Khơi thông “điểm nghẽn” thị trường khoa học-công nghệ
11:07 09/11/2022
Mặc dù nguồn cung công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học công lập ở Việt Nam khá phong phú đa dạng, nhưng lượng hàng hoá khoa học-công nghệ được thương mại hóa từ các nhà cung cấp này lại rất khiêm tốn...
Đến nay thị trường khoa học-công nghệ Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển mạnh. Làm thế nào để khơi thông các “điểm nghẽn” giúp đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế từ các viện, trường vào đời sống doanh nghiệp?
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nguồn cung hàng hóa khoa học-công nghệ từ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo hiện chỉ chiếm khoảng 25% thị phần hàng hóa khoa học-công nghệ được các doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ. Phần lớn hàng hóa khoa học-công nghệ (75%) có nguồn gốc nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc (25%) và Đài Loan (Trung Quốc) (16%).
NHIỀU KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CHƯA ĐƯỢC THƯƠNG MẠI HÓA
Thời gian qua, thị trường khoa học-công nghệ Việt Nam đã có bước phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, như: nguồn cung hàng hóa đã tăng đáng kể, tốc độ tăng giá trị giao dịch bình quân hàng năm đạt 22%. Giá trị giao dịch hàng hóa khoa học-công nghệ giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân hàng năm đạt 20,9%, trong đó có một số lĩnh vực tăng mạnh như chế biến thực phẩm tăng 24,2%, tài chính ngân hàng tăng 24,9%, chế biến gỗ tăng 27,4%, đặc biệt, lĩnh vực điện tử máy tính tăng 30,5%. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trung bình giai đoạn 2016-2020 đạt 12,47% (tăng 16,82% so với giai đoạn 2011-2015).
Tuy nhiên, theo Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học-công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), phần lớn các kết quả nghiên cứu chưa sẵn sàng thị trường, chưa hoàn thiện về mặt công nghệ và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường. So với nhu cầu thực tế, thị trường khoa học-công nghệ còn trầm lắng, vận hành còn nhiều vướng mắc. Sự hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học chưa được đẩy mạnh.
Hầu hết các đơn vị đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý và khai thác kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của đơn vị. Các viện, trường có kết quả nghiên cứu tốt nhưng chưa thương mại hóa để có thể chuyển giao đến doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo cũng khó tiếp cận với các kết quả nghiên cứu. Rất ít doanh nghiệp (0,3%) lựa chọn chuyển giao công nghệ từ các các viện nghiên cứu, trường đại học; chỉ có 0,6% doanh nghiệp lựa chọn chuyển giao công nghệ từ các tổ chức ngoài công lập.
Doanh thu mang lại được từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ còn thấp, giá trị hợp đồng mang lại được từ chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 30% so với tổng ngân sách dành cho khoa học và công nghệ.
Về hợp tác viện, trường và doanh nghiệp chủ yếu được thực hiện trong lĩnh vực đào tạo, cung cấp nhân lực và tư vấn chuyển giao công nghệ. Thành lập doanh nghiệp khởi nguồn (spin–off) tại các trường đại học, viện nghiên cứu chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Kinh phí nhà nước dành cho các nhiệm vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ còn rất hạn hẹp, trong khi doanh nghiệp không tham gia được vào quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Việc chưa có hướng dẫn chi tiết, hợp lý sử dụng quỹ phát triển khoa học-công nghệ của doanh nghiệp cũng là điểm nghẽn lớn trong khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường khoa học-công nghệ nói chung và hoạt động thương mại hóa công nghệ.
Từ thực tiễn doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Tập đoàn Nam miền Trung, cho biết hiện nay nhu cầu các công nghệ lõi, đáp ứng nhu cầu đổi mới sáng tạo cho phát triển là rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt lại đang loay hoay trong tiếp cận và ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Việc tiếp cận khoa học-công nghệ giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học, viện, trường vẫn còn khoảng cách khá lớn.
GẮN KẾT NGHIÊN CỨU VỚI THỊ TRƯỜNG
Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, một thị trường khoa học-công nghệ phát triển mạnh sẽ góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Để thúc đẩy phát triển thị khoa học-công nghệ, cần quan tâm đến hai chủ thể cung- cầu; đẩy mạnh mối liên kết viện, trường với doanh nghiệp. Việc hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp theo cơ chế đặt hàng ngay từ đầu sẽ cho ra những công nghệ ứng dụng ngay, sát nhu cầu thực tế.
Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia, ông Donald Scott Kemmis, chuyên gia chính sách thương mại hoá kết quả nghiên cứu của chương trình Aus4innovation, cho rằng hầu hết các kết quả nghiên cứu, sáng chế đều muốn được thương mại hóa. Tuy nhiên, tỷ lệ thương mại hóa ở Việt Nam rất thấp. Do đó, các trường, viện nghiên cứu phải đánh giá được tiềm năng thương mại hóa của các sáng chế mang lại giá trị gì cho doanh nghiệp; phải hiểu, nắm bắt được doanh nghiệp đang cần gì và giải pháp đưa ra có hữu ích với họ không.
Phát triển thị trường công nghệ cần có sự “bắt tay” kết nối cung-cầu và dựa trên các “mặt hàng”. Tuy nhiên, GS.Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhận xét sự liên kết giữa viện trường và các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay còn yếu. Số liệu thống kê cho thấy ở Việt Nam chỉ có 4% trường đại học hợp tác nghiên cứu với các doanh nghiệp, 29% có hợp tác đào tạo, giảng dạy, đa số giải quyết vấn đề trước mắt của doanh nghiệp. “Rất ít doanh nghiệp liên kết trực tiếp với viện, trường đại học trong xác định chiến lược dài hạn”, ông Viên cho biết.
Để đưa được giải pháp nghiên cứu ra thị trường, vấn đề then chốt là chính sách, thể chế, nhân sự, đầu tư. Kinh nghiệm từ Phòng thí nghiệm sinh học phân tử Cambridge (Anh) cho thấy, bí quyết thành công là tự do nghiên cứu, phi hành chính hoá, quản lý tài chính hiệu quả và quốc tế hoá lao động. Viện đã thành lập nhiều công ty spin-off, nhờ đó 5 năm qua giúp thu về 700 triệu Bảng Anh từ các chuyển giao, đặt hàng tới các doanh nghiệp; trong khi tiền chính phủ cấp chỉ khoảng 170 triệu Bảng.
“Do đó, điều đầu tiên cần hướng tới là thể chế, giảm thủ tục hành chính, tự do học thuật, tự do sáng tạo”, ông Viên nói và đề xuất giao quyền tự chủ thực chất cho các đơn vị nghiên cứu, trường đại học trong đó cần độc lập tự chủ mô hình quản trị, phương thức hoạt động, tổ chức nhân sự, tự chủ tài chính và đầu tư.
Nếu các trụ cột này vận hành theo cơ chế thị trường, không có sự can thiệp của cơ chế xin- cho, sẽ giúp khoa học-công nghệ trở thành động lực, đóng góp phát triển kinh tế.
Chia sẻ điều này, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy hợp tác khoa học, đổi mới sáng tạo là môi trường cạnh tranh lành mạnh; hệ thống tiêu chuẩn và tiêu chí định mức phát triển quốc gia cho các sản phẩm công nghệ. Hệ thống luật cho khoa học-công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp phải là hệ thống cơ bản dựa trên nguyên tắc Sandbox (cơ chế thử nghiệm).
Ngoài ra, cần trao quyền tự chủ cao cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và hoạt động R&D. Nhà nước cần phải đặt hàng khoa học-công nghệ cho những vấn đề lớn, mang tính thách thức, đặt hàng dựa trên các hợp đồng rất chặt chẽ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, thị trường khoa học- công nghệ cần phải được thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận, nhận chuyển giao công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng tầm doanh nghiệp. Cần thiết lập sàn giao dịch công nghệ với các cơ chế vận hành, chuyển giao, hợp tác cởi mở, tạo thành thị trường sẽ giúp các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận dễ dàng, hài hòa lợi ích các bên. Cơ chế này góp phần khơi thông thị trường, đưa nền tảng khoa học- công nghệ dồi dào của Việt Nam vào thực tế sản xuất của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để phát triển thị trường khoa học- công nghệ Việt Nam còn cần sự đồng hành, kết nối hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước, các viện, trường và doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết hiện đang xây dựng một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường khoa học- công nghệ cùng với việc triển khai hình thành các sàn giao dịch công nghệ, kết nối cung- cầu; xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ...