5 năm nỗ lực thúc đẩy hàng chục nghìn tài năng AI Việt
10:59 10/11/2022
Qua 5 lần tổ chức Zalo AI Challenge, hàng chục nghìn kỹ sư AI Việt Nam khắp toàn cầu được tham gia thử thách, hỗ trợ xây dựng mô hình về AI, tăng kinh nghiệm thực tiễn.
Những năm 2010, trong khi thế giới đã có thâm niên tổ chức các cuộc thi trí tuệ nhân tạo (AI), tại Việt Nam, AI được nhắc đến như một xu hướng mới, những người làm công nghệ ít cơ hội được thực chiến.
Cuối năm 2018, ngay trong lần đầu xuất hiện, với đề tài mang tính thực tiễn cao, đồng thời cung cấp cho các đội tham gia về bộ dữ liệu chất lượng được gắn nhãn, giúp việc xây dựng và hoàn thiện mô hình huấn luyện, Zalo AI Challenge thu hút gần 800 đội tham gia, gây được tiếng vang.
Tính đến nay, cuộc thi đã trở thành nguồn cảm hứng giúp hàng chục nghìn sinh viên, kỹ sư trẻ thuộc thế hệ làm công nghệ tự tin đi theo con đường làm AI chuyên nghiệp, góp phần vào sự phát triển chung của ngành AI Việt Nam. Trong lần trở lại năm 2022, Zalo AI Challenge thu hút hơn 1.000 đội đăng ký tham gia trong chưa đến 5 ngày, chứng tỏ sức hút với giới AI.
Tâm huyết với thế hệ làm AI trẻ
Tốt nghiệp tiến sĩ tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST) và có 15 năm kinh nghiệm nghiên cứu, xây dựng các giải pháp AI, ông Châu Thành Đức - Phó trưởng ban tổ chức chương trình - nhận định ở thời điểm hiện tại, bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào cũng dễ dàng vào thị trường Việt Nam. Bởi thế, nguồn nhân lực AI trong nước phải được nâng cao để cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.
“Tôi muốn truyền cảm hứng và kiến thức hay đến thế hệ sau. Một cuộc thi mang đến nhiều giá trị cho cộng đồng như Zalo AI Challenge khiến tôi háo hức, sẵn sàng hết mình”, ông Đức bộc bạch.
Từng đảm trách vai trò cố vấn cho nhiều cuộc thi AI, ông Đức vẫn khá hồi hộp khi tham gia Zalo AI Challenge 2022: “Mỗi năm có hơn 1.000 đội dự thi, tức vài nghìn người. Điều này đòi hỏi khâu tổ chức phải chỉn chu, đầu tư cho các thử thách hoành tráng, đủ hấp dẫn và ý nghĩa với cộng đồng”.
Để làm được điều này, ông Đức cùng 20 thành viên trong đội ngũ chuyên gia của Zalo AI với sự trợ giúp của hơn 1.000 người miệt mài suốt hơn 4 tháng mới hoàn thành đề bài cùng bộ dữ liệu phục vụ cho cuộc thi.
Trưởng ban tổ chức, ông Nguyễn Minh Tú - CTO Zalo - cho biết thông qua chương trình Zalo cũng đóng góp một bộ dữ liệu ý nghĩa cho cộng đồng. Thực tế, nhiều nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu thêm các bài toán phục vụ học tập, thực nghiệm, nhưng khả năng cao thiếu nguồn lực tổng hợp dữ liệu.
Để cải tiến cuộc thi, ban cố vấn Zalo đã mời thêm 3 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực AI. Có những cách biệt về địa lý khi các chuyên gia đang giảng dạy ở nước ngoài hoặc liên tục công tác, nhưng với mục tiêu tạo môi trường thực hành cho cộng đồng AI Việt, hội đồng chuyên môn cố gắng dành nhiều thời gian, công sức nhất có thể để bàn bạc phương án mang đến nhiều lợi ích về chuyên môn cho người tham gia.
Lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) và có hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu AI, PGS.TS Quản Thành Thơ - Phó trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, ĐH Bách Khoa, ĐHQG TP.HCM - luôn đau đáu với mong muốn truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ sau.
“Các bạn hiện nay tiếp thu công nghệ mới rất nhanh, nhưng cần được thế hệ đi trước hỗ trợ bài bản, tránh hiện tượng mì ăn liền. Tham gia Zalo AI Challenge 2022, tôi hy vọng có thể góp phần vào sự phát triển các nghiên cứu và ứng dụng AI của thế hệ trẻ” - ông chia sẻ.
Sau hơn 20 năm nghiên cứu và giảng dạy, GS.TS Nguyễn Lê Minh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Interpretable AI, Viện Khoa học Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST) - ấp ủ mong muốn có thể góp phần xây dựng cộng đồng AI Việt lớn mạnh, có tổ chức chặt chẽ hơn, nhằm hỗ trợ các bạn trẻ về mặt kiến thức hàn lâm lẫn liên kết với các bài toán thực tế.
Tham gia vào quá trình ra đề, các khâu chuẩn bị cho Zalo AI Challenge 2022, GS.TS Nguyễn Lê Minh cho biết: “Đây là cuộc thi đem lại nhiều giá trị, khuyến khích các tài năng trẻ thực hành các giải pháp AI và mang AI gần gũi hơn với cuộc sống. Các dữ liệu và phương pháp từ cuộc thi có giá trị khoa học và ứng dụng”.
