Wednesday, 04/12/2024

Da cam - nỗi đau chưa hồi kết

09:36 30/07/2024

Kinh Tế Số Việt Nam Online Tròn một thập kỷ từ năm 1961 đến năm 1971, đế quốc Mỹ đã sử dụng vũ khí hoá học chất độc da cam/Dioxin trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Hành động ấy không chỉ hủy hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn tác hại đến sức khỏe con người từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong đó có hàng nghìn người con quê hương Đất Tổ đã bị nhiễm chất độc da cam.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng thảm họa da cam vẫn hiện hữu trong nhiều gia đình từ thành thị đến nông thôn. Có thể nói, nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) là người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ cần nhận được sự quan tâm từ nhiều phía.

Lãnh đạo Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Cẩm Khê đến thăm chị Hoàng Thị Nhàn ở khu Quyết Tiến, thị trấn Cẩm Khê nhân dịp 27/7.

Những mảnh đời bất hạnh

Nhìn vào đôi mắt buồn rầu, tấm thân gầy gò của bà Lại Thị Tình ở khu 14, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, chúng tôi cảm nhận phần nào những mất mát, nỗi vất vả, sự hy sinh của người phụ nữ quanh năm chăm sóc chồng con bệnh tật, ốm yếu. Sau 3 năm tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc, bà không may nhiễm CĐDC. Nhưng đối với người phụ nữ nay đã bước sang tuổi 70 ấy, được trở về đã là niềm hạnh phúc hơn biết bao đồng đội rồi.

Vừa nhặt chiếc vỏ chai nhựa méo mó đưa tay đứa con trai 40 tuổi ngờ nghệch dùng làm đồ chơi, bà Tình vừa kể cho tôi nghe về những năm tháng thanh xuân lên đường xông pha ra tiền tuyến khi mới 17 tuổi. Khi ấy, bà cùng với hàng nghìn thanh niên của tỉnh Vĩnh Phú viết đơn tình nguyện trở thành thanh niên xung phong (TNXP).

Đơn vị đóng quân tại C2 Đội 253 Tổng đội 572 mặt trận Sầm Nưa, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), không kể ngày đêm, bà cùng đồng đội hăng hái mở đường cho xe vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường. Trải qua những năm tháng trong bom đạn khốc liệt và sống giữa sự đùm bọc yêu thương của đồng đội, bà mới thấu hiểu hết chân lý vì sao sống trên đời phải biết vì mọi người.

Với khẩu hiệu “Không để đồng đội đã bị thương một lần lại bị thêm lần nữa”, bất chấp những loạt mưa bom, bão đạn của kẻ thù, bà cùng các nữ đồng đội đã không ít lần lấy thân che đạn cho bộ đội bị thương... Những trận sốt rét nơi rừng thiêng nước độc, bệnh tật cùng với bom đạn của kẻ thù ngày đêm bắn phá, không ít người đã ra đi, nằm lại chiến trường giữa đại ngàn hoang vắng, cô quạnh...

Năm 1975, đất nước thống nhất, bà về quê hương và làm ng nhân tại Nhà máy Dệt Vĩnh Phú. Sau khi xây dựng gia đình năm 1983 và sinh được 2 người con, trong đó đứa con trai bị hở hàm ếch toàn phần và không có lưỡi gà... Lúc ấy, bà đưa con đi khám thì mới biết mình bị nhiễm chất độc hóa học.

Bà Lại Thị Tình chia sẻ: “Đấy cháu nhìn xem, 40 tuổi rồi ngu ngơ có biết gì đâu, có ngày ăn không biết no, nhưng cũng có khi mấy ngày không chịu ăn uống gì. Mỗi lần con lên cơn động kinh, tôi mất ăn mất ngủ, hao gầy tưởng chừng không còn sức chống đỡ nữa. Trong khi chồng bị tai biến hơn chục năm nay nằm đâu nằm đấy, nhiều lúc tôi thấy cuộc sống bế tắc vô cùng nhưng vì chồng vì con mà vẫn phải gồng mình vượt qua, không dám buông xuôi”.

Hiện nay, đời sồng vật chất, tinh thần của các nạn nhân CĐDC trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân thế hệ F2, F3. Các nạn nhân là người thiệt thòi, yếu thế trong xã hội, không có khả năng lao động, sản xuất, không có nguồn thu nhập trong khi chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh lại cao.

Điển hình như trường hợp của chị Hoàng Thị Nhàn sinh năm 1980 ở khu Quyết Tiến, thị trấn Cẩm Khê. Sau khi bố, mẹ lần lượt qua đời, đã nhiều năm nay, chị Nhàn một mình sống trong ngôi nhà cấp 4 trống trải, chông chênh như nỗi lòng của chị.

Nhà có 6 anh, chị, em nhưng chỉ có chị Nhàn và người em trai út bị nhiễm CĐDC từ bố. Các anh, em đều đã xây dựng gia đình, chỉ có chị Nhàn mang căn bệnh “lạ” chung sống cùng bố mẹ. Ngay từ khi sinh ra, khắp cơ thể chị đã mọc những u cục, nặng nhất khuôn mặt giờ đây đã bị bướu thịt che gần hết lại thêm thần trí chậm chạp.

Ngày bố mẹ chị còn sống đã có lần ông bà đưa chị về Hà Nội phẫu thuật cắt bỏ khối u, nhưng chỉ được vài năm khối u tiếp tục phát triển. Chị Nhàn tự ti, mặc cảm suốt ngày lủi thủi một mình vì hầu hết anh, em không ở gần...

Tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh còn 5.765 nạn nhân CĐDC đang hưởng chế độ trợ cấp, trong đó hơn 3.500 nạn nhân trực tiếp là người có ng với cách mạng. Trong số 2.261 nạn nhân bị ảnh hưởng gián tiếp là con đẻ của người có ng, có gần 400 nạn nhân bị bại liệt, những trường hợp còn lại hầu hết bị dị tật, dị dạng; 1.274 gia đình có từ 2-5 nạn nhân.

Ngoài ra, còn 78 người thuộc thế hệ F3 (cháu của người có ng) bị phơi nhiễm, đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; 514 trường hợp người tham gia kháng chiến nghi phơi nhiễm chất độc hóa học bị mất giấy tờ chưa được giám định hưởng chế độ nạn nhân CĐDC.

Họ đang hàng ngày, hàng giờ vật lộn với những căn bệnh quái ác bởi Dioxin. Có gặp gỡ, chứng kiến hoàn cảnh của các nạn nhân ấy, mới thấu hiểu, thấm thía phần nào những nỗi bất hạnh của họ...

Dù đã ở tuổi 70 nhưng hàng ngày, bà Lại Thị Tình ở xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao vẫn phải chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho người con trai bị tâm thần và chồng bị tai biến.

Xoa dịu niềm đau

Da cam - nỗi đau không của riêng ai mà là của cả dân tộc. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam trước hết là đẩy mạnh ng tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có ng với đất nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, thể hiện lương tâm và trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam.

Thấm nhuần đạo lý, truyền thống của dân tộc, hưởng ứng Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã kề vai sát cánh với Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp trong hành trình nhân ái vì NNCĐDC.

Đồng chí Bùi Quang Vinh- Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh chia sẻ: “Thật thương tâm nếu nhắc đến con số hay những trường hợp bị dị tật, dị dạng bẩm sinh do CĐDC. Nhằm xoa dịu nỗi đau da cam, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, chế độ ưu đãi đối với NNCĐDC; nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã dành những tình cảm, sự ủng hộ đối với đối tượng này. Hoạt động của Hội từ tỉnh tới cơ sở ngày càng phong phú, hiệu quả, thiết thực. Tổ chức Hội đã thực sự trở thành chỗ dựa, là đầu mối, cánh tay nối dài của chính quyền cùng cấp để động viên, giúp đỡ kịp thời những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; xứng đáng với vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho nạn nhân và hội viên CĐDC”.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, Hội đã trao tặng 8.212 suất quà trị giá hơn 2,6 tỷ đồng cho NNCĐDC nhân dịp trước và sau Tết Nguyên đán; trao tặng 4 chiếc giường cho nạn nhân bị bại liệt có hoàn cảnh quá khó khăn. Tỉnh Hội phối hợp với Trung ương Hội trao tặng 10 xe lăn cho nạn nhân bị bại liệt không tự đi lại được.

Cùng với đó, một số doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã trực tiếp đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần động viên các nạn nhân vươn lên trong cuộc sống.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, nhưng hậu quả chiến tranh vẫn ám ảnh, đè nặng lên vai những người đang sống. Việc chăm sóc sức khỏe và ổn định cuộc sống cho NNCĐDC tiếp tục là bài toán cần sự chung tay giúp sức từ Nhà nước, chính quyền đoàn thể, người dân trong nước và quốc tế.

Đồng chí Trần Văn Hiền - Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Cẩm Khê trăn trở: “Cẩm Khê là địa phương có đông NNCĐDC với 265 nạn nhân trực tiếp, 173 nạn nhân gián tiếp, 36 trường hợp nghi nhiễm CĐDC là thế hệ thứ 3, thứ 4 nhưng chưa được thẩm định để hưởng chế độ trợ cấp. Đây là nhóm mắc nhiều loại bệnh trong danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học. Ngoài chính sách bảo trợ xã hội, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ dạy nghề, tạo cơ hội việc làm phù hợp với từng người, từng dạng tật. Dù rằng sự quan tâm, giúp đỡ, đồng cảm của cộng đồng không thể chữa lành những di chứng quái ác mà chiến tranh để lại, nhưng cũng giúp nạn nhân và gia đình NNCĐDC nguôi ngoai phần nào nỗi đau và có thêm nghị lực vững tin vào cuộc sống”.

Một thực tế khiến nhiều người không khỏi lo lắng đó là thế hệ F1 hiện nay đều đã cao tuổi (từ 70 tuổi trở lên), sức khoẻ ngày càng giảm sút, trong khi thế hệ F2 là con đẻ của họ mắc nhiều loại bệnh, khuyết tật, dị dạng. Đối với những trường hợp thế hệ F2 bố mẹ đã qua đời không nơi nương tựa hoặc già yếu thì họ lấy ai là chỗ dựa cho phần đời còn lại.

Đơn cử như trường hợp của nạn nhân Hoàng Thị Nhàn ở thị trấn Cẩm Khê hay người con trai bị mắc bệnh tâm thần của bà Lại Thị Tình ở xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao. Cả 2 trường hợp này đều đã làm đơn gửi về Làng hữu nghị Việt Nam để được thu nhận, nuôi dưỡng nhưng đều không đủ điều kiện.

Trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều gia đình NNCĐDC cũng chung cảnh ngộ giống 2 trường hợp kể trên. Đó là vấn đề còn để ngỏ cần có sự quan tâm hơn nữa từ nhiều phía để hành trình xoa dịu nỗi đau da cam thực sự là hành trình của lương tri và chứa đựng giá trị nhân văn của toàn xã hội.

Theo Báo Phú Thọ

https://baophutho.vn/da-cam-noi-dau-chua-hoi-ket-216157.htm

Chia sẻ bài viết

Thong ke