Đầu tháng 8 vừa qua, trong khuôn khổ xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm tại thành phố Hyderabad, Đại sứ quán Việt Nam đã kết nối nhóm các nhà đầu tư Ấn Độ với đại diện của các chính quyền địa phương tại Việt Nam giới thiệu và thúc đẩy ý tưởng xây dựng các Công viên Dược phẩm (pharma park) - khu công nghiệp chuyên biệt trong lĩnh vực dược phẩm.
Mục đích của khu công nghiệp này nhằm đón các "ông lớn" trong lĩnh vực sản xuất dược của Ấn Độ cũng như quốc tế đến Việt Nam. Thực tế, mô hình này đã được triển khai rất thành công tại Hyderabad và các địa phương khác của Ấn Độ, biến nước này thành cường quốc sản xuất dược phẩm lớn thứ 3 thế giới.
Khu công nghiệp "Công viên Dược phẩm" sẽ có quy mô khoảng 500 ha với vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu USD, mong muốn tạo ra công ăn việc làm cho 50 nghìn lao động trực tiếp và 200 nghìn lao động gián tiếp, doanh thu xuất khẩu đạt khoảng 5 tỷ USD.
Theo số liệu của IBEF, Ấn Độ cung cấp hơn 60% các loại vaccine khác nhau trên toàn cầu, chiếm 20% lượng thuốc gốc xuất khẩu trên thế giới. Hơn 40% nhu cầu thuốc gốc ở Hoa Kỳ và 25% ở Anh là do Ấn Độ cung cấp. Hơn 80% các loại thuốc kháng virus được sử dụng trên toàn cầu để chống lại bệnh HIV-AIDS được sản xuất bởi các công ty dược phẩm của Ấn Độ.
Đến cuối tháng 8, các doanh nghiệp Ấn Độ đã có động thái tìm hiểu đầu tư Dự án "Công viên dược phẩm" tại Thanh Hoá trong buổi làm việc trực tuyến với Đại sứ Phạm Sanh Châu, các Tham tán, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cùng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi.
Tại đây, các nhà đầu tư Ấn Độ bày tỏ mong muốn tìm kiếm hạ tầng đầu tư, phát triển sản xuất trong thời hạn 99 năm tại những khu vực có môi trường đầu tư bền vững, có kết nối với hệ thống giao thông - vận tải thuận lợi, nhất là hệ thống giao thông đường hàng không, đường thuỷ...
Vậy vì sao Ấn Độ lại chọn Việt Nam để triển khai Công viên Dược phẩm?
Theo báo cáo của SSI Research, hiện nay Ấn Độ là nhà cung cấp API (dược chất) quan trọng cho Việt Nam. Bên cạnh đó, các công ty dược Ấn Độ hiện đang đẩy mạnh năng lực sản xuất khi Chính phủ nước này thực hiện gói ưu đãi tiền mặt trị giá 200 triệu USD cho các nhà máy API sản xuất kháng sinh, thuốc chống HIV, vitamin và 51 thành phần dược phẩm quan trọng khác.
Liên quan đến Công viên Dược phẩm, Chủ tịch của Tập đoàn SMS, ông Ramesh Babu trước đó cũng bày tỏ kỳ vọng đây sẽ là "đòn bảy chiến lược" để biến Việt Nam thành một cứ điểm nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm hàng đầu của Đông Nam Á và thế giới.
"Các khu công nghiệp chuyên biệt này là nơi chuỗi sản xuất các sản phẩm dược từ nguyên liệu tới thành phẩm. Với lợi thế quy trình khép kín, quy mô lớn, tập trung và ở các vị trí thuận tiện, công viên dược phẩm giúp các công ty giảm chi phí đầu tư nhưng lại tăng hiệu suất và hiệu quả phát triển và sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh", đại diện tập đoàn SMS Pharmaceuticals nói thêm.
Trước thời điểm Covid-19, quy mô thị trường ngành dược Việt Nam năm 2018 đạt giá trị 5,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước. Điều này giúp Việt Nam trở thành thị trường dược phẩm lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, là một trong 17 nước xếp vào nhóm có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất.
Cùng với sự tăng trưởng của ngành dược, trong những năm qua, mức chi bình quân đầu người cho dược phẩm tại Việt Nam cũng tăng theo.
Theo thống kê, chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng từ 9,85 USD trong năm 2005 lên đến 22,25 USD năm 2010 và tiếp tục tăng gần gấp đôi năm 2015, với 37,97 USD. Riêng trong năm 2017, chi tiêu bình quân cho thuốc của người Việt khoảng 56 USD/người (khoảng 1,3 triệu đồng).
Năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái bình dương và tổ chức OECD đã công bố công trình nghiên cứu đánh giá và so sánh chi tiêu cho y tế và chi tiêu cho sử dụng thuốc tại các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Trong đó cao nhất là Australia với mức chi 684 USD, Thái Lan 600 USD, Hàn Quốc 583 USD, New Zealand 392 USD, Việt Nam tăng lên 124 USD (tương đương gần 2,9 triệu đồng). Đứng cuối bảng là Campuchia với mức chi 81 USD/năm, Lào 27,3 USD.
Đại dịch xuất hiện cũng khiến doanh thu ngành dược phẩm Việt Nam giảm mạnh so với các năm trước. Song, theo nhóm chuyên gia SSI, sang năm 2022, các công ty dược phẩm dự báo sẽ có kết quả lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ và có thể đạt mức trước dịch Covid-19.
Đặc biệt, dự kiến quy trình phê duyệt thuốc cũng diễn ra nhanh hơn trong nửa cuối năm nay, sau thời gian trì hoãn đáng kể từ năm 2020 đến nay do một số vướng mắc về quy định của Cục Quản lý Dược Việt Nam.
Điều này sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam đón nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, cụ thể là các hãng Ấn Độ, cũng như là "bệ đỡ" để Công viên Dược phẩm sớm đi vào triển khai.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
https://cafef.vn/dang-sau-ly-do-ong-lon-an-do-muon-mo-kcn-duoc-pham-500-trieu-tai-viet-nam-muc-tieu-doanh-thu-xuat-khau-5-ty-usd-20211004225129634.chn