Đại chiến vũ trụ: Cuộc đua của Jeff Bezos, Richard Branson và Elon Musk đánh đổi bằng việc để 41 triệu người chết đói?
22:09 21/07/2021
Chỉ với 6 tỷ USD, giới tỷ phú công nghệ đã có thể giúp đỡ hàng chục triệu người đang lâm vào cảnh đói ăn mùa dịch.
Trong khi biến đổi khí hậu đang khiến nước biển dâng cao, các cánh rừng cháy rụi, đại dịch Covid-19 thì đẩy hàng tỷ người trên trái đất vào cảnh đói ăn thì những ông lớn nhà giàu trên thế giới lại đổ hàng tỷ USD để được bay lên vũ trụ.
Những lợi ích của cuộc chạy đua công nghệ không gian là rõ ràng, nhưng liệu nó có đáng để khoe khoang khi hàng tỷ người vẫn còn phải vật lộn với cái ăn hàng ngày trong mùa dịch? Xin được nhắc là giới nhà giàu được hưởng lợi nhiều nhất khi dịch Covid-19 bùng phát, trong khi những lao động phổ thông lại là đối tượng chịu tổn thương nặng nhất.
Người nghèo chết đói vì giấc mơ của đại gia?
Giám đốc David Beasley của Chương trình lương thực thế giới (WFP) từng kêu gọi những tỷ phú ngành công nghệ như Jeff Bezos, Richard Branson hay Elon Musk thay vì dồn sức đầu tư cho không gian thì hãy quyên góp khoảng 6 tỷ USD cho chương trình cứu đói 41 triệu người ở 43 quốc gia hiện đang đói ăn vì đại dịch.
Tổng tài sản của 3 ông lớn ngành công nghệ đang chạy đua vào không gian này là hơn 377 tỷ USD và theo ước tính của Beasley, con số này nhiều gấp 60 lần mức tài chính đủ để giúp người dân thế giới tránh khỏi đói ăn.
Trên thực tế từ trước khi đại dịch bùng phát, tình trạng đói ăn trên toàn cầu đã gia tăng vì biến đổi khí hậu, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế và năng suất nông nghiệp giảm. Thế nhưng dịch Covid-19 càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn khi làm gián đoạn hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng và khả năng vận chuyển hàng cứu trợ đến tay người nghèo.
Theo các số liệu thống kê, tổng số người lâm vào cảnh đói ăn hiện nay đã tăng 100% lên 270 triệu người. Tại những quốc gia như Ethiopia, Madagascar, Nam Sudan hay Yeman, hơn 600.000 người đã lâm vào cảnh suy dinh dưỡng.
Đồng quan điểm, tổ chức Global Citizen cũng đang kêu gọi thực hiện chương trình Give While You Live nhằm khuyến khích người giàu đóng góp 5% tổng tài sản cho từ thiện. Trong khi hàng chục triệu người rơi vào cảnh đói nghèo mùa dịch thì riêng ở Mỹ, 56 tỷ phú mới đã xuất hiện chỉ tính trong 11 tháng đầu mùa dịch. Tổng tài sản của giới tỷ phú Mỹ đã tăng 1,3 nghìn tỷ USD lên 4,6 nghìn tỷ USD.
Rất nhiều tổ chức nhân đạo như WFP hay UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc) đang khẩn trương giúp đỡ cho các em nhỏ và bà mẹ mang thai trên toàn thế giới trong bối cảnh thiếu lương thực hiện nay, nhưng họ không đủ tài chính để giúp hết mọi người. Nhiều tổ chức khác như Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) thì đang cố giúp những hộ nông dân nhỏ lẻ hồi phục nhanh chóng trở lại sau dịch để bù đắp thua lỗ mà họ gặp phải.
Tình hình hiện nay nghiêm trọng đến mức giám đốc Beasley đã đăng trên Twitter kêu gọi đích danh các ông lớn ngành công nghệ quyên góp 6 tỷ USD để cứu 41 triệu người thay vì chỉ chăm chú chạy đua lên không gian.
Một vũ trụ ô nhiễm
Mặc dù công nghệ vũ trụ đem lại nhiều lợi ích cho con người nhưng những chuyên gia phản đối thì lại chỉ trích nhân loại đang làm ô nhiễm ra cả ngoài trái đất. Hàng loạt những chương trình phóng thử nghiệm, trạm không gian hay vệ tinh đang thải lượng lớn rác và khí nhà kính ra vũ trụ. Trong khi đó, dù chưa thấy ích lợi công nghệ đâu nhưng chắc chắn các tỷ phú sẽ thu được cả tỷ USD tiền vé đưa người lên thăm quan không gian.
Hiện Blue Origin của Jeff Bezos, Virgin Galactic hay SpaceX của Elon Musk đều bộc lộ rõ tham vọng cho ngành du lịch hàng không.
Theo Global Citizen, nhân loại trong quá khứ thường hướng lên trời cầu nguyện cho các giải pháp xử lý vấn đề dưới trái đất thì nay, khi những vẫn đề đói nghèo có thể được giải quyết dễ dàng bằng một chút quyên góp của giới nhà giàu, các đại gia lại vẫn hướng lên bầu trời. Có điều lần này họ không cầu nguyện gì cả, các tỷ phú chỉ đang chạy đua giành phần thắng cho miếng bánh béo bở ngoài không gian.