HSBC: Xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhẹ
14:59 07/12/2022
Xuất khẩu của Việt Nam đã bị ảnh hưởng không nhẹ khi thương mại toàn cầu chậm lại nhưng kinh tế vẫn có điểm sáng về nhu cầu nội địa, theo HSBC.
Báo cáo kinh tế mới nhất của HSBC cho rằng ngành xuất khẩu của Việt Nam đã đến lúc cần chuẩn bị cho một đoạn đường không mấy bằng phẳng sắp tới.
Xuất khẩu tháng 11 giảm 7,4% so với cùng kỳ 2021 (cao hơn nhiều so với dự báo của HSBC và thị trường: HSBC: -2,3%; BBG: -2,3%). Đây cũng là tháng đầu tiên chứng kiến mức sụt giảm đáng kể trong vòng hai năm, với suy giảm ở tất cả lĩnh vực.
Theo các chuyên gia HSBC, Việt Nam đã thâm nhập sâu vào hệ sinh thái sản xuất toàn cầu nên khó tránh khỏi những tác động khi thương mại toàn cầu chậm lại, nói cách khác, giai đoạn "chững lại" đã tới. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) thế giới đã liên tục giảm từ tháng 5/2021 và đi sâu vào vùng thu hẹp sản xuất từ tháng 9 năm nay (tức dưới mốc 50 điểm) với số lượng đơn hàng mới sụt giảm. Kết quả, Việt Nam thuộc diện "đứng mũi chịu sào" xét về mức độ bị tác động. Kể từ tháng 9, hơn 630.000 công nhân bị ảnh hưởng do đơn hàng nước ngoài giảm sút, với khoảng 90% phải giảm giờ làm.
HSBC cho rằng nguyên nhân chính đến từ lĩnh vực điện tử - vốn chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đơn hàng điện tử mới trên thế giới đã bắt đầu giảm mạnh từ nửa cuối năm nay. Tác động xảy ra trên diện rộng tại ba điểm đến chính của xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.
Trong khi đó, các lĩnh vực xuất khẩu khác của Việt Nam có xu hướng bị ảnh hưởng bởi suy thoái ở Mỹ. Ví dụ, thị trường nhà ở nước này đang bắt đầu chững lại do lãi suất tăng đã dẫn tới sự suy giảm đáng kể trong xuất khẩu sản phẩm gỗ.
Các mặt hàng truyền thống như dệt may và da giày cũng bắt đầu đi xuống. Hai lĩnh vực này vẫn hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng xuất khẩu trong quý III, nhưng chủ yếu do hiệu ứng cơ sở so sánh thấp của năm ngoái.
"Trong bối cảnh lạm phát cao và tiêu dùng dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ ở các nước phương Tây, chúng tôi dự báo Việt Nam sẽ còn chứng kiến tình hình sụt giảm trong lĩnh vực này", HSBC nhận định.
Bất chấp những khó khăn bên ngoài, HSBC chỉ ra điểm sáng về nhu cầu nội địa bùng nổ đã và đang hỗ trợ tăng trưởng. Doanh thu bán lẻ tiếp tục cho thấy kết quả tích cực của việc mở cửa trở lại, tháng 11 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Dù có những dấu hiệu sơ khởi cho thấy một chút chững lại, tăng trưởng nhiều khả năng sẽ duy trì vững vàng khi thị trường lao động tiếp tục cải thiện, theo HSBC.
Việt Nam đón khoảng 600.000 khách du lịch trong tháng 11, đưa tổng số du khách lên gần 3 triệu (16% của mức năm 2019). Dù vắng bóng khách Trung Quốc, Việt Nam đã chủ động khai thác những thị trường mới như Ấn Độ.
Theo Tổng Cục Du lịch Việt Nam, khách Ấn Độ chiếm khoảng 4% tổng du khách đến Việt Nam năm nay, tính đến thời điểm hiện tại. "Mặc dù quy mô chưa lớn, chúng tôi cho rằng việc mở rộng sang các thị trường mới ít nhất cũng sẽ mang lại sự hỗ trợ cần thiết", báo cáo nhận định.
Tuy nhiên, HSBC cũng cảnh báo lạm phát đang là vấn đề cần lưu tâm. Lạm phát toàn phần trong tháng 11 tăng 4,4% so với cùng kỳ 2021. Trong khi, lạm phát cơ bản gần đạt mức 5%, cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của nhu cầu nội địa.
Khác với các nước láng giềng, Việt Nam đang gặp tình trạng thiếu năng lượng, tạo áp lực tăng lạm phát toàn phần. Cộng thêm hiệu ứng cơ sở không thuận lợi, HSBC dự báo áp lực lạm phát sẽ còn tăng trong vài quý tới, khiến Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng phải tiếp tục có những biện pháp tiền tệ để "hãm phanh".