Giá trị thị trường công nghệ châu Âu giảm khoảng 400 tỷ USD
20:33 15/12/2022
Sau sự phát triển bùng nổ của thị trường đầu tư trong năm 2021, đến năm nay, hơn 400 tỷ USD giá trị thị trường công nghệ châu Âu đã bốc hơi, khi mà các giao dịch đầu tư mạo hiểm hiện đang liên tục gặp khó khăn…
Nếu trong năm 2021, các công ty khởi nghiệp của châu Âu từng hưởng nguồn lợi khổng lồ từ đợt huy động vốn “điên cuồng” và tạo ra hơn 100 kỳ lân, thì trong năm nay, số lượng công ty khởi nghiệp công nghệ trị giá hơn 1 tỷ USD đã giảm xuống còn 31 công ty, theo báo cáo của công ty đầu tư mạo hiểm Atomico có trụ sở tại London. Đây được coi là mức thấp nhất kể từ năm 2017. Ngoài ra, Atomico cũng ước tính hơn 14.000 công nhân công nghệ châu Âu đã bị sa thải trong năm nay.
Theo Financial Times, xu hướng này đã phản ánh sự cảnh giác của các nhà đầu tư trước tình hình lạm phát cao, lãi suất tăng và chiến tranh ở Ukraine. Đồng thời, sự chậm lại của đầu tư trong năm nay cũng cho thấy tốc độ giao dịch điên cuồng trong năm ngoái sẽ phải mất một vài năm nữa mới lại đạt được.
Tom Wehmeier, đối tác và trưởng bộ phận nghiên cứu tại Atomico cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là thách thức vĩ mô này vẫn sẽ tồn tại cho đến năm 2023, sẽ không có chuyện các điều kiện mà chúng ta đã từng thấy vào cuối năm 2021 quay trở lại, ít nhất là trong một thời gian rất dài”.
MỘT SỐ THÀNH QUẢ NHẤT ĐỊNH CỦA THỊ TRƯỜNG CÔNG NGHỆ CHÂU ÂU
Kể từ năm 2015, báo cáo thường niên “Tình trạng Công nghệ Châu Âu” của Atomico liên tục cổ vũ sự phát triển của các công ty khởi nghiệp ở London, Paris, Berlin và Stockholm, khi khu vực này cuối cùng cũng đã thu hẹp khoảng cách tài trợ kéo dài hàng thập kỷ so với Thung lũng Silicon.
Atomico ước tính 85 tỷ USD đầu tư vào công nghệ châu Âu trong năm nay vẫn cao hơn gấp đôi so với tổng số vốn đầu tư của năm 2019 hoặc 2020. Mặc dù trong nửa cuối năm 2022, châu Âu đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh của các vòng gọi vốn với chỉ 37 vòng trị giá hơn 100 triệu USD, so với 133 vòng trong nửa đầu năm nay.
Bất chấp tình trạng hỗn loạn, một số giao dịch khởi nghiệp vẫn đang được thực hiện, chủ yếu ở lĩnh vực kinh doanh phần mềm thay vì đặt cược vào tiền điện tử hoặc thương mại điện tử.
Pigment có trụ sở tại Paris, công ty sản xuất phần mềm lập kế hoạch kinh doanh, đã huy động được 65 triệu USD vào tháng 9. Eléonore Crespo, nhà đồng sáng lập của Pigment cho biết: “Đó là điều kiện thị trường tốt cho chúng tôi. Mục tiêu của chúng tôi là giúp các công ty điều hướng sự không chắc chắn”.
Một nghiên cứu khác dựa trên phân tích của Dealroom được công bố vào tháng trước bởi Accel, đã phát hiện hơn 200 kỳ lân được VC hậu thuẫn ở châu Âu đã tạo thêm hơn 1.000 công ty khởi nghiệp mới, với cái mà họ gọi là “nhà máy sáng lập” chẳng hạn như Delivery Hero, Criteo và Klarna. Trong khi, nhiều cựu chiến binh VC đang phải vật lộn để xác định thời điểm cấp vốn tốt nhất cho các công ty khởi nghiệp, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và địa chính trị có nhiều biến động.
