Từ Huế ra Đà Nẵng, thay vì di chuyển bằng ôtô hay xe máy, Kim Ngân đã chọn đi tàu hỏa và có nhiều trải nghiệm thú vị.
Hành trình đặc biệt này được Châu Ngọc Kim Ngân, cô gái trẻ sinh năm 1996 đang sống tại TP HCM, thực hiện vào đầu tháng 4 khi dịch Covid-19 chưa bùng phát trở lại. Vì đoạn đường từ Huế ra Đà Nẵng không quá xa nên Ngân chọn phương tiện di chuyển là tàu hỏa, vừa có thể ngắm cảnh trên đường, vừa có không gian chụp những bức hình đẹp làm kỷ niệm.
Trước đó, Ngân đã có dịp đi tàu hỏa từ TP HCM ra Bình Thuận rồi Ninh Thuận nhưng chưa mấy ấn tượng, cũng không "chụp choẹt" gì được nhiều. "Do lúc đó chưa có kinh nghiệm, mình chọn loại ghế ngồi, không có không gian riêng nên không tự do, lên tàu ngủ một mạch đến nơi luôn, cũng không khám phá được nhiều góc chụp ảnh đẹp. Mãi đến chuyến du lịch Huế - Đà Nẵng, mình chọn khoang nằm điều hòa thì đã có một trải nghiệm hoàn toàn khác", Ngân kể.
Thành phố Đà Nẵng cách Huế gần 100 km, mất gần ba tiếng di chuyển bằng tàu. Kim Ngân chọn loại tàu SE5, thuộc tuyến tàu khách Bắc - Nam từ Hà Nội đi Sài Gòn. Thời điểm đó giá vé là 118.000 đồng/người, hành khách có thể đặt mua trên website hoặc mua trực tiếp ở nhà ga, qua tổng đài bán vé. Giá vé có thể thay đổi theo từng dịp.
Đoàn tàu gồm 12 toa, có phân hạng ghế gồm ngồi cứng, ngồi mềm và giường nằm tùy theo nhu cầu và kinh phí của khách. Ngân chọn loại ghế kiểu giường nằm ở toa 6, khoang 4, ngay cạnh cửa sổ. Khoang cô nằm có tổng cộng 4 giường được xếp thành 2 dãy, mỗi dãy 2 tầng và có điều hòa mát mẻ. Tại mỗi vị trí đều bố trí một đèn đọc sách được tích hợp sạc điện thoại bằng cổng USB, chăn gối, một chiếc bàn nhỏ, hoa trang trí và thùng rác. Mỗi khoang như vậy có cửa lớn để đảm bảo sự riêng tư. Ngoài ra, tàu cũng được Ngân đánh giá là khá tiện nghi với căn tin và khu vệ sinh cho hành khách.
Cô xuất phát tại ga vào lúc 7h sáng. Từ chỗ ngồi, xuyên qua ô cửa, Kim Ngân được ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ. "Rừng núi trập trùng, biển rộng bao la, có đoạn tàu qua những hầm chui, có đoạn lại thấy tàu uốn lượn men theo núi, một bên là vách núi, một bên là vực sâu", Ngân hồi tưởng khung cảnh khi ấy. Với cô, cung đường đẹp nhất chính là đoạn qua đèo Hải Vân, biển Lăng Cô, với đỉnh núi lẫn trong mây mờ, còn chân núi chìm trong nước biển mênh mông. Khi đoàn tàu đi sát ra biển, Ngân như nhìn thấy biểu ngay dưới chân mình.
Ngoài nhìn cảnh đẹp từ vị trí chỗ ngồi, hành khách có thể đi lại trên các toa để ngắm cảnh, chụp hình qua cửa sổ con tàu. "Ba tiếng trên tàu trôi qua như chớp mắt vì mình mải mê nhìn ngắm, chụp hình quên cả thời gian", cô nàng sinh năm 1996 chia sẻ. Kim Ngân cũng không quên mang theo một quyển sách hay để "bầu bạn" cùng cô trong chuyến hành trình ra Đà Nẵng.
Du lịch bằng tàu hỏa đã đem lại cho cô gái trẻ nhiều trải nghiệm thú vị, thay đổi hoàn toàn cái nhìn ban đầu của cô về loại phương tiện này. "Chưa đi thì mình nghĩ ngồi tàu chán, ồn ào, mất thời gian lại không vệ sinh, nhưng khi bước lên toa thì bị ấn tượng bởi không gian thoải mái, sạch sẽ, đủ tiện nghi và đặc biệt là được thỏa sức chiêm ngưỡng cảnh sắc thay đổi từ vùng này sang vùng khác", Ngân nói.
Cách thức du lịch này cũng còn tồn tại một số hạn chế như thời gian di chuyển của tàu đôi khi lâu hơn xe khách và xe máy, tình trạng bị delay (tàu đến ga đón trễ hơn thời gian đã thông báo) có thể xảy ra bất cứ lúc nào... Dù vậy, đây vẫn là một trải nghiệm đáng thử và hứa hẹn đem lại nhiều mới mẻ, bất ngờ.
Hiện tại, vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên những kế hoạch du lịch mà Kim Ngân ấp ủ đành gác lại một bên. Thỉnh thoảng, nhớ những ngày vi vu, cô thường "đào lại" hình chụp từ những chuyến đi chơi cũ để chia sẻ với mọi người. Làm lại một chuyến du lịch bằng tàu hỏa đến Phan Thiết là mong muốn của Ngân khi dịch bệnh được kiểm soát.