Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch chuyển đổi năng lượng xanh trong hoạt động vận tải hành khách công cộng. Đây là hướng đi đúng đắn của việc chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu phát triển giao thông bền vững của Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội mang tới thì việc chuyển đổi còn đối mặt với không ít thách thức.
Xu thế tất yếu
Tại COP 26, Việt Nam đã cùng 147 quốc gia cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ bằng nguồn lực trong nước cùng với hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển cả về tài chính và chuyển giao công nghệ theo các cơ chế của Thỏa thuận Paris. Việc triển khai cam kết này là tiền đề mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước, là cơ hội để Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Giao thông vận tải (GTVT) nói riêng sang phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính.
Đáng chú ý, để từng bước hiện thực hoá cam kết tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT với những mục tiêu, lộ trình và nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực. Trong đó, GTVT đường bộ với việc phát triển phương tiện điện được xác định là trọng tâm.
Tại Hội thảo quốc tế “Phát triển giao thông đường bộ sử dụng điện, hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh”, ông Đào Công Quyết, đại diện cho Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam khẳng định, xe điện hóa là xu hướng chung trên toàn cầu. Minh chứng cho điều này, nhìn từ sự phát triển của thị trường ô tô ở Việt Nam, ông Đào Công Quyết cho biết, từ năm 2015 đến nay, doanh số bán của toàn thị trường từng năm tăng dần. Theo thống kê 8 tháng đầu năm, thị trường cả nước đã bán ra hơn 236.000 xe.
Với Hà Nội, hiện việc chuyển đổi năng lượng xanh đã được xác định rõ và được các ngành chức năng Thành phố đề ra lộ trình cụ thể. Chẳng hạn, với lĩnh vực GTVT, trong giai đoạn 2025 - 2030, toàn bộ xe buýt Thành phố được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh; thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45 - 50%. Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Thực tế, nhiều năm qua, thực hiện chủ trương của Thành phố, việc ứng dụng và đưa vào vận hành các phương tiện sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường đã được triển khai. Chẳng hạn, nhiều tuyến giao thông đã triển khai vận hành xe buýt điện, xe buýt sử dụng khí CNG và đạt được những thành công ban đầu, đảm bảo phục vụ nhân dân cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc vận hành hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như tàu điện Cát Linh - Hà Đông cũng thu được những kết quả tích cực.
Ở góc độ đơn vị vận hành xe buýt lớn nhất Thủ đô, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, xu hướng sử dụng năng lượng xanh là yêu cầu tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cũng xác định rõ nhiệm vụ cốt lõi thời gian tới là tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị về vận hành phương tiện sử dụng năng lượng sạch để sẵn sàng triển khai khi đủ điều kiện. Đi đôi với phát triển xe buýt phải có giải pháp hiệu quả để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ và bảo đảm chất lượng phương tiện.
Vẫn còn những rào cản
Thực tế cho thấy, dù là xu thế tất yếu song việc chuyển đổi năng lượng xanh vẫn đang đối mặt với những thách thức nhất định. Chẳng hạn, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được việc chuyển đổi mạnh mẽ; những hạn chế về công nghệ phương tiện vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu; giá thành của phương tiện còn rất cao... đây đều là những “rào cản” đòi hỏi các cơ quản lý Nhà nước phải có chính sách và lộ trình phù hợp.
Lấy ví dụ, Hà Nội đã đề ra lộ trình đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Tuy nhiên, số lượng phương tiện buýt sử dụng động cơ dầu diesel còn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó, giá thành xe buýt điện đang cao hơn khoảng 3,2 - 4 lần so với các loại xe buýt đang được sử dụng. Việc huy động nguồn kinh phí để chuyển đổi toàn bộ phương tiện sang sử dụng năng lượng xanh là vấn đề nan giải và không dễ khắc phục. Chưa hết, để “góp sức” cho việc chuyển đổi năng lượng xanh còn đòi hỏi một lượng lớn nguồn lực lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.
Quanh câu chuyện này, GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải chia sẻ, vấn đề ô nhiễm môi trường đang rất nhức nhối, đặc biệt là ở Hà Nội. Vì vậy, việc chuyển đổi năng lượng sử dụng, trong đó có năng lượng sử dụng cho phương tiện giao thông có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện môi trường.
Dẫn ví dụ nhìn từ Trung Quốc, GS.TS Từ Sỹ Sùa cho biết, khi Bắc Kinh đăng cai Olympic 2008 đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối do tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của thành phố này. Để cải thiện, Bắc Kinh đã phải cam kết và thực hiện một loạt các giải pháp để cải thiện môi trường. Đáng chú ý, trong các giải pháp được áp dụng có giải pháp thay đổi phương tiện giao thông ở Bắc Kinh bằng phương tiện sử dụng nặng lượng sạch. Ngoài ra, thành phố này cũng thực hiện trồng rất nhiều cây xanh.
Trở lại với Hà Nội, hiện nay hầu hết xe buýt mà Hà Nội sử dụng đã có thời hạn sử dụng cao. Do đó, GS.TS Từ Sỹ Sùa kiến nghị Thành phố cần tính toán đến việc thay thế hệ thống xe buýt hiện nay bằng xe buýt điện hoặc xe buýt sử dụng năng lượng sạch. Ngoài ra, cũng cần phải nâng cao chất lượng phương tiện công cộng và điều tiết giá cước một cách hợp lý. Bởi nếu chất lượng dịch vụ không được nâng cao, người dân sẽ quay lưng lại với xe buýt, với phương tiện giao thông công cộng.
Ở góc độ nguồn lực lao động có tay nghề, kỹ thuật cao để “đón đầu” xu thế sử dụng năng lượng xanh, tại Hội thảo quốc tế “Phát triển giao thông đường bộ sử dụng điện, hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh”, GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, xu thế phát triển xe điện là xu thế tất yếu và Việt Nam đang đi theo đúng lộ trình đó. Đáng chú ý, xác định rõ thị trường và cơ hội tiềm năng trong tương lai, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ việc chuyển đổi đã được các cơ sở đào tạo xây dựng và triển khai.
Cụ thể, đối với các trường đại học, đặc biệt các trường đại học kỹ thuật hiện nay đã có các chương trình đào tạo liên quan đến ô tô điện và đang định hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng phương tiện dùng điện trong tương lai. “Đối với nguồn nhân lực, tôi tin rằng đến năm 2030, đội ngũ kỹ sư riêng về ô tô khi ra trường chắc chắn đủ khả năng để đáp ứng được việc chuyển đổi sang sử dụng phương tiện dùng điện. Tuy nhiên, phát triển phương tiện dùng điện cần đến nhiều nguồn lực khác, không chỉ riêng con người, mà phải gồm cả các nguồn lực đến từ tất cả các ngành nghề khác nhau của xã hội, chứ không phải chỉ mỗi ngành GTVT”, GS.TS Lê Anh Tuấn chia sẻ./.