Ngày 17/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Áo tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Áo. Sự kiện thu hút mối quan tâm của đại diện một số bộ, ngành hữu quan, các hiệp hội ngành nghề và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.
Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, Việt Nam và Áo có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp. Áo là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Năm 2022 đánh dấu mốc quan trọng, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước bạn bè truyền thống; trong đó Áo là một đối tác quan trọng.
Cùng với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ chính trị, trong những năm qua, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Áo đã có những bước tiến đáng kể. Kim ngạch thương mại song phương đạt gần 3,5 tỷ USD trong năm 2021. Hiện Cộng hòa Áo nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, văn hóa, hợp tác phát triển... giữa hai nước tiếp tục ghi nhận những tiến triển tích cực. Đào tạo nghề là một nhu cầu rất lớn từ phía Việt Nam và đồng thời từ Áo. Theo khảo sát của Đại sứ quán Việt Nam tại Áo, hiện nay Áo cũng rất cần lao động, đặc biệt là trong khối dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, khu vực chăm sóc, nghỉ dưỡng cả trong khu vực kỹ sư công nghệ.
Với dân số chỉ 1,25 triệu người, Styria là bang lớn thứ 2 trong 9 bang của nước Áo và có nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, cơ khí, điện tử. Nhiều doanh nghiệp lớn của bang Styria cũng đã hợp tác thành công với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp. Tập đoàn Andritz đã tham gia thành công nhiều dự án thủy điện trọng điểm tại Việt Nam.
Hai công ty Magna Steyr và AVL List đã tham gia thiết kế ô tô VinFast. Trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực, các doanh nghiệp bang Styria có nhiều cơ hội để tăng cường và mở rộng hợp tác với Việt Nam. Trong thời gian tới, bang Styria và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như đào tạo và nghiên cứu, du lịch và văn hóa...
Đại diện phía đối tác, bà Barbara Eibinger-Miedl, Bộ trưởng Kinh tế, Du lịch, châu Âu, Khoa học và Nghiên cứu của Bang Styria, Cộng hòa Áo cho biết, nằm ở phía Đông Nam Áo, Styria giáp biên giới với Slovenia và có thủ phủ là thành phố Graz. Tự hào là bang đứng đầu Áo về nghiên cứu và phát triển (R&D), Styria nổi bật với những sản phẩm và dịch vụ sáng tạo. Sự sáng tạo và năng động này dựa trên nền tảng là sự kết hợp chặt chẽ và hài hòa của hệ thống giáo dục, cộng đồng nghiên cứu, môi trường kinh doanh và cư dân của bang Styria. Hơn nữa, Styria tạo được lợi thế từ việc chuyển giao kiến thức và công nghệ rất thành công và duy trì lợi thế cạnh tranh. Cụ thể như hầu hết các cụm công nghệ chuyên ngành đều tiến hành nghiên cứu với sự tham gia trực tiếp của các trường đại học. Các tổ chức nghiên cứu độc lập luôn gắn bó với doanh nghiệp.
Styria là một trong 5 bang xuất siêu của Áo, xuất khẩu đạt 26 tỷ EUR và nhập khẩu 19,5 tỷ EUR vào năm 2019. Xuất khẩu của bang chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc, xếp thứ hai sau bang Thượng Áo. Kinh tế của Styria đã có những thay đổi cơ cấu đáng kể trong những thập niên qua, hướng tới một nền công nghiệp và dịch vụ đa dạng. Cho đến cuối thập niên 1980, ngành công nghiệp gang thép cũng như công nghiệp ô tô là những ngành kinh tế chủ đạo.
Tuy nhiên, các lĩnh vực này đã bị sụt giảm nghiêm trọng trong những năm 1990. Chỉ có các nhà doanh nghiệp ngành ô tô đã phục hồi hoàn toàn và lấy lại tầm quan trọng trên trường quốc tế. Các ngành công nghiệp cốt lõi ngày nay bao gồm: công nghiệp ô tô, cơ khí, điện tử và giấy. Các doanh nghiệp đa quốc gia lớn của bang bao gồm: tập đoàn Andritz (cung cấp máy móc, xây dựng nhà máy phục vụ các ngành thủy điện, giấy và bột giấy, thép và luyện kim, tự động hóa,...), tập đoàn thép Voestalpine, hai công ty ô tô Magna Steyr và AVL List...
Trong chiến lược phát triển kinh tế, Styria xác định một cuộc chuyển đổi kinh tế thứ hai sẽ diễn ra trong những năm tới. Các yếu tố chính của cơ cấu kinh tế mới là các sản phẩm "ngách" chất lượng cao, các giải pháp đặc biệt và các dịch vụ công nghiệp phức hợp. Styria nhấn mạnh tầm quan trọng cốt yếu của "sản xuất dựa trên tri thức". Gần đây, chính quyền Styria đã thông qua chính sách “Tầm nhìn 2030+” như một công cụ để tạo ra chiến lược phát triển trong những thập niên tiếp theo. Chính sách này hiện tập trung vào việc tổ chức các sự kiện và thu hút sự đóng góp trực tiếp của người dân để thiết kế Chiến lược cụ thể. Vì lẽ đó, Cộng hòa Áo nói chung và Styria nói riêng rất coi trọng mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai nước.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã trao cơ hội cho cả hai bên để đa dạng hóa thị trường, nâng cao thị hiếu của người tiêu dùng mà doanh nghiệp cần cùng nhau nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai bên. Cơ hội gặp gỡ, giao thương lần này sẽ là cơ hội đặc biệt khuyến khích các đơn vị phân phối, nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp của nước tận dụng tốt cơ hội này để gặp gỡ, trao đổi và tìm được đối tác tin cậy.