Friday, 22/11/2024

Cơ hội ra nước ngoài, "hái đô la" của doanh nghiệp Make in Việt Nam

20:49 12/12/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Khát vọng "go global" của doanh nghiệp Make in Việt Nam cũng giống như ước mơ của các doanh nghiệp Mỹ ở thung lũng Silicon vài thập niên trước.

Việt Nam và cơ hội chuyển đổi số thị trường ngoại

Theo số liệu tổng hợp từ Statista, Financial Statements và National Statistical Official, vào năm 2018, khoảng 70% các tổ chức có hoạt động liên quan đến chuyển đổi số, 40% các doanh nghiệp có ngân sách dành cho chuyển đổi số. Trên toàn cầu, khoảng 2.000 tỷ USD đã được các công ty dành chi cho chuyển đổi số trong năm 2019.  

Chia sẻ tại Diễn đàn Make in Việt Nam, ông Joseph Saib - TGĐ Công ty Tel.red (Mỹ), chuyển đổi số là hiện tượng mang tính toàn cầu và là xu hướng không thể đảo ngược. 

Tổng đầu tư cho chuyển đổi số trên toàn cầu được dự đoán sẽ tăng lên 7.000 tỷ USD trong năm 2023. Theo ông Joseph, đây là cơ hội mà Việt Nam không nên bỏ lỡ. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt cần phải tăng khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế. 

Joseph Saib - TGĐ Công ty Tel.red (Mỹ) chia sẻ góc nhìn về tiềm năng và cơ hội của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Ảnh: Nhật Sinh

Tổng giám đốc Tel.red cho rằng, khát vọng mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang nuôi dưỡng cũng giống như ước mơ của các doanh nghiệp Mỹ ở thung lũng Silicon vài thập niên trước đây. 

Theo ông Joseph Saib, Ấn Độ có thể là một bài học cho Việt Nam khi họ cũng từng mạnh về việc gia công phần mềm, trước khi có sự tích lũy và vươn lên thay đổi thứ hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

Chuyển đổi số sẽ trở thành xu hướng công nghệ mang đến cơ hội cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhấn mạnh một lần nữa, ông Joseph khẳng định Việt Nam có tiềm năng rất lớn về công nghệ và không nên bỏ lỡ cơ hội này. Việt Nam cần nắm bắt cơ hội bằng việc có cách tiếp cận đúng đắn và chiến lược chuyển đổi số phù hợp. 

Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghệ Việt

 

Theo TGĐ VMO Hoàng Tuấn Hải, điểm hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường thế giới là trình độ ngoại ngữ. Với yếu điểm này, doanh nghiệp công nghệ số Việt sẽ gặp khó trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp Ấn Độ và Âu Mỹ. 

Yếu điểm thứ 2 là các doanh nghiệp Việt thường thiếu tư duy phản biện. Trong khi đó, các khách hàng ngày càng có yêu cầu cao. Họ muốn có sự phản biện và tư vấn nhiều hơn. Đây là một đặc trưng của văn hoá Âu Mỹ. 

Muốn làm việc với nước ngoài, ông Hải cho rằng, các doanh nghiệp của chúng ta phải có văn phòng ở nước ngoài. Để chinh phục khách hàng ngoại, cần gặp gỡ trực tiếp và trao đổi để hiểu được khách hàng muốn gì, ông Hải nói.

Ông Hoàng Tuấn Hải với đề xuất xây dựng các hub công nghệ Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: Nhật Sinh

Góp ý nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, TGĐ VMO đề xuất cần phải có mô hình đào tạo liên kết giữa các trường đại học và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là cách để đưa các chương trình đào tạo vào thực tiễn. 

Đề xuất tới các cơ quan quản lý, ông Hải đặt vấn đề về việc xây dựng các hub công nghệ Việt Nam tại các thị trường lớn. Nhà nước hãy mở các trung tâm giúp doanh nghiệp kết nối ở nước ngoài, người đứng đầu công ty chuyên outsourcing cho khối ngoại kêu gọi.

Số liệu thống kê mới nhất của Cục Công nghệ số và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho thấy, hiện có 1.400 các sản phẩm, dịch vụ Make in Việt Nam đã đi ra toàn cầu. Tiếp sức cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ra nước ngoài, đó là điều mà Bộ TT&TT đã tính đến.

Trước đó, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ số và Truyền thông (Bộ TT&TT) từng cho biết, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến Đối ngoại (Bộ Công thương) để các doanh nghiệp công nghệ số có thể tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài. 

Theo Vietnamnet

https://ictnews.vietnamnet.vn/co-hoi-ra-nuoc-ngoai-hai-do-la-cua-doanh-nghiep-make-in-viet-nam-5009616.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke