Friday, 22/11/2024

Doanh nghiệp xuất khẩu chịu ảnh hưởng của biến động tỷ giá

20:29 11/11/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Biến động tỷ giá đã tác động nhiều chiều đến hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp ở Nghệ An.

Giao dịch ngoại tệ tại Hội sở Ngân hàng TMCP Bảo Việt. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng xấu khi tỷ giá USD tăng là doanh nghiệp nhập khẩu, chủ yếu các doanh nghiệp FDI. Tại các khu công nghiệp VSIP, WHA, nhiều doanh nghiệp mới thu hút đầu tư đang trong giai đoạn nhập khẩu máy móc thiết bị, linh kiện cho sản xuất gặp nhiều khó khăn bởi biến động tỷ giá.

Chị Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kế toán - Xuất nhập khẩu Công ty TNHH may mặc Nakano Việt Nam (Khu công nghiệp WHA Nghệ An) cho biết, doanh nghiệp có 100% vốn Nhật Bản đang đầu tư nhà máy may công suất 6 triệu sản phẩm/năm. Thời gian vừa qua, công ty đang tập trung lắp đặt dây chuyền thiết bị để chuẩn bị đi vào hoạt động nhưng gặp biến động về tỷ giá.

Cụ thể, máy móc thiết bị được nhập về đầu năm khi giá USD, đồng Yen chưa biến động. Tuy nhiên, đến thời điểm này tất cả chi phí đầu tư, thuế VAT, thuế nhập khẩu liên quan đến ngoại tệ khiến chi phí đội lên.

Trái với nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo - nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh (trung bình khoảng 75,6%) đang chủ yếu là gia công lắp ráp, phải nhập phần lớn linh kiện, phụ thuộc nguyên liệu đầu vào bị ảnh hưởng bởi giá nhập khẩu tăng lên thì với xuất khẩu nông sản, thủy sản, thủ công mỹ nghệ... sử dụng nguyên liệu trong nước lại được hưởng lợi. 

Công ty Công ty TNNH Đức Phong - chuyên sản xuất mây tre đan xuất khẩu thời điểm này vẫn đều đặn nhận và xuất hàng. Ông Thái Đại Phong - Giám đốc công ty cho hay, thời gian qua, đồng USD tăng thì doanh nghiệp xuất khẩu có lợi. Tỷ giá USD càng cao doanh nghiệp càng có lợi. Khó khăn nhất mà công ty gặp phải là hiện lãi suất ngân hàng quá cao.

Ông Phong phân tích, dù đồng USD tăng giá khiến doanh thu xuất khẩu khi được quy đổi sang đồng Việt Nam sẽ tăng, giúp doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi. Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp khi sản xuất phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu, giá USD tăng khiến doanh thu bị bội chi về phí nhập khẩu, phí vận tải (logistics) và phải gánh khoản chênh lệch tỷ giá rất lớn nếu vay nợ bằng USD.

Việc đồng USD tăng đang có lợi cho xuất khẩu sang Hoa Kỳ và những thị trường sử dụng đồng USD như Trung Quốc, ASEAN các doanh nghiệp xuất khẩu bằng đồng USD vẫn đang có lợi, chỉ một số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vào thị trường sử dụng đồng Euro và Yen... bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Sở Công Thương cho rằng, việc đồng USD đang tăng giá trong thời gian qua khiến doanh nghiệp “nửa mừng nửa lo”. Với tỷ giá như hiện nay thì hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng tùy theo từng thị trường, từng nhóm mặt hàng.

Tỷ giá USD tăng sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là lĩnh vực nông sản, thuỷ sản... Lo ngại đặt ra đối với những doanh nghiệp nhập khẩu hàng tiêu dùng để tiêu thụ trong nước; các đơn vị nhập khẩu nguyên phụ liệu, giá USD tăng khiến phí nhập khẩu, phí vận tải tăng. Hơn nữa, tình hình lạm phát ở các thị trường chủ lực của Việt Nam là Mỹ, châu Âu… tăng cao khiến sức mua giảm sút, tác động không nhỏ tới tình hình đơn hàng của doanh nghiệp - ông Tuấn cho biết thêm.
 
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, hiện nay dư nợ bằng ngoại tệ ở địa phương này chiếm 2% trong tổng dư nợ với 5.067 tỷ đồng. Nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng kịp thời, đầy đủ.

Khuyến cáo từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cũng nêu rõ, để đối phó với biến động tỷ giá bất lợi hiện nay, các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh và thích ứng khi thời điểm này là quý cuối cùng trong năm, nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp thường tăng cao hơn để nhập nguyên liệu và tăng đơn sản xuất.  

Doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu cần quan tâm theo dõi biến động, cập nhật về tình hình lạm phát, lãi suất, dịch bệnh và xung đột... Điều này rất quan trọng bởi từ những dữ liệu ấy có thể giúp doanh nghiệp điều chỉnh tốt hơn, lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu ít bị biến động nhất. Đồng thời, đa dạng hóa phương thức thanh toán, kết hợp với các đơn vị có uy tín để tránh gặp bất lợi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhập khẩu cũng cần đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, nhất là tìm kiếm sản phẩm nội địa, giảm bớt chi phí từ nhập khẩu.

Một giải pháp nữa là tăng cường bán hàng tại thị trường trong nước - đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng chia sẻ. Sau những khó khăn từ thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến thị trường nội địa, tập trung qua các kênh bán hàng như chợ truyền thống cũng như siêu thị bán lẻ...

Ông Cao Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cũng nhận định, trước tình hình khó lường như hiện nay, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nên đa dạng hoá thị trường kể cả xuất khẩu và nhập khẩu, đa dạng hoá đồng tiền thanh toán trong hợp đồng ngoại thương; khuyến khích doanh nghiệp tận dụng tối đa nguồn cung nguyên liệu trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, tận dụng tối đa lợi thế các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để tạo lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu.

“Các doanh nghiệp cần tạo sự khác biệt cho sản phẩm. Đặc biệt, công ty nhập khẩu cần tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm đối tác thay thế từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường nhập khẩu sẽ giúp giảm bớt chi phí, hạn chế rủi ro khi thị trường thế giới biến động”, ông Tú khẳng định.

Thực tế, để đạt chỉ tiêu kế hoạch kim ngạch xuất khẩu đạt 2,35 tỷ USD trong năm 2022 cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó với biến động tỷ giá, ngành công thương Nghệ An đưa ra 5 nhóm giải pháp gồm tạo nguồn hàng xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất khẩu và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, các ngành liên quan như thuế, hải quan, giao thông vận tải… cần phối hợp, tạo điều kiện để việc sản xuất, lưu thông phân phối hàng hóa nội địa cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài thuận lợi. Ngành thuế hướng dẫn doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu nhiều hình thức thanh toán cũng như có khuyến cáo về biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi giao kết hợp đồng. Nhờ đó, hạn chế phần nào ảnh hưởng của biến động tỷ giá, ổn định hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo Tin tức

https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-xuat-khau-chiu-anh-huong-cua-bien-dong-ty-gia-20221111162829055.htm

Chia sẻ bài viết

Thong ke