Biến động khó lường, không cẩn thận sẽ lấy giá cao bán giá thấp
Một thương nhân phân phối khác cho rằng, với phương pháp tính giá bình quân hiện nay cùng tình trạng giảm giá liên tiếp, nhiều doanh nghiệp thua lỗ là đương nhiên. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp đầu mối thì cũng nên chấp nhận, san sẻ với hệ thống phân phối, bán lẻ. Bởi tính chung cả năm, rất nhiều đầu mối lãi lớn ở những thời điểm giá tăng liên tục.
Lý giải thêm về chuyện nguồn cung hiện nay, vị này cho biết, các doanh nghiệp đầu mối sẽ ưu tiên cấp hàng cho đơn vị trong hệ thống. Việc bán cho một số doanh nghiệp phân phối sẽ không được ưu tiên bởi các đơn vị này "lúc nhập hàng chỗ này, lúc nhập hàng chỗ khác".
"Bản thân chúng tôi cũng vậy. Là đơn vị trung gian, chúng tôi buộc phải lấy nhiều nơi. Ở thời điểm thị trường ổn định, nếu có đơn vị chiết khấu cao hơn, chúng tôi phải chuyển sang lấy ở đó để đảm bảo mức độ cạnh tranh, không thì cũng không bán được hàng", vị thương nhân phân phối chia sẻ.
"Cơ bản cũng không đến mức không có hàng bán. Vẫn có hàng, nhưng chiết khấu thấp, không ai mặn mà. Với xu hướng giảm giá, đã chiết khấu bằng 0 mà giảm giá lại còn đống hàng tồn thì chết nữa. Điều hành vẫn còn cứng nhắc lắm", vị thương nhân phân phối tiếp tục nhận xét.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu cũng than thở, thị trường hiện nay khó dự đoán nên việc kinh doanh khó khăn. Ở thời điểm trước, chỉ cần có đủ dữ liệu, theo sát mức tăng giảm trên thị trường thế giới cùng với một số tính toán, nhiều doanh nghiệp đưa ra mức dự báo rất sát với giá Liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Còn thời điểm hiện nay, thị trường thế giới thay đổi nhanh. Chu kỳ điều chỉnh là 10 ngày thay vì 15 ngày như trước đây, song đầu kỳ dự báo là âm mà chỉ sau vài phiên lại biến động ngược chiều. Nhiều doanh nghiệp lúng túng không biết khuyến cáo khách hàng trong hệ thống của mình lấy hàng như thế nào vì biến động quá nhanh. Nếu dự báo, tính toán sai, không điều tiết được nguồn hàng thì họ sẽ chịu lỗ lớn.
Thực tế, với những doanh nghiệp bán lẻ nhỏ, lượng bán không đều, nếu không tính toán được sát sẽ rơi vào tình trạng lỗ liên tục vì lấy giá cao rồi còn hàng tồn phải bán giá thấp. Việc điều chỉnh với thời gian 10 ngày một lần có những điểm tích cực, những cũng có những khó khăn vì nhanh hơn nên có thể chưa bán hết hàng.
Theo một số chuyên gia kinh tế, ở những thời điểm giá xăng dầu trên thị trường thế giới có biến động mạnh theo chiều hướng tăng thì Việt Nam thường hay xảy ra hiện tượng khan hiếm, đầu cơ găm giữ hàng. Cơ chế điều hành giá xăng dầu của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng hiện nay vẫn tập trung và theo kỳ điều chỉnh ba lần trong một tháng, chuyên gia chỉ ra bất cập.
Trong khi đó, lúc thị trường đi xuống liên tiếp về giá thì cũng xảy ra những bất cập trong vấn đề nguồn cung, chiết khấu, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của một bộ phận các doanh nghiệp.
Trong báo cáo tình hình 7 tháng đầu năm nay, Bộ Công Thương cho biết, thị trường xăng dầu trong nước thời gian qua có nhiều biến động. Nguồn cung trong nước chịu ảnh hưởng từ việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất sản xuất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết.
Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong 6 tháng cuối năm là: Quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).
Theo báo Dân Trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-xang-dau-lai-than-chan-khong-muon-ban-20220820204358421.htm