Thursday, 21/11/2024

Đẩy mạnh xuất khẩu, giải ngân đầu tư công trong giai đoạn “nước rút” cuối năm

18:55 02/10/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý IV có ý nghĩa quan trọng, là thời gian “nước rút” để “về đích” các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2022, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu, tăng tổng cung và tổng cầu trong nước…

Sáng 1/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022.

Cùng tham dự phiên họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đồng chí Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư.

Tham dự phiên họp tại các điểm cầu địa phương có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch Covid-19

Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2022; Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022; Triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu rõ các kết quả đạt được: Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ: GDP quý III tăng 13,67%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,24%, công nghiệp, xây dựng tăng 12,91%, dịch vụ tăng 18,86%; tính chung 9 tháng GDP tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, phục hồi và tăng đồng đều trong cả 3 khu vực, lần lượt là 2,99%, 9,44% và 10,57%.

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn: CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; Bảo đảm nguồn cung điện, xăng, dầu; khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội phương án giảm thuế xăng, dầu, tạo dư địa hỗ trợ giá trong trường hợp cần thiết…

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8%, tạo dư địa trong điều hành tài khóa, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng ước tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đầu tư ngoài nhà nước ước tăng 10%, vốn FDI thực hiện tăng 16,2% cho thấy xu hướng mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh khá tích cực, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9 ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021; tính chung 9 tháng đạt 558,5 tỷ USD, tăng 15,1%, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13%. Nền kinh tế tháng 9 ước xuất siêu 1,14 tỷ USD, tính chung 9 tháng xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt. Thương mại, dịch vụ đang phục hồi nhanh, nhất là sức cầu trong nước: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 9 tháng ước tăng 21%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,8%. Du lịch tiếp tục phục hồi tích cực, khách quốc tế 9 tháng đạt gần 1,9 triệu lượt, gấp 16,4 lần cùng kỳ năm 2021…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Hội nghị- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ một số tồn tại, khó khăn, thách thức. Nền kinh tế mặc dù đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng tăng trưởng 9 tháng đầu năm bình quân 3 năm 2020-2022 chỉ đạt 5,41%, chưa bù đắp để đạt được mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ các năm trước dịch 2016-2019 (6,88%). Các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa để nắm bắt cơ hội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021-2025 (6,5-7%/năm).

“Nhìn chung, trong tháng 9 và 9 tháng, nền kinh tế có xu hướng phục hồi rất tích cực. Tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và bảo đảm được các cân đối lớn. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, tạo dư địa nguồn lực ứng phó với những rủi ro, thách thức của tình hình thế giới hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng đầu năm 2022, dự báo tình hình quý IV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt tăng trưởng cả năm khoảng 8%, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, tổng hợp, hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp để sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu kỹ các ý kiến tại Hội nghị, tập trung rà soát, chủ động hoặc đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan và xử lý, giải quyết kịp thời các kiến nghị cụ thể của các địa phương.

Điểm qua những kết quả tích cực của kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022, Thủ tướng khẳng định nhiều tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá tích cực, lạc quan về Việt Nam. Việt Nam được dự báo thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023 (Moody‘s, WB, IMF, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%).

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng phân tích rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, khả năng chống chịu thì có hạn, cho nên chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước. Sức ép lạm phát ở trong nước vẫn còn tiềm ẩn, gây nguy cơ bất ổn vĩ mô. Đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, thiệt hại lớn…

Qua thực tiễn, Thủ tướng chỉ rõ các bài học kinh nghiệm, đồng thời lưu ý về quan điểm chỉ đạo điều hành thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần kế thừa, phát huy và nhân rộng những kinh nghiệm quý, bài học hay, mô hình tốt; khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường; nêu gương; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; kịp thời báo cáo những vướng mắc, vấn đề vượt thẩm quyền…

Thủ tướng đặc biệt lưu ý quý IV/2022 có ý nghĩa quan trọng, là thời gian “nước rút” để “về đích” - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đặc biệt lưu ý quý IV/2022 có ý nghĩa quan trọng, là thời gian “nước rút” để “về đích”. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, có giải pháp linh hoạt, phù hợp, sáng tạo, hiệu quả theo tinh thần chủ đề năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế; khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở một số nơi như vừa qua; giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án xây dựng bệnh viện kéo dài.

Kiên trì, nhất quán, xuyên suốt, ưu tiên mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả và các chính sách khác…

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 124/NQ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị gần đây. Thủ tướng nhấn mạnh, vốn đầu tư công là nguồn lực rất lớn, việc giải ngân đầu tư công là một trong những chính sách tài khóa có rất nhiều ý nghĩa quan trọng, vừa tạo công ăn việc làm, tạo dư địa, không gian phát triển mới, tạo sản phẩm xã hội, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ…

Thủ tướng phân tích thêm một số yếu tố tác động tới Việt Nam như cạnh tranh chiến lược, chính sách phòng, chống dịch, lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào tăng. Đồng USD tăng giá làm giảm giá đồng tiền nhiều nước, trong đó có đồng tiền của Việt Nam, tác động tích cực tới xuất khẩu nhưng tác động tiêu cực tới nhập khẩu.

Do đó, chúng ta phải đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và giảm nhập khẩu, tăng tổng cung và tổng cầu trong nước. Các bộ, ngành tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, các địa phương cùng vào cuộc, động viên các doanh nghiệp trong nước tham gia, phối hợp với các doanh nghiệp FDI để cùng làm việc này…

Theo báo Lao động thủ đô

https://laodongthudo.vn/day-manh-xuat-khau-giai-ngan-dau-tu-cong-trong-giai-doan-nuoc-rut-cuoi-nam-146817.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke