Những “cái bẫy” khiến doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại
19:50 14/11/2022
Hầu hết các tổ chức tư vấn lớn trên thế giới đều cho biết những nỗ lực chuyển đổi số của doanh nghiệp dường như đều gặp thất bại ngay từ những bước đầu...
Chuyển đổi số đang tác động và ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu. Với Việt Nam, áp lực từ công cuộc chuyển đổi số đang ngày càng gia tăng, thậm chí mang tính “sống còn" đối với sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy cộng đồng doanh nghiệp sản xuất đang gặp nhiều khó khăn trong hành trình lựa chọn con đường chuyển đổi số phù hợp với mô hình doanh nghiệp của mình.
HẦU HẾT NỖ LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA DOANH NGHIỆP THẤT BẠI NGAY TỪ BƯỚC ĐẦU
Việc thiếu những giải pháp cho phép tùy chỉnh linh hoạt là nguyên nhân của những rào cản trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Tại sự kiện “Hệ sinh thái chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất - Xu hướng và chiến lược thực thi trong môi trường công nghệ 4.0” do Công ty 1C Việt Nam tổ chức, ông Alexander Evchenko, CEO 1C Việt Nam cho biết theo số liệu, hầu hết các tổ chức tư vấn lớn trên thế giới đều cho biết những nỗ lực chuyển đổi số của doanh nghiệp dường như đều gặp thất bại ngay từ những bước đầu.
Forbes đánh giá rủi ro thất bại trong chuyển đổi kỹ thuật số của các doanh nghiệp là 84% trong khi các tổ chức nghiên cứu như McKinsey, BCG, KPMG và Bain & Company đánh giá nguy cơ thất bại trong chuyển đổi kỹ thuật số của các doanh nghiệp là từ 70-95%.
Các công nghệ kiểu cũ thường là nguyên nhân của những tình thế tiến thoái lưỡng nan trong chuyển đổi số doanh nghiệp. Nghĩa là sau khi doanh nghiệp triển khai, hệ thống quản lý sẽ sớm trở nên lỗi thời và doanh nghiệp gặp khó khăn khi điều chỉnh hệ thống sao cho phù hợp.
Những vấn đề doanh nghiệp mắc phải với các hệ thống quản lý kiểu cũ có thể kể như quá trình nâng cấp điều chỉnh phức tạp, các giải pháp truyền thống thường không thể hoặc khó điều chỉnh theo nhu cầu của công ty. Điều này có nghĩa là phần mềm không thể đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt vòng đời kinh doanh, đặc biệt là khi doanh nghiệp muốn phát triển và mở rộng, do đó có thể tốn thời gian và không hiệu quả về chi phí.
Tiếp theo là rủi ro kỹ thuật cao. Khi nói đến việc lập trình riêng một phần mềm dành riêng cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể gặp phải nhiều vấn đề kỹ thuật và chi phí, làm chậm quá trình và dẫn đến thất bại trong việc khởi chạy, triển khai và kết hợp phần mềm vào cấu trúc kinh doanh đã tồn tại. Trên thực tế, việc doanh nghiệp tự tạo lập một phần mềm quản lý gốc có tỷ lệ thành công thấp và nguy cơ thất bại cao.
Thứ ba là rủi ro bảo mật dữ liệu. Các phần mềm truyền thống với thiết kế mã nguồn mở có thể tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ dữ liệu và tạo ra các lỗ hổng bảo mật, đây là mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp, vì dữ liệu khách hàng, dữ liệu nội bộ của dn có giá trị lớn trong kỷ nguyên số. Cuối cùng là khó khăn vì tính không linh hoạt. Một số giải pháp hiện có trên thị trường được thiết kế với chức năng cố định, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi quy trình làm việc hiện có để phù hợp với quy trình vận hành của phần mềm.
NHỮNG CÁI “BẪY” KHI DOANH NGHIỆP CHUYỂN ĐỔI SỐ
Một trong những vấn đề mà doanh nghiệp thường mắc phải đó là những “cái bẫy” chuyển đổi số”. Theo ông Vương Quân Ngọc, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital, các đơn vị sản xuất rất dễ rơi vào “bẫy” chuyển đổi số, nghĩa là doanh nghiệp mua sắm, lắp đặt các hệ thống công nghệ thông tin, tuy nhiên lại chưa đủ lực và đặc biệt là “làm chưa tới” để ứng dụng và chuyển đổi hoàn toàn cả tổ chức.
Trong khi đó, trình bày tại sự kiện, ông Phạm Anh Tuấn, Giảng viện Viện Quản trị và Công nghệ FSB, chuyên gia chuyển đổi số Rạng Đông, Viettel, cho rằng chuyển đổi số không phải là một dự án có điểm đầu và điểm kết thúc mà nó là một quá trình.
Theo đó, nhìn chung có 5 giai đoạn chuyển đổi số, bao gồm thứ nhất là nền tảng, nghĩa là bắt đầu tiến hành tự động hóa các quy trình kinh doanh, vân hành bằng CNTT. Thứ hai là số hóa tách biệt, nghĩa là thực hiện các chương trình chuyển đổi riêng lẻ hoặc thuộc về từng bộ phận (tạo ra các sản phẩm, phương thức vận hành ấn tượng nhưng tách biệt).
Giai đoạn thứ ba trong chuyển đổi số là đồng bộ hóa từng phần, chuẩn bị các chương trình phối hợp để thực hiện chiến lược xuyên suốt toàn tổ chức. Giai đoạn tiếp theo sẽ tiến hành đồng bộ hóa hoàn toàn, khi đó, các nền tảng, sản phẩm hoặc quy trình số đã hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi số. Và bước cuối cùng trong công cuộc chuyển đổi số là DNA hóa - chuyển đổi văn hóa lâu dài, bền vững và tái tạo kỹ thuật số liên tục cho toàn bộ tổ chức.
Đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2 của quá trình chuyển đổi số.
“Trong lộ trình chuyển đổi số, chúng ta không nên đặt câu hỏi dùng công nghệ nào, mà lộ trình chuyển đổi số phải xuất phát từ mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Phạm Anh Tuấn nói và lưu ý “vấn đề tạo đà cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số rất quan trọng, vì doanh nghiệp rất dễ rơi vào trạng thái mất đà, vì thế phải luôn nghĩ ra những sáng kiến số, các dự án “quick-win” để tiến hành thay đổi và có thể nhìn thấy kết quả ngay, tạo đà cho chuyển đổi số”.
Ngoài ra, chuyển đổi số không có nghĩa là biến doanh nghiệp ngay lập tức trở nên “100% digital”, mọi bộ phận phải số hóa đồng đều, mà thực chất chuyển đổi số là thay đổi để doanh nghiệp vận hành hiệu quả trên không gian kỹ thuật số, và các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp, tùy vào chức năng, nhiệm vụ và hoạt động, mức độ số hóa sẽ khác nhau.
Thực chất, chuyển đổi kỹ thuật số vượt ra ngoài vấn đề số hóa, bằng cách tạo ra sự thay đổi toàn diện đối với chiến lược kinh doanh của công ty. Chuyển đổi kỹ thuật số là cách sử dụng mới lạ các công nghệ kỹ thuật số để đẩy nhanh chiến lược kinh doanh. Nó là về việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số để trao quyền cho mọi người, tối ưu hóa các quy trình và tự động hóa các hệ thống trong tổ chức để định hướng lại hoàn toàn hiệu quả kinh doanh của nó.