Điện Biên chủ động các phương án phòng chống thiên tai
08:34 23/06/2023
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên tình hình thiên tai, sự cố diễn biến bất thường, xảy ra không theo quy luật, rất phức tạp và ngày càng cực đoan trước sự tác động của biến đổi khí hậu, gây nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Do đó tỉnh Điện Biên chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong năm 2022 thiên tai đã làm 9 người chết, 4 người bị thương, gần 700 ngôi nhà và trên 1.400 ha nông nghiệp bị thiệt hại; gần 1.500 con gia súc, gia cầm bị chết. Về thủy lợi: trên 35.500 m3 đất đá sạt lở vùi lấp kênh; gần 5.200m kênh bị sạt gãy, vùi lấp hư hỏng…Ước thiệt hại khoảng gần 193 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023 tỉnh Điện Biên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai rét đậm, rét hại, mưa đá, gió lốc, sét, hạn hán gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân trên địa bàn các huyện Tủa Chùa, Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ làm 185 nhà bị tốc mái, trên 45 ha lúa bị hạn hán, mưa đá, gần 1.490 ha ngô, rau màu bị mưa đá, gió lốc… ước tổng thiệt hại khoảng 5,2 tỷ đồng. Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các hình thái thiên tai trên địa bàn tỉnh Điện Biên xuất hiện ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp. Điều đó yêu cầu các địa phương phải xây dựng các giải pháp chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngày 07/4/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành Chỉ thị số 1194/CT-UBND về việc phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, chính quyền cấp huyện, các tổ chức kinh tế xã hội, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn kiện toàn, phân công nhiệm vụ các thành viên ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; rà soát, xây dựng, cập nhật, bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai. Từ đó hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động tham gia phòng chống thiên tai của đại đa số người dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai.
Đồng thời, để ứng phó với thiên tai tỉnh Điện Biên chuẩn bị sẵn sàng các phương án, nguồn lực nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại, khắc phục tình trạng thiên tai triển khai tốt những việc làm thiết thực, chủ động nắm bắt nguy cơ xuất hiện thiên tai để có các bước đối phó thích hợp. Các biện pháp phòng chống thiên tai (PCTT) ở Điện Biên phải là biện pháp tổng hợp, liên kết với nhau, cần được xây dựng dựa trên điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và tình hình thiên tai hằng năm. Việc xây dựng và áp dụng các biện pháp PCTT phải đảm bảo tính chủ động và nâng cao hiệu quả giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, tiến tới hạn chế những nguyên nhân phát sinh thiên tai, giảm mức độ nguy hiểm của thiên tai.
Đặc biệt, lực lượng phòng, chống thiên tai tại các cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc nắm bắt tình hình; xác định những đối tượng chịu ảnh hưởng; vấn đề khắc phục hậu quả thiên tai; khu vực dễ bị chia cắt... Do đó, cần thường xuyên tăng cường kiến thức, kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, tránh, ứng phó thiên tai. Kiểm tra công tác chuẩn bị thực hiện kế hoạch PCTT – TKCN trước mùa mưa, lũ tại các đơn vị, địa phương. Tổ chức rà soát, kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt ảnh hưởng trực tiếp đến dân cư để chủ động tổ chức di dời, sơ tán. Với sự tích cực, chủ động trong công tác PCTT - TKCN sẽ góp phần hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.