Nửa tháng nay, xóm Dẹ, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn bỗng dưng... bị ngập khi mưa lớn. Điều mà trước nay chưa từng xảy ra. Với địa hình cao hơn hàng chục mét so với lòng suối, xóm Dẹ bị ngập là điều “vô tiền khoáng hậu”. Trong sự việc này có những yếu tố khách quan nhưng cũng có một phần nguyên nhân từ việc chưa giải quyết kịp thời những khúc mắc ở cơ sở của chính quyền địa phương.
“Chuyện bé xé ra to”
Năm 2017, ông Nguyễn Văn Dũng và bà Hà Thị Thắm (khu Dẹ 1, xã Văn Miếu) nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) từ ông Lê Văn Bộ và được UBND huyện Thanh Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại thửa đất số 174-1, tờ bản đồ số 44, diện tích 182,4m2 vào ngày 21/6/2017 tại khu Dẹ 1, xã Văn Miếu. Thửa đất có chiều rộng mặt đường 6m và chiều sâu 30,32m. Sau đó, hộ ông Dũng bà Thắm thực hiện xây dựng nhà ở trên toàn bộ diện tích trên. Khi xây dựng, ông Dũng bà Thắm có chừa lại 1m đất phía dưới công trình nhà ở để làm nơi thoát nước.
Nói thêm về rãnh nước này, đây được xem là nơi thoát nước của cả xóm Dẹ từ ngày xưa. Theo xác nhận của ông Đinh Ngọc Tuấn - Trưởng khu dân cư: “Rãnh nước này tồn tại từ rất lâu trước khi ông bà Dũng Thắm nhận chuyển nhượng đất từ ông Lê Văn Bộ - Nguyên Chủ tịch UBND xã Văn Miếu đã nghỉ hưu”.
Từ năm 2017 đến năm 2023, rãnh nước nằm trên đất thuộc GCNQSDĐ của ông bà Dũng Thắm vẫn làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình là thoát nước cho người dân. Đến khi công trình “Cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn từ ngã ba khu Dẹ 1, xã Văn Miếu đến Trường THPT Văn Miếu và Trường Mầm non Văn Miếu” được hoàn thành thì mọi rắc rối liên quan đến rãnh nước bắt đầu.
Đáng ra, con đường mới được hoàn thành sẽ là niềm hân hoan của cả xóm núi nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Do công trình không có thiết kế xây dựng cống nước trên phần đất gia đình ông bà Dũng Thắm nên khi vào mùa mưa, nước theo hệ thống cống hai bên đường chảy về với lưu lượng lớn đã gây xói móng nhà, sập bờ tường và một khoảng sân của hộ ông bà Dũng Thắm và ngôi nhà sát vách.
Nhận thấy sự nguy hiểm cho nhà ở của mình trong thời gian dài, tháng 10/2023, ông Nguyễn Văn Dũng và bà Hà Thị Thắm đã có đơn gửi UBND xã Văn Miếu đề nghị có biện pháp xử lý để chấm dứt tình trạng xói lở cho công trình nhà ở của mình. Ngày 29/12/2023, xã Văn Miếu có Tờ trình số 54/TTr-UBND gửi UBND huyện Thanh Sơn về việc “Chủ trương điều chỉnh, bổ sung hồ sơ thiết kế bản vẽ tiêu chuẩn, dự toán và điều chỉnh giá gói thầu thi công công trình: Cải tạo nâng cấp đường giao thông nông thôn từ ngã ba khu Dẹ 1, xã Văn Miếu đến Trường THPT Văn Miếu và Trường Mầm non Văn Miếu”.
Theo đó, có nội dung bổ sung thiết kế 40m chiều dài mương thoát nước đấu nối với hạ lưu cống tại lý trình Km0+332,54 để đảm bảo thoát nước trên tuyến và không làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Cùng ngày, UBND huyện Thanh Sơn ra Quyết định số 4132/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh báo cáo kinh tế kỹ thuật, bổ sung 300 triệu từ nguồn dự phòng thực hiện xây dựng 40m cống trên phần đất trong sổ đỏ của ông bà Dũng Thắm.
Tuy nhiên, từ khoảng thời gian đó đến đầu tháng 7/2024, xã Văn Miếu là chủ đầu tư dự án nhưng không triển khai thực hiện và cũng không thông báo cho người dân. Do diện tích xói móng nhà ngày càng lớn và sự “bặt vô âm tín” của chính quyền địa phương, dẫn đến sự việc ngày 1/7/2024, ông bà Dũng Thắm đã tiến hành xây bịt rãnh nước trên phần đất nhà mình.
