Friday, 03/01/2025

Doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến việc đầu tư ra nước ngoài

19:01 12/11/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Đó là nhận định của ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc VCCI HCM tại Hội thảo “Tìm kiếm cơ hội Xúc tiến Thương mại và Đầu tư các nước vùng Caribe và EU” mới đây.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM (VCCI HCM) cho biết, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế của thế giới, từ khi khối Đông Âu sụp đổ, Việt Nam đã rất nhanh chóng để trở thành thành viên của ASEAN, kế đến là APEC. Tiếp theo nữa là một dấu mốc quan trọng, đó là trở thành thành viên của WTO vào năm 2007.

Ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc VCCI HCM phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Đình Đại.

Ông Nam cho rằng, trong qúa trình hội nhập với nền kinh tế thế giới đến nay, Việt Nam cũng đã rất nỗ lực, cố gắng để đa dạng hóa các thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi tất cả 15 hiệp định thương mại tự do với 54 quốc gia đối tác.

“Đây là một cơ hội mà rất ít nước trên thế giới có được. Chúng ta có thể tiếp cận được với 59% dân số và 62% GDP của thế giới, rất ít nước trên thế giới có được như Việt Nam. Đây là một cơ hội, là đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và đặc biệt là sự hội nhập này đã thúc đẩy quan hệ thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các cái đối tác có FTA”, Phó Giám đốc VCCI HCM Nguyễn Hữu Nam đánh giá.

Từ đó, các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư nước ngoài đang có nhiều cơ hội đầu tư vào Việt Nam, nhằm tận dụng những cơ hội, những ưu đãi về thuế quan theo các FTA. Tính đến ngày 20/5/2022, Việt Nam đã thu hút được tổng cộng 34.989 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký là 426 tỷ USD và lũy kế đến thời điểm hiện nay, tổng số vốn đã thực hiện và đi vào hoạt động là 259 tỷ USD.

Theo ông Nam, tổng số các dự án đầu tư này tập trung vào các nhà đầu tư của 139 quốc gia. Từ đó, ông cho rằng, việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện nay là rất lớn, tạo ra cho Việt Nam một nền kinh tế mở cực lớn, đồng thời cũng lệ thuộc rất lớn vào việc sản xuất cũng như xuất khẩu của các nhà đầu tư nước ngoài.

“Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2021 đạt 336 tỷ USD và trên 70%  kim ngạch xuất khẩu đó tập trung vào các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta thấy đây là một nền kinh tế có độ mở cực cao và chúng ta vẫn tiếp tục tham gia nhiều hiệp định thương mại khác nhằm thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, để thu hút được nhiều hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, ông Nguyễn Hữu Nam chia sẻ.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ông Nam đánh giá, việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự được quan tâm nhiều. Tính đến tháng 9/2022, Việt Nam đã đầu tư 1.584 dự án đầu tư ra nước ngoài, tại 24 quốc gia., với tổng vốn đầu tư là 21,6 tỷ USD. Tập trung vào các ngành nghề như: ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo, khai khoáng, viễn thông, ngân hàng và tài chính.

Ông Nam cho rằng, khi các doanh nghiệp đủ lớn, thì ngoài việc tận dụng các cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng sẽ tìm kiếm các cơ hội đầu tư ra nước ngoài theo xu hướng ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, khi đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn vướng rất nhiều vấn đề liên quan đến các quy định, thủ tục của các nước sở tại.

“Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư đến các nước như: Lào, các nước Đông Âu, Mỹ…Nhưng, tại vùng Caribe, hay  châu Âu, bao gồm Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Tây Ban Nha, thì chúng ta vẫn còn thiếu thông tin tương đối nhiều. Để giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các khu vực trên, Hội thảo này sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư có được những thông tin bổ ích, thiết thực và cụ thể đối với các thị trường này, nhằm giúp kế hoạch đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư được thành công”, Phó Giám đốc VCCI HCM chia sẻ thêm.

Bà Natalie Fridlender – Giám Đốc Tập đoàn quốc tế Global Citi-Zen - Ảnh: Đình Đại.

Theo bà Natalie Fridlender – Giám đốc Tập đoàn quốc tế Global Citi-Zen, vùng Caribe có 5 quốc gia, với 45 triệu dân. Nền kinh tế chủ chốt của vùng Caribe là du lịch, tài chính và nông nghiệp. Điều đặc biệt của vùng này là họ không phát triển các ngành công nghiệp nặng, cũng như những nền kinh tế quá mạnh mẽ. Họ chỉ tập trung phát triển các ngành du lịch, tài chính và nộng nghiệp.

Củng theo bà Natalie Fridlender, vùng Caribe có mối quan hệ rất tốt với tổ chức thương mại thế giới - WTO. Bởi họ thuộc khối thịnh vượng Anh, cũng như mối quan hệ giao thương với châu Âu. Một trong những lợi thế của vùng Caribe là Hiệp định Vương quốc Anh. Đây là một khối bao gồm các quốc gia từng là thuộc địa của Vương quốc Anh. Do đó, họ sẽ nhận được tất cả sự hỗ trợ từ Vương quốc Anh về thuế cũng như các mối quan hệ để giao dịch thương mại với châu Âu.

"Khi Caribe xuất khẩu các mặt hàng của họ tới Anh hay các quốc gia trên thế giới dựa trên các Hiệp định thương mại đã ký vì họ là những quốc gia được ưu đãi đặc biệt. Mặc dù họ chỉ là những quốc gia đang phát triển, nhưng họ có những lợi thế cũng như những chiến lược để phát triển rất hợp lý. Hiện nay, ngành du lịch của Caribe đã hồi phục hoàn toàn sau đại dịch, với sự mở cửa hoạt động bình thường của các resort, khách sạn cũng như các chuyến bay quốc tế đã được mở với tần suất liên tục", bà Natalie Fridlender chia sẻ.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

https://diendandoanhnghiep.vn/doanh-nghiep-viet-nam-chua-quan-tam-nhieu-den-viec-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-234150.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke