dự án năng lượng, DN châu Âu có thể cho vay công nghệ, chuyên môn và tài trợ.
"Cần làm rõ khung pháp lý cho quan hệ đối tác công tư, điều này sẽ góp phần phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng xanh của Việt Nam. Nếu có một cơ chế hợp tác khả thi, các công ty châu Âu chắc chắn sẽ muốn đóng góp vào sự phát triển của mạng lưới năng lượng và hệ thống lưu trữ pin của Việt Nam", ông Alain Cany chia sẻ.