4 năm liên tục tham gia vào ban cố vấn Zalo AI Challenge, thành viên ban tổ chức Nguyễn Trường Sơn - phụ trách các bài toán về xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xây dựng hệ thống hỏi đáp cho trợ lý Kiki - tâm sự lý do khiến ông gắn bó với cuộc thi là vì có thể tham gia vào các khâu quan trọng tác động đến cộng đồng, góp công giúp các bạn đam mê trí tuệ nhân tạo có môi trường thực tế thử nghiệm các mô hình tiên tiến.
Kỳ vọng góp phần tạo nên đột phá
Zalo AI Challenge chứng kiến màn “lột xác” của những cái tên mới trong giới AI, nhiều quán quân có sự nghiệp rộng mở ngay sau chương trình. Với profile "xịn”, không khó để những đội chiến thắng tìm được cơ hội ở những công ty, trường đại học hàng đầu.
Điển hình như đội 3PU, quán quân 2021 đang là nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ tại các trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Nguyễn Thế Việt, quán quân năm 2020 đang là nghiên cứu sinh cao học tại Đại học Quản lý Singapore hay đội Wano, quán quân năm 2021 đang làm việc cho các tổ chức, tập đoàn công nghệ lớn.
Mỗi năm, cuộc thi thu hút hơn 1.000 đội tham gia. Sau 5 năm, chương trình đã tiếp thêm động lực cho hàng chục nghìn người trẻ làm AI thực tiễn. Với 1.000 đội đăng ký dự thi sau 5 ngày, Zalo AI Challenge 2022 được dự đoán phá kỷ lục số lượng thí sinh khi có sự đầu tư "khủng” về chất xám.
Nói về mong muốn của ban tổ chức, ông Nguyễn Minh Tú chia sẻ kỳ vọng các thí sinh sẽ có những lời giải sáng tạo, đột phá cho các bài toán, chứ không chỉ sao chép những mô hình rập khuôn, những giải pháp đã có sẵn.
Với định hướng ươm mầm tài năng AI trẻ, Zalo AI Challenge luôn đặt ra các bài toán hóc búa mang tính thời sự và đảm bảo khả năng ứng dụng cao. Ban tổ chức đã chọn 3 bài toán trong số hàng chục đề xuất được mang ra thảo luận trong năm nay.
Cụ thể, đề bài đầu tiên là Liveness Detection - xác định khuôn mặt người trong video là thật hay giả mạo. Tiếp theo là E2E Question Answering - tìm câu trả lời chính xác nhất từ Wikipedia cho một câu hỏi. Cuối cùng là đề bài Lyric Alignment - tìm giải pháp để cân chỉnh trùng khớp lời bài hát và nhạc.
Bài toán Liveness Detection được ban tổ chức đánh giá khó nhất, vì đòi hỏi xử lý ảnh động, các tình nguyện viên đóng góp dữ liệu đều mang khẩu trang. Tuy nhiên, theo ban tổ chức, thí sinh sẽ được cọ xát thực tế và học nhiều kinh nghiệm nếu giải tốt đề bài này.
PGS.TS Quản Thành Thơ tâm đắc nhất với đề Lyric Alignment bởi đây là bài toán có tính học thuật và ứng dụng thực tế ở hai mảng xử lý âm thanh và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Đồng thời, tính ứng dụng cũng khá rộng trong hỗ trợ làm video karaoke, sách nói, học phát âm, phụ đề...
Theo ông, để làm tốt đề bài năm nay, các đội cần phân tích rõ bản chất của bài toán và dữ liệu, chú ý nhiều đến khâu tiền xử lý và thiết kế mô hình phù hợp, không nên chỉ tập trung vận dụng các mô hình SOTA.
Đề bài E2E Question Answering được ông Nguyễn Trường Sơn đánh giá khá khó so với các năm trước, cần xây dựng nhiều thành phần bởi dữ liệu trên Wikipedia quá lớn. Để làm tốt đề bài, các thí sinh nên vận dụng khéo léo và sáng tạo tất cả các kỹ thuật từ truyền thống đến hiện đại.
Theo đánh giá của GS.TS Nguyễn Lê Minh, Zalo AI Challenge tuy tổ chức ở Việt Nam nhưng chuyên nghiệp như các cuộc thi quốc tế. Do đó, các quán quân sẽ có cơ hội nghề nghiệp tốt khi theo đuổi ở cả mảng học thuật lẫn thực tiễn.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Quản Thành Thơ nhận định: “Với uy tín của cuộc thi, việc đoạt giải sẽ là một điểm nhấn đáng chú ý trong CV. Đây sẽ là điểm khởi đầu tốt để các bạn có được một công việc tốt và phát triển sự nghiệp tương ứng”.
Với tâm huyết trong từng khâu chuẩn bị, công phu dù là chi tiết nhỏ nhất, Zalo AI Challenge các năm là nơi để cộng đồng AI cọ xát và học hỏi lẫn nhau. Nhờ chương trình, các nhóm có thể tập hợp, giao lưu, cùng giải quyết các bài toán khó và thoải mái thể hiện khả năng. Với số lượng đội tham gia đông đảo, các thí sinh buộc phải tung hết sức thi đấu để đánh bại các đối thủ mạnh, từ đó cũng khám phá thêm khả năng tiềm ẩn.