Thị trường hàng hóa "đỏ lửa", giá dầu thế giới lao dốc mạnh
16:42 31/08/2022
Kết thúc ngày giao dịch 30/8, lực bán áp đảo khiến giá của toàn bộ 29 trong tổng số 31 mặt hàng được giao dịch liên thông thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đều ghi nhận đà suy yếu so phiên trước đó. Chỉ số MXV-Index của cả 4 nhóm nguyên liệu đồng loạt kết thúc với mức điểm thấp hơn, kéo chỉ số MXV-Index chung trên toàn Sở quay đầu giảm mạnh 3,07% xuống mức 2.644, 52 điểm.
Năng lượng và kim loại là hai nhóm dẫn dắt xu hướng giảm trên thị trường hàng hóa trước triển vọng tiêu cực về tăng trưởng kinh tế làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ trên thế giới. Trong đó, giá xăng dầu đã lao dốc khoảng hơn 5%. Tuy nhiên, tính chất giao dịch hai chiều đã giúp các nhà đầu tư tăng cường nắm giữ vị thế mới. Giá trị giao dịch trên Sở trong phiên hôm qua tăng lên mức gần 4.700 tỷ đồng.
Kim loại quý đối diện với sức ép vĩ mô gia tăng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/8, chì LME là mặt hàng duy nhất kết thúc trong sắc xanh trên thị trường kim loại.
Đối với nhóm kim loại quý, bạc và bạch kim đều ghi nhận phiên suy yếu thứ 3 liên tiếp với mức giảm lần lượt là 2,14% xuống 18,15 USD/ounce và 2,6% xuống còn 832,1 USD/ounce.
Vào tối qua, dữ liệu kinh tế mới nhất của Mỹ cho thấy nhu cầu lao động chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi số cơ hội việc làm tăng gần 200.000 lên mức 11,239 triệu trong tháng Bảy. Bức tranh về một thị trường lao động chặt chẽ đã gây thất vọng đối với chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), trong nỗ lực hạ nhiệt nhu cầu, qua đó làm giảm lạm phát. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng FED sẽ có nhiều không gian hơn trong tiến trình tăng lãi suất tại kỳ họp tới.
Thêm vào đó, tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương Hungary vừa tăng mức lãi suất thêm 100 điểm cơ bản, và mức lạm phát cao nhất trong vòng 50 năm tại Đức trong tháng 8 cũng đang làm dấy lên lo ngại về các biện pháp mạnh tay thắt chặt trong tương lai. Các thông tin vĩ mô này đều đang gây sức ép và khiến giá bạc và bạch kim lao dốc, do lo ngại về suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 1,85% xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần, kết phiên tại 3,54 USD/pound. Trong khi đó, giá quặng sắt lao dốc 4,4% và đánh mất mốc 100 USD/tấn trong phiên hôm qua. Các kim loại cơ bản khác như: nhôm, thiếc, kẽm trên Sở LME cũng đều giảm mạnh trong phiên. Vào hôm qua, chợ điện tử lớn nhất thế giới, Huaqiangbei tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến, Trung Quốc đã phải đóng cửa đến ngày 2/9 trong một nỗ lực dập tắt các ca nhiễm Covid-19 bùng phát. Thông tin này đã gây sức ép bán lớn đối với các mặt hàng kim loại cơ bản.
Giá dầu giảm mạnh, thị trường dần hình thành khoảng giao dịch rộng
Giá dầu giảm mạnh trở lại trong phiên giao dịch hôm qua, chấm dứt chuỗi tăng kéo dài trong vòng 2 tuần. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 5,54% xuống 91,64 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 4,95% xuống 97,84 USD/thùng.
Xuất khẩu dầu thô của Iraq vẫn đang duy trì bất chấp rủi ro các cuộc biểu tình xảy ra một lần nữa. Thậm chí, Iraq còn cho biết có thể tăng khối lượng xuất khẩu sang châu Âu nếu cần thiết. Kết hợp với nguồn cung gia tăng từ phía Iraq, công ty dầu khí Nga Gazprom Neft thông báo họ có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng dầu từ mỏ Zhagrin tại Tây Siberia lên thêm 110.000 thùng/ngày. Thông tin này đã khiến cho lực bán gia tăng mạnh trên thị trường dầu thô.
Trong phiên, giá dầu cũng chịu thêm áp lực từ diễn biến từ thị trường khí tự nhiên. Trong cuộc họp mới đây, Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ đang lập kế hoạch khẩn cấp để can thiệp vào thị trường nhằm giảm giá năng lượng. Hiện tại, giá khí tại châu Âu đã tăng cao gấp 12 lần so đầu năm, và khiến cho một số nhà sản xuất điện cân nhắc sử dụng một số nhiên liệu thay thế, ví dụ như dầu. Nếu kế hoạch này thành công, giá các loại năng lượng sẽ gặp áp lực. Hiện tại, giá xăng RBOB tương lai đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày 18/2, trước khi căng thẳng Nga-Ukraine diễn ra.
Giá xăng dầu nội địa nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ
Mặc dù giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên hôm qua, tuy nhiên, xu hướng tăng từ giữa tháng 8 cùng với điều chỉnh giá nội địa có độ trễ, giá xăng dầu trong nước có thể sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ trong thời gian tới.
Khoảng giữa tháng 8 cho tới nay, giá cước vận tải đối với cả đường bộ, đường sắt, và hàng không đều cho thấy xu hướng giảm sau khi giá xăng dầu liên tục giảm kể từ đầu tháng 7. Điển hình như đường sắt, cước vận tải hàng hóa đã giảm 5%. Điều này mang lại sự lạc quan cho người tiêu dùng, khi triển vọng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ hạ nhiệt so giai đoạn trước.
Tuy nhiên, theo MXV, mặc dù tổng nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, nhưng việc giá dầu trên thế giới bắt đầu tăng trở lại kể từ giữa tháng 8 đang làm dấy lên lo ngại rằng, giá xăng dầu nội địa sẽ tăng nhẹ trong kỳ điều chỉnh dự kiến vào ngày 5/9 của Liên Bộ Công thương-Tài chính. Trên thực tế, giá xăng nhập khẩu cũng đang cao hơn giá bán trong nước khoảng 400-600 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel đắt hơn khoảng 2.000 đồng/lít.
Như vậy, sau đợt giữ nguyên giá vào kỳ điều chỉnh ngày 21/8, nhiều khả năng chuỗi giảm 5 lần liên tiếp của giá xăng dầu nội địa sẽ bị cắt đứt nhằm hạn chế những khó khăn cho các thương nhân trong nước. Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng có thể sớm quay trở lại với áp lực giá cả hàng hóa gia tăng khi chi phí sản xuất và vận tải được điều chỉnh theo xu hướng tăng của giá xăng dầu.