Friday, 22/11/2024

Hà Nội chưa có chủ trương mở cửa ngõ để người dân đi lại bình thường

13:04 21/09/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Hà Nội chưa có chủ trương mở để người dân đi lại bình thường ở các cửa ngõ. Chỉ những người thực thi công vụ, có công việc đã đăng ký của các tổ chức, doanh nghiệp được đi lại qua các chốt này.

Sáng nay (21/9), tại hội nghị giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo T.Ư, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho hay, qua 4 chặng Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, mỗi chặng có những mục tiêu, cách làm khác nhau.

Từ 21/9 TP thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng, song thực tế từ ngày 6 - 20/9 hai vùng của Hà Nội đã thực hiện Chỉ thị 15, có nơi dưới Chỉ thị 15, thậm chí tiệm cận Chỉ thị 19.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong. Ảnh: Xuân Hải

Dịp giãn cách thứ 4 vừa qua, đặc biệt Công điện số 71 của Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt đến 12/9 phải xét nghiệm xong toàn dân, đến 15/9 phải tiêm xong.

Ông Phong thông tin, về năng lực tiêm chủng, trước khi Thủ tướng chỉ đạo, Hà Nội có thể tiêm 200.000 mũi/ngày, đến khi có sự hỗ trợ của các tỉnh, có ngày TP tiêm được trên 600.000 mũi.

“Chúng tôi chỉ đạo khi còn người dân ra tiêm bất cứ giờ nào thì vẫn cứ tiếp tục tiêm, đã có nơi tiêm hơn 2h sáng mới hết dân”, ông Phong nói.

Phó Bí thư Hà Nội cho rằng, nguy cơ dịch bệnh với Thủ đô còn cao, vẫn còn F0 trong cộng đồng. Hà Nội xác định không theo đuổi câu chuyện zero F0 mà chấp nhận chủ động chung sống một cách an toàn với Covid-19.

TP cũng xác định không thể đóng chặt cửa ngõ giống như một số tỉnh thành đã làm vì Hà Nội là thủ đô, là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, ngoại giao của cả nước.

Theo ông Phong, Hà Nội không hạn chế lưu thông xe luồng xanh hay gây khó dễ gì, chỉ có một số lần ùn tắc thì sau đó điều chỉnh cách thức và đã tạo sự thông thoáng.

Phó Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài vào là rất cao. Chính vì vậy, TP tiếp tục duy trì 22 chốt ở cửa ngõ và 33 chốt ở đường ngang lối tắt của các huyện giáp ranh với các tỉnh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, còn trong nội bộ TP thực hiện Chỉ thị 15.

“Cho đến giờ phút này, việc lưu thông của lao động ở Hà Nội sang làm việc ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam… hoặc ngược lại về Hà Nội chưa có gì ngăn cách, khó khăn cả, vẫn tạo điều kiện tất cả mọi việc. Nếu không làm vậy thì các chuỗi cung ứng, đặc biệt của các DN lớn nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng.

Còn hiện nay, chúng tôi chưa có chủ trương mở để người dân đi lại bình thường ở các cửa ngõ, mà chỉ có người công vụ, người có công việc đã đăng ký của các tổ chức, doanh nghiệp”, ông Phong thông tin.

Không vội vàng, nóng vội

Cũng theo lãnh đạo TP Hà Nội, hiện TP vẫn chưa đạt tiêu chí để trở lại trạng thái “bình thường mới” của Bộ Y tế. Hà Nội xác định thận trọng, từng bước, có kiểm soát để đảm bảo chủ động chung sống một cách an toàn với Covid-19.

Chính vì vậy, các bước đi phải tính toán, cân nhắc, dựa trên các căn cứ thực tiễn, tư vấn của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, các hiệp hội, tổ chức DN. Bên cạnh đó, Hà Nội không thể chống dịch một mình mà phải trong bối cảnh chung của thế giới, của cả nước, tham khảo các tỉnh xung quanh để tạo thành một khối.

Phó Bí thư Hà Nội cho rằng, chúng ta phải tính toán đến câu chuyện chỉ đạo của T.Ư, như sắp tới đây 1/10, nếu khu vực phía Nam tình hình dịch diễn biến ổn mà Chính phủ đồng ý cho mở lại đường sắt, đường hàng không thì đó lại là câu chuyện với TP. Bởi lẽ Hà Nội luôn luôn hội tụ tất cả những nguồn lây, kể cả từ bên ngoài Việt Nam cũng như trong nước, vì vậy phải từng bước thận trọng.

“Chúng tôi cũng hiểu rằng mong mỏi của người dân, của các cơ quan, nhất là DN hoàn toàn chính đáng. Nhưng chúng ta đã đạt thành quả như này là phải trả rất nhiều mồ hôi, đánh đổi rất nhiều nhu cầu về kinh tế, thời gian, sức khỏe…, chúng ta không vội vàng, nóng vội”, ông Phong chia sẻ.

Theo Vietnamnet

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ha-noi-chua-co-chu-truong-mo-cua-ngo-de-nguoi-dan-di-lai-binh-thuong-776770.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke