Dự án ống hút gạo và bún, phở sợi thẳng Ohuga đã nâng giá trị cho hạt gạo, giúp giải quyết những bức xúc trong cuộc sống, đem lại hiệu quả kinh tế cao
Ohuga là thương hiệu thuộc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại quốc tế Khánh Hà (Khánh Hà Food) được thành lập năm 2019 bởi chị Trương Thị Hồng Hà và chồng là Nguyễn Nguyên Vũ - kỹ sư hóa thực phẩm. Dự án ống hút gạo và bún, phở sợi thẳng Ohuga vừa vượt qua 162 dự án khác, giành giải nhất cuộc thi "Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo" lần 8 năm 2022 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.
Mới start-up, gặp ngay đại dịch
Cơ duyên dẫn dắt chị Hà đến với nghề ống hút gạo là từ một đối tác Hàn Quốc cần tìm sản phẩm này tại Việt Nam (do Hàn Quốc cấm sử dụng ống hút nhựa). Chị Hà kết nối vị khách này với các cơ sở sản xuất nui vì sản phẩm này khá gần với ống hút gạo. Tuy nhiên, ống hút gạo làm theo cách sản phẩm nui có điểm yếu là trương nở nhanh, dễ vỡ… nhưng những cơ sở này lại không muốn đầu tư thêm để cải tiến chất lượng vì sợ không bán được.
Nhận thấy đây là cơ hội, chị Hà bàn với chồng đặt hàng sản xuất một dây chuyền ống hút gạo riêng, đáp ứng yêu cầu thay thế ống hút nhựa. "Đây là sản phẩm tốt cho môi trường và sức khỏe con người. Con gái tôi hay dùng và cắn ống hút, tôi sợ những hạt vi nhựa ảnh hưởng sức khỏe của cháu.
Ngoài ra, ống hút nhựa dùng một lần rất khó phân hủy, lưu lại trong môi trường đất, nước... hàng trăm năm và tác hại đến cuộc sống của nhiều sinh vật. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã cấm sản phẩm này. Ngay tại Việt Nam, dù chưa bị cấm nhưng nhiều người đã tìm các sản phẩm thay thế ống hút nhựa" - chị Hà nói về lý do làm ống hút gạo.
Cuối năm 2018, chị Hà và chồng chính thức nghỉ việc để chuẩn bị mở xưởng sản xuất ống hút gạo. Năm 2019, anh chị lắp đặt thiết bị, thử nghiệm sản phẩm nên sản xuất chưa được nhiều. Năm 2020 - 2021, đại dịch COVID-19 ập đến, công ty của chị đối mặt nhiều khó khăn khi còn rất non trẻ.
"Trước khi mở xưởng riêng, tôi làm giám đốc nhân sự, lương khoảng 2.000 USD/tháng. Chồng tôi làm việc cho nhà máy thực phẩm của Nhật, lương cao hơn vợ nên cuộc sống gia đình rất thoải mái, cuối tuần và ngày lễ thì đi chơi. Đến khi khởi nghiệp, 2 vợ chồng phải làm những việc tay chân nặng nhọc, có khi thức đến 2 - 3 giờ sáng vì máy trục trặc. Nhiều lúc tôi tưởng chừng như bế tắc khi sản phẩm làm ra không đạt, phải đổ đi đến 20 tấn hàng; có lúc không còn tiền để xoay xở, phải cầm cố nhà…" - bà chủ Ohuga nhớ lại.
Dịch COVID-19 là yếu tố mà vợ chồng chị Hà không lường trước được. Còn theo dự tính ban đầu của chị, dự án không quá rủi ro.
Từ "hẻm nhỏ" ra "đại lộ"
Ohuga khởi đầu khá thuận lợi khi hàng làm ra đã có khách chờ sẵn. Trong 2 năm 2019 - 2020, ống hút gạo Ohuga đã xuất khẩu sang Canada, Hàn Quốc, Ba Lan, Úc…, đem về cho công ty doanh thu hơn 17 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 6,5 tỉ đồng. Do sản phẩm phục vụ thị trường nước ngoài nên từ đầu, công ty đã đầu tư hệ thống quản lý chất lượng quốc tế và đạt các tiêu chuẩn ISO 22000, HACCP, FDA.
Cuối năm 2020, do ảnh hưởng dịch nên đơn hàng ống hút gạo - mặt hàng duy nhất Khánh Hà Food sản xuất - bị ngưng. Nguyên năm 2021, Ohuga không có doanh thu từ ống hút gạo. Từ cái khó ló cái khôn, chị Hà chuyển hướng sang sản xuất bún, phở khô - đều là sản phẩm từ bột gạo. Đây cũng là giai đoạn các nhà xuất khẩu Việt Nam rất căng thẳng trong việc tìm container rỗng đóng hàng, còn cước tàu biển thì tăng phi mã.
Trước bối cảnh trên, vợ chồng chị Hà nghĩ đến việc làm bún, phở sợi thẳng bằng công nghệ sản xuất sợi mì spaghetti (mì Ý). Nhờ vậy, 1 container 20 feet có thể đóng được 20 tấn bún, phở - gấp 3 lần sản phẩm sợi cong, khiến Ohuga có lợi thế trên thị trường dù giá bán cao hơn bún, phở sợi cong khoảng 8.000 đồng/kg.
"Nếu như không có dịch COVID-19, chắc chúng tôi chỉ sản xuất ống hút gạo. Là thị trường ngách, giờ công ty có thêm mảng bún, phở, thị trường lớn hơn nhiều. Giống như từ trong hẻm nhỏ bước ra đại lộ vậy" - bà chủ Ohuga ví von.
Theo thông tin tài chính của Ohuga, năm 2022, các đơn hàng ống hút gạo trở lại và mặt hàng bún, phở tiếp tục đón đơn hàng, giúp công ty ghi nhận doanh thu hơn 11,1 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 5,9 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm - con số mơ ước của nhiều doanh nghiệp. Xưởng sản xuất Ohuga tự động hóa cao nên công ty hiện chỉ có khoảng 10 nhân sự.
Chị Hà cho biết công ty đang chuẩn bị khởi công nhà máy mới tại tỉnh Bình Thuận trên diện tích 2 ha để mở rộng sản xuất, dự kiến có thể hoạt động vào cuối năm 2023. Theo kế hoạch, đầu năm 2024, Ohuga sẽ đẩy mạnh thương hiệu cho thị trường trong nước (hiện tại chủ yếu gia công) và phát triển thêm nhiều sản phẩm từ gạo như bún, phở tươi đông lạnh, các sản phẩm từ gạo hữu cơ.