Friday, 22/11/2024

Cuộc đua điểm thanh toán không tiền mặt

10:32 18/11/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Ngành tài chính chạy đua công nghệ, cũng chính là lúc các hàng quán và thực khách hưởng lợi từ trào lưu thanh toán không tiền mặt.

Từ đầu năm trở lại đây, phương thức thanh toán không tiền mặt ngày càng được nhiều chủ quán ẩm thực sử dụng. Từ quán lớn đến vỉa hè, các chủ hàng quán đã quen với việc in mã QR code để tiện cho khách thanh toán chuyển khoản. 

Theo chị Ngân, chủ quán bánh mì Hội An trên đường Nghĩa Đô, Q.Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Tôi mới chỉ dán in và dán mã QR này được một vài tháng nay. Phần lớn khách độ tuổi trẻ yêu cầu, vì họ có xu hướng không để nhiều tiền mặt trong người”.

Thực tế cho thấy, các quán cà phê, nhà hàng đều đã đa dạng phương thức thanh toán, nhằm đáp ứng một cách linh hoạt nhu cầu của thực khách. Xu thế này không chỉ đến từ phía khách hàng mà còn được thúc đẩy bởi các ông lớn công nghệ. 

Chạy đua lượng giao dịch thanh toán

Theo Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hằng năm đạt hơn 90%. Trong đó tính đến hết tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng gần 70%, trong khi đó giao dịch qua QR code tăng tương ứng gần 57% và 112% so với cùng kỳ năm 2021. Sự tăng trưởng trên phản ánh rõ cuộc chơi khốc liệt của các ông lớn ngành này. 

Thực tế, thị trường hiện nay đã tồn tại trên 40 trung gian thanh toán được cấp phép và khoảng trên 120 công ty fintech. Tác động của đại dịch Covid-19 dường như thúc đẩy nhanh hơn xu hướng này, bùng nổ giao dịch ngân hàng số, và tạo ra trào lưu quét mã QR để thanh toán. Theo ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập MoMo nhận định: “Tính năng thanh toán/chuyển trả bằng mã QR đã đơn giản hóa việc thanh toán cho cả người dùng và chủ doanh nghiệp”.  

Xu hướng tăng tốc độ thanh toán không tiền mặt

Hầu hết, các điểm chấp nhận thanh toán QR đều dưới dạng tĩnh. Khách hàng khi quét thanh toán đều cần nhập số tiền tương ứng, và đối chiếu lại với thu ngân sau khi hoàn tất thanh toán. Chính vì vậy, nhiều trường hợp thanh toán dở khóc dở cười đã xuất hiện trong trào lưu này. 

Theo anh Tuấn đang làm việc tại Ba Đình, bộc bạch: “Tôi đã từng phải mất gần một tuần để đối chiếu lại với quán cafe, do nhập nhầm 50.000 thành 500.000 đồng, trong một lần đãng trí”. Tương tự, chị Nhi cũng chia sẻ với trải nghiệm tương tự: “Vì nhập nhầm số tiền, vậy nên tôi đã mất một khoản tiền do nhập sai, nhưng chủ quán không chịu hợp tác để trả lại số tiền thừa”.

Các hình thức mã QR code “động” đang chiếm lợi thế hơn về tính linh hoạt và tốc độ thanh toán. Cụ thể sau khi có thông tin, hệ thống sẽ trả về mã QR tương ứng với số tiền, và ứng dụng thanh toán. Khách hàng chỉ việc quét mã và tiến hành thanh toán mà không bị yêu cầu bất kỳ thông tin nào khác. Đồng thời, thu ngân cũng không cần đối chiếu với tài khoản, hay yêu cầu chụp màn hình của khách hàng. Quá trình này giúp hạn chế sai sót, giảm bớt thời gian thao tác và mang tới trải nghiệm tốt hơn tới thực khách. Thông thường, các mã QR động được hiển thị trên màn hình phụ của máy bán hàng, hoặc xuất ngay trên hóa đơn. 

Nhận định về điều này, ông Vũ Thanh Hùng - CEO iPOS.vn - một đơn vị cung cấp giải pháp máy bán hàng chia sẻ: “Việc ứng dụng mã QR code lên màn hình POS là một trong những phương án tối ưu mà chúng tôi đang triển khai. Cụ thể, hình thức này sẽ giúp cho các chủ nhà hàng tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa quy trình vận hành. Qua đó, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng”. 

Cùng đẩy mạnh điểm chấp nhận thanh toán

Tính đến thời điểm hiện tại, Ví MoMo đã kết nối cùng 140.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc. Hệ thống thanh toán VNPAY-QR mới đây cũng công bố số lượng điểm chấp nhận thanh toán, với hơn 200.000 điểm. Với Mobile Money, thông tin từ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, đến tháng 8.2022, có khoảng hơn 14.000 đơn vị chấp nhận thanh toán, hơn 50% điểm kinh doanh nằm ở khu vực nông thôn... Điều này minh chứng nhu cầu vô cùng lớn, đòi hỏi sự đi kèm mạnh mẽ của các điểm chấp nhận thanh toán không tiền mặt. 

Nhìn chung, việc tăng tốc số lượng điểm thanh toán trong thời gian ngắn, đang là ưu tiên hàng đầu của các đơn vị Fintech tại Việt Nam. Thực tế, nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn đang bắt tay nhau để cùng phối hợp đẩy mạnh điểm chấp nhận thanh toán mới. Mới đây, MoMo đã hợp tác chiến lược với iPOS.vn. Theo công bố, 100.000 doanh nghiệp F&B đang sử dụng dịch vụ iPOS.vn sẽ được kết nối với hệ sinh thái của MoMo. Doanh nghiệp này trước đó cũng đã hợp tác với nhiều thương hiệu F&B hàng đầu như: The Coffee House, Highlands Coffee, Phúc Long,... Không hề kém cạnh, Zalopay mới đây cũng chính thức phủ sóng tại tất cả cửa hàng Starbucks Vietnam, và dành tặng voucher đến 40.000 đồng cho khách thanh toán bằng ví điện tử này. 

Ông Vũ Thanh Hùng - CEO iPOS.vn đánh giá: “Việc chuyển đổi số trong những năm vừa qua đã giúp mở rộng mạng lưới điểm chấp nhận thanh toán không tiền mặt. Điều này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả, góp phần thúc đẩy nền kinh tế hội nhập nhanh hơn với cộng đồng kinh tế quốc tế. Trong đó, ngành F&B đóng một phần vai trò quan trọng đối với xu hướng này”.

Theo Tổ quốc

http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/cuoc-dua-diem-thanh-toan-khong-tien-mat-20221116144514825.htm

Chia sẻ bài viết

Thong ke