Nic Brisbourne, đối tác quản lý của Forward Partners có trụ sở tại London, cho biết: “Tôi đã tham gia thị trường này được 20 năm và thật khó để đoán được tình hình lúc này của các công ty. Tôi thực sự cảm thấy thiếu tự tin, nếu tôi bỏ tiền vào bây giờ, liệu công ty đó có thể huy động lại tiền trong 12-18 tháng tới không?”. Các nhà đầu tư nói rằng vấn đề của họ nằm ở sự tự tin, chứ không phải vốn.
Atomico ước tính vẫn còn khoảng 80 tỷ USD tiền mặt có sẵn ở châu Âu: vốn đầu tư mạo hiểm được huy động trong những năm bùng nổ vẫn chưa được các nhà đầu tư triển khai.
Tại một sự kiện gần đây ở London do Accel tổ chức dành cho các nhà đầu tư và khởi nghiệp fintech, Eric Boyle, đối tác của công ty tư vấn công nghệ Qatalyst Partners, cho biết ông dự đoán hoạt động giao dịch sẽ giảm trong một thời gian, đặc biệt là khi thị trường đại chúng đóng cửa hiệu quả. Nếu trong năm ngoái, tại Mỹ và châu Âu có đến 86 đợt IPO đạt mức định giá hơn 1 tỷ USD, thì trong năm nay chỉ còn ba đợt đạt định giá này.
VẤN ĐỀ KHÔNG NẰM Ở BÀI TOÁN VỀ VỐN MÀ Ở NIỀM TIN CỦA CÁC NHÀ ĐẦU TƯ
Boyle nói: “Đã có một vài người hỏi chúng tôi khi nào cánh cửa IPO mở lại. Chúng tôi thậm chí không nghĩ về nó. Câu trả lời sẽ không sớm đâu”. Boyle đề xuất thêm, đối với một công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính, việc huy động vốn ngay bây giờ có thể đồng nghĩa với việc chấp nhận mức định giá chỉ gấp 10 lần doanh thu của 12 tháng tới, trong khi các nhà đầu tư đã trả gấp 40-50 lần vào năm ngoái.
Sự mở rộng của các nhà đầu tư công nghệ Hoa Kỳ như Sequoia, Lightspeed và General Catalyst vào châu Âu trong vài năm đã làm trầm trọng thêm “nỗi sợ bị bỏ lỡ” của các VC địa phương, ngay cả khi điều đó được coi là đang ca ngợi sự trưởng thành về công nghệ của khu vực.
Tuy nhiên, một số công ty Mỹ đang rút lui, đặc biệt là những quỹ được gọi là quỹ “chéo” như Tiger Global và Insight Partners, vì lo ngại suy thoái kinh tế có thể kéo dài ở châu Âu hơn là ở Mỹ. Cụ thể, số lượng nhà đầu tư Hoa Kỳ tham gia vào các giao dịch trị giá hơn 100 triệu USD ở châu Âu đã giảm 22% trong năm nay xuống còn 122, sau khi tăng từ 48 giao dịch (năm 2020) lên 157 giao dịch (năm 2021).
Sau thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, các doanh nhân công nghệ của châu Âu đang phải đối mặt với nhiều hoài nghi của các nhà đầu tư và thời gian giao dịch cũng dài hơn.
Jan Hammer, đối tác của Index Ventures, một trong những công ty mạo hiểm lớn nhất châu Âu, đã huy động được một quỹ hạt giống mới trị giá 300 triệu USD vào tháng trước, cho biết: “Hai năm qua thực sự là một khoảng thời gian khác thường. Thị trường đã bị cuốn đi”.