Cả xóm vạ lây
Do không có chỗ thoát nước khiến cho 6 hộ dân xung quanh bị ngập nặng sau trận mưa lớn ngày 3/7 và 24/7. Nước ngập quá đầu gối, nước tràn vào nhà gây hư hỏng đồ đạc. Hộ thiệt hại nặng nhất là gia đình chị Hà Thị Sen. Bốn người phải “di dân” đi ở nhờ nhà hàng xóm. Nhiều gia đình, nhà thì đặt tấm chắn tôn, nhà thì đúc bao tải cát chặn ở cửa nhà mình. Sinh hoạt bị đảo lộn, di chuyển khó khăn. Từ người lớn đến trẻ nhỏ đều nơm nớp lo sợ mỗi khi có tin báo trời sẽ mưa.
Bà Ngô Thị Lân (xóm Dẹ 1, Văn Miếu) cho biết: “Bây giờ, xóm này nghe thấy tin báo mưa là sợ. Tối đến, hai ông bà già còng lưng xúc cát đắp “đập” cho nước không tràn vào nhà. Sáng ra, gạt cát sang một bên để lấy lối đi lại, cho xe ra. Bất tiện, khổ cực vô cùng!”
Khúc mắc giữa hộ ông bà Dũng Thắm và UBND xã Văn Miếu không được giải quyết khiến 6 hộ dân xung quanh bị “vạ lây”. Tình làng nghĩa xóm trở nên căng thẳng. Ông Nguyễn Văn Dũng buồn bã cho biết: “Chuyện vốn dĩ rất nhỏ nhưng sau nhiều lần kiến nghị lên xã nhưng không được hồi âm thì chúng tôi buộc lòng phải làm vậy để đảm bảo an toàn cho công trình nhà ở. Mong xã Văn Miếu có biện pháp xử lý dứt điểm để chấm dứt tình trạng này”.
Trao đổi với đồng chí Ngô Thành Xuyên - Chủ tịch UBND xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn cho biết: “Khi công trình cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn được triển khai, chúng tôi mới biết, rãnh nước này nằm trên phần đất thuộc GCNQSDĐ của hộ ông bà Dũng Thắm. UBND xã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể vận động gia đình đồng ý cho xã và đơn vị thi công cống thoát nước qua đất và công trình xây dựng của gia đình”.
Ngày 17/7/2024, UBND xã phối hợp với đại diện khu dân cư đã làm việc trực tiếp với gia đình ông bà Dũng Thắm. Tại đây, người đại diện địa phương đã thẳng thắn nhận lỗi, mong gia đình cho phép đơn vị thi công cống thoát nước qua phần đất thuộc GCNQSDĐ của gia đình. Đại diện đơn vị thi công khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm cống thoát nước bằng bê tông cốt thép, trong khoảng thời gian 20 ngày, sẽ thi công xong và hoàn trả mặt bằng cho gia đình”.
Biên bản được lập sau cuộc họp ngày 17/7, có nội dung: “UBND xã Văn Miếu xác nhận toàn bộ diện tích đất, công trình xây dựng trên đất là tài sản riêng của ông Nguyễn Văn Dũng và bà Hà Thị Thắm. Ông Nguyễn Văn Dũng và bà Hà Thị Thắm có quyền mua bán, định đoạt với diện tích và tài sản trên”. Kết biên bản, có thêm một nội dung: “Sau khi cống thoát nước được xây dựng xong, cống thoát nước sẽ tồn tại vĩnh viễn tại vị trí trên. Không ai được phép tác động, xâm hại, làm ảnh hưởng đến việc thoát nước của cống”.
Cho rằng hai nội dung trên không thống nhất với nhau nên hộ ông bà Dũng Thắm không đồng ý ký vào biên bản. Vì vậy, việc xây dựng cống thoát nước chưa được triển khai thực hiện, dẫn đến 6 hộ dân xóm Dẹ 1 vẫn luôn phải sống trong lo sợ mỗi khi mưa lớn.
Câu hỏi được đặt ra, với nội dung xã Văn Miếu cam kết như trên, nếu sau này, ông bà Dũng Thắm có nhu cầu chuyển nhượng đất thì “số phận” cống thoát nước đó sẽ như thế nào? Một công trình Nhà nước tốn hàng trăm triệu để xây dựng lại đặt vào tay của người dân “có toàn quyền mua bán, định đoạt”?
Rõ ràng, xã Văn Miếu cần có cách giải quyết hợp lý, triệt để, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân cũng như đảm bảo sự an toàn cho công trình xây dựng mà Nhà nước đầu tư kinh phí. Báo Phú Thọ sẽ tiếp tục thông tin đến quý bạn đọc về diễn biến của vụ việc trên.