Hợp tác Việt Nam - Đan Mạch trong phát triển bền vững công nghiệp điện gió tại Việt Nam
10:35 06/11/2022
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Thái tử kế vị Frederik cùng Công nương Mary của Đan Mạch (từ 1- 3/11) đã diễn ra Hội thảo “ Năng lượng gió vai trò giành cho kinh nghiệm và công nghệ của Đan Mạch trong xây dựng ngành công nghiệp điện gió tại Việt Nam” với sự tham gia của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng các Bộ, ngành liên quan, đã mở ra cơ hội mới trong việc nâng cao hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch trong việc phát triển bền vững công nghiệp điện gió tại Việt Nam.
Phát biểu tại Phiên khai mạc diễn đàn Diễn đàn thượng đỉnh năng lượng bền vững giữa Việt Nam và Đan Mạch (trước phiên Hội thảo), Thái tử kế vị Frederik cho biết, các doanh nghiệp của Đan Mạch với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển bền vững trong kinh doanh, đến Việt Nam để hỗ trợ trong nỗ lực của Việt Nam hướng tới một xã hội xanh hơn. Thái tử Frederik cũng bày tỏ tin tưởng từ Diễn đàn lần này, hai bên có thể cùng nhau tìm được những giải pháp chung mang lại lợi ích và thịnh vượng cho cả hai quốc gia.
Điểm lại quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An khẳng định, với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, việc ký kết của Việt Nam tại COP 26 thể hiện quyết tâm của chính phủ Việt Nam về chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh và bền vững. Trong những nỗ lực này, Đan Mạch là đối tác quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, bắt đầu từ 2013, đến nay đã qua giai đoạn 3 triển khai với Bộ Công thương Việt Nam. Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2017 cũng được xây dựng dưới sự hợp tác với Bộ Công thương, ĐSQ Đan Mạch, Tổng cục năng lượng Đan Mạch.
“Kế thừa sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo, chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện sinh khối, điện năng lượng mặt trời và các loại hình năng lượng tái tạo khác (trong đó bao gồm hydro và amoniac xanh khi công nghệ được chứng thực trong cơ cấu nguồn điện quốc gia), đồng thời tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế” - Ông Đặng Hoàng An cho biết.
Tại Hội thảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Trương Đức Trí cho biết, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (ban hành năm 2018) đã xác định phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi là một trong sáu ngành kinh tế biển được ưu tiên phát triển.
Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (ban hành năm 2022) đã xác định ưu tiên phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các giải pháp công nghệ đột phá; nâng công suất năng lượng tái tạo, trong đó chú trọng phát triển điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi nhằm hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ XXI.
Theo Ông Trương Đức Trí, để phát triển điện gió ngoài khơi, những vấn đề cần ưu tiên triển khai là phải chỉ ra được các vùng biển có tiềm năng và khả năng phát triển điện gió; tiếp đó cần tổ chức điều tra, khảo sát chi tiết về tốc độ gió, mật độ gió, cấu trúc địa chất, địa hình và đánh giá tác động môi trường trên biển. Đồng thời cần có cơ chế, chính sách thống nhất, đồng bộ từ khi đo đạc, điều tra, khảo sát tiềm năng gió, địa chất, địa hình đáy biển đến việc đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, ký hợp đồng mua bán điện.
Ông Trương Đức Trí cũng cho biết, các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương liên quan cũng như ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học và một số nhà đầu tư trong nước và quốc tế cũng cho thấy, hiện tại chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý và kỹ thuật để xem xét, thẩm định, chấp thuận về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng khu vực biển để tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát điện gió ngoài khơi. Các khoảng trống pháp lý và kỹ thuật đang được các cơ quan liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.
Với kinh nghiệm và công nghệ của Đan Mạch cùng với chủ trương hỗ trợ tích cực đối với các quốc gia đang chuyển từ nền kinh tế nâu, sang xanh, chắc chắn sẽ tạo động lực cho Việt Nam vượt qua rào cản về kỹ thuật, công nghệ và nguồn lực để phát triển bền vững ngành công nghiệp điện gió. Khẳng định về sự hợp tác này Thái tử Frederik nhấn mạnh: "Tôi rất ấn tượng khi được chứng kiến mối quan hệ giữa Đan Mạch và Việt Nam phát triển theo thời gian như thế nào. Về mặt kinh doanh, Đan Mạch hiện nay có đầu tư nước ngoài chính tại Việt Nam với 135 doanh nghiệp Đan Mạch có mặt ở Việt Nam. Ở tầm chiến lược và quy mô lớn hơn, chúng ta cùng chí hướng vì chúng ta có cùng hoài bão hướng tới một tương lai xanh hơn, và đạt được mục tiêu trở thành các quốc gia có mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một hoài bão, mà càng trở nên quan trọng hơn khi chúng ta hiện nay đang đối diện với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Điểm xuất phát của chúng ta có thể khác nhau, nhưng chúng ta có cùng chung tầm nhìn, trong lĩnh vực giảm thiểu các hệ lụy của biến đổi khí hậu".