Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh Hưng Yên hiện phát sinh gần 100 nghìn mét khối nước thải sinh hoạt/ngày đêm. Phần lớn lượng nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình trong tỉnh chưa được thu gom, xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường đang là một trong những tác nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước mặt.
Nước thải sinh hoạt ở nông thôn gồm nhiều nguồn: sinh hoạt của hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cơ sở chăn nuôi, các làng nghề... thành phần phức tạp và phân tán nên khó thu gom xử lý. Phần lớn nước thải phát sinh từ hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ mới xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại, hố ga, sau đó để ngấm xuống đất hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có một số mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn quy mô nhỏ được xây dựng và vận hành, như: mô hình xử lý nước thải sinh hoạt Johkasou công nghệ Nhật Bản tại các huyện Văn Lâm và Văn Giang; mô hình xử lý nước thải sinh hoạt cụm hộ gia đình tại các huyện Kim Động và Tiên Lữ.
Mô hình xử lý nước thải sinh hoạt theo công nghệ Johkasou của Nhật Bản đã được lắp đặt thử nghiệm tại Khu đô thị Ecopark, huyện Văn Giang và Trường mầm non xã Đình Dù, huyện Văn Lâm có công suất cỡ nhỏ từ 1,5 đến 6m3/ngày-đêm và cỡ lớn 240m3/ngày-đêm đang vận hành xử lý nước thải sinh hoạt với hiệu quả tốt.
Tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên mô hình xử lý nước thải quy mô cụm hộ gia đình, công suất khoảng 50m3/ngày-đêm, được thiết lập trên cơ sở xây dựng hệ thống gom nước thải từ hệ thống thải của các hộ gia đình trong khu dân cư vào hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Qua các bước từ lắng, lọc, hóa sinh, vi sinh... nước thải sau khi xử lý quan sát bằng mắt thường thấy trong sạch, không có mùi khó chịu. Kết quả xét nghiệm định kỳ của Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên, nước thải sau khi xử lý đều đạt tiêu chuẩn để thải ra môi trường.
Huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên đang triển khai xây dựng một số công trình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn quy mô khu dân cư. Những công trình đầu tiên được hoàn thành đã đem đến những tín hiệu vui về cải thiện môi trường khu vực nông thôn. Điển hình công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn ở thôn An Nhuế, xã Đình Cao đã thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt của khu dân cư trong thôn làm cho hệ thống cống rãnh không còn tồn đọng nước thải, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện, ý thức về bảo vệ môi trường của người dân trong thôn được nâng cao.
Nhằm nâng cao hiệu quả của việc thu gom và xử lý nước xả thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn, ngày 19/1/2023, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 175/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Mục tiêu của đề án là giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên, tạo cảnh quan môi trường sống, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Theo đó, tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2030 có 25% số điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% lượng nước thải sinh hoạt được xử lý; đến năm 2045 có 50% số điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% lượng nước thải sinh hoạt được xử lý.
Tỉnh ưu tiên áp dụng công nghệ sinh học, hiện đại và chi phí thấp, các mô hình đã được thử nghiệm thành công như: Bể kỵ khí, Johkasou, mương oxy hóa, hồ sinh học...
Giám đốc Công ty nước sạch Ngọc Tuấn, Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: "Các doanh nghiệp cung cấp nước sạch đã được phổ biến, tham gia thảo luận về Đề án “Thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tôi thấy đề án có nhiều điểm mới, tiến bộ, nhất là việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cấp nước sạch tham gia vào việc đầu tư, quản lý vận hành hệ thống xử lý nước thải đã tạo được sự quan tâm, đồng tình của nhiều doanh nghiệp cung cấp nước sạch".
"Tuy nhiên, đề án trên còn có những vướng mắc cần được tháo gỡ: Nhiều địa phương chưa quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn. Các cơ quan chức năng chưa ban hành giá xử lý nước thải, các quy định về các hình thức đầu tư như: PPP, BOT... để các doanh nghiệp căn cứ vào đó tính toán khi tham gia đầu tư", Giám đốc Công ty nước sạch Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hưng Yên Lê Đức Lành cho biết: Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai Đề án “Thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với những giải pháp:
Quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn. Quy hoạch chi tiết việc tiêu thoát nước, xử lý nước thải khu dân cư nông thôn, những khu dân cư mới bắt buộc phải đầu tư công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, tách riêng nước mưa, nước thải.
Tuyên truyền, phổ biến, triển khai các nội dung của Đề án“Thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn mới”; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân, đầu tư công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, tận dụng nước thải sau xử lý để tưới cây, hạn chế xả ra môi trường để giảm thiểu ô nhiễm nước ao, hồ, kênh, mương. Xây dựng và tuyên truyền nhân rộng các mô hình thu gom, xử lý nước thải đạt hiệu quả.
Xây dựng mô hình tổ chức quản lý vận hành công trình xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp tại các địa phương, trong đó có mô hình quản lý công trình xử lý nước thải gắn với có gắn với công trình cấp nước sạch; đánh giá hiệu quả các mô hình tổ chức vận hành công trình làm cơ sở nhân rộng trên toàn tỉnh.
Ưu tiên áp dụng công nghệ sinh học, chi phí thấp, dễ quản lý vận hành, công nghệ đã được thử nghiệm trong thu gom, xử lý nước thải khu dân cư nông thôn. Một số biện pháp, công nghệ phù hợp.
Huy động các nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thu gom và xử lý nước thải, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách thông qua áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp trong sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí, thủ tục hành chính, kinh phí đầu tư và sau đầu tư.
Trong đó, các dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ: Được giao đất đã giải phóng mặt bằng, miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ khác theo các quy định hiện hành.
Ưu tiên đầu tư công trình tại những nơi đã có vị trí phù hợp quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo thu gom được nước thải và có hệ thống cấp nước sạch tập trung. Gắn trách nhiệm các đơn vị đầu tư nhà máy cấp nước tập trung phải thực hiện trách nhiệm đầu tư công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung theo phân vùng cấp nước.
Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí vận hành công trình xử lý nước thải tập trung theo lộ trình cụ thể: hỗ trợ 70% kinh phí vận hành năm thứ nhất; hỗ trợ 50% kinh phí vận hành năm thứ hai; hỗ trợ 30% kinh phí vận hành năm thứ ba; hỗ trợ 10% kinh phí vận hành năm thứ tư; không hỗ trợ kinh phí vận hành từ năm thứ năm...
Theo Nhân dân
https://nhandan.vn/nhung-giai-phap-xu-ly-nuoc-thai-sinh-hoat-o-nong-thon-hung-yen-post761348.html