Một trong “Bàn thành tứ hữu” (Những người bạn thành Đồ Bàn) - Quách Tấn, trong cuốn Non nước Bình Định, gọi Cù Lao Xanh là “bức bình phong che gió cho cửa Quy Nhơn”. Ông dẫn một câu thơ cũ: “Cửa giã có hòn án ngoài/ Các lái chạy ngoài gọi hòn Lao Xanh”.
“Từ Gia Long trở về trước, đảo này thuộc về Phú Yên. Đến triều Minh Mạng mới cải thuộc Bình Định” (Non nước Bình Định). Đổi qua đổi lại, nên Nhơn Châu (tên của Cù Lao Xanh kể từ khi đất nước thống nhất) cũng lắm nỗi niềm.
Kỳ 1: Hành trình chờ điện
Hè năm 2014, trên chiếc ghe từ bến Hàm Tử ra Nhơn Châu, đã thấy mấy cậu thanh niên kéo theo mấy chiếc loa thùng, kèm theo những đầu DVD, băng đĩa ra bán cho dân đảo. Dân buôn bán thường nhạy bén với thị trường. Trong lời mời chào qua chiếc loa thùng chỉ cần mở một nửa âm lượng đã vọng cả đảo, người thanh niên bảo rằng: “Sắp có dự án lưới điện về đây, bà con mua thiết bị sẵn mà nghe nhạc, tới lúc có điện mới mua thì sẽ tăng giá đấy, chẳng còn giá ưu đãi nữa đâu”.
Ngày hôm sau gặp lại ở bến ghe, thấy chồng đĩa trên tay anh bán hàng đã vơi 2/3, mà mấy cái đầu đĩa cũng đã bán xong.
Trước ngày có điện
Từ TP Quy Nhơn, dạo chơi trên bãi biển, chẳng cần tinh mắt lắm cũng thấy Cù Lao Xanh mờ mờ. Thế nhưng đó lại là một hòn đảo biệt lập. Nhơn Châu, dù là đảo án ngữ cửa ngõ ra vào Biển Đông, trên tuyến hàng hải quốc tế gần với cảng biển quốc tế Quy Nhơn, nhưng nhiều năm vẫn hai Không: không điện, không quy chế xã đảo.
Năm 2014, chúng tôi tới Nhơn Châu trên chiếc tàu gỗ khởi hành lúc 1 giờ chiều - một chuyến duy nhất trong ngày. Chuyến tàu trở lại sẽ khởi hành từ đảo lúc 6 giờ sáng. Sau ba tiếng ngật ngưỡng vì say sóng, sau khi mấy người đàn ông lực lượng ra sức kéo dây, chằng buộc, bà chủ ghe tên Lảm cuối cùng vẫn ra hiệu chúng tôi phải vào bờ bằng cách xuống tàu lội bộ một đoạn ngập tới đầu gối. Bà Lảm chỉ tay ra cầu cảng bê-tông cách đó không xa: “Mùa này không vào được hướng đó đâu, lật ghe à”.
Điện không vì mấy anh bán băng đĩa dẻo mồm mà về đảo sớm. Năm 2014, Nhơn Châu vẫn sử dụng máy phát điện dầu diesel, nhưng chỉ phát hai giờ vào buổi tối. Thế nên người Nhơn Châu ăn cơm sớm, tranh thủ lúc còn điện, để tránh cảnh tù mù lúc quây quần. Bữa cơm ở nhà anh Phong, Chánh văn phòng UBND xã, có một món cá dầm mắm đặc trưng. Mẹ anh tần ngần vì bữa cơm đạm bạc, phân trần rằng ở đây chợ chỉ có một buổi lúc 9 giờ sáng. Bà bảo tính mua thịt bò mời khách, nhưng mà lúc trưa chúng tôi đến, bà ra chợ thì chợ đã tan rồi, chỉ còn mấy con cá.
Bữa cơm chiều các gia đình thường ăn sớm, để kịp giờ tắt điện. 7 giờ tối, theo chân anh Phong đi tới những ngư dân có tiếng trên đảo, chúng tôi đều nói chuyện với nhau qua ánh đèn tích điện mờ ảo, ngồi ngoài sân quạt tay nghe tiếng sóng biển dội lại. Thú vui gần như duy nhất là quạt mát và nhậu. Mấy năm sau này, thời gian chạy máy phát điện trên đảo xông xênh hơn, mỗi ngày đảo có 12 tiếng có điện. 23 giờ đêm mới là giờ tắt điện tới 9 giờ sáng hôm sau. Những bữa cơm cũng đỡ vội vàng hơn. Mà tầm chiều tối, mấy cái đầu băng đĩa của những tay bán hàng nhanh nhảu ngày nào cũng có tác dụng.
Năm 2010, UBND tỉnh Bình Định đã làm hồ sơ trình Bộ Công thương xây dựng tuyến cáp ngầm vượt biển ra với Nhơn Châu. Nhưng tới kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII năm 2013, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Đoàn ĐBQH Bình Định) vẫn phải đặt câu hỏi: “Vì sao Bộ Công thương chưa bổ sung tuyến cáp ngầm ra xã đảo Nhơn Châu vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Định đến năm 2020”. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận Nhơn Châu là xã đảo. Nhờ là xã đảo, nên ông Phan Văn Binh, Chủ tịch UBND xã mới hồ hởi là Nhơn Châu sẽ đề xuất với thành phố để lập dự án đầu tư xây dựng âu thuyền, kéo điện cáp ngầm từ đất liền ra đảo. Tới tháng 10-2017, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình “Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo” sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại do EU tài trợ. Trong đó có dự án kéo điện lưới quốc gia ra xã đảo Nhơn Châu, với tổng số vốn đầu tư 350 tỷ đồng.
Thế rồi dự án điện ở Cù Lao Xanh cứ lần lượt đổi từ chủ đầu tư là UBND tỉnh Bình Định tới Tổng công ty Điện lực Miền Trung. Mỗi năm các kỳ họp từ trung ương tới địa phương, lại thấy tiếng nói từ cử tri đến đại biểu Nhơn Châu hỏi về điện.
Mãi tới tháng 10-2020, điện lưới quốc gia mới về tới Cù Lao Xanh.
Xã đảo mà chưa là xã đảo
Cho tới trước năm 2014, Cù Lao Xanh vẫn chỉ là một xã trực thuộc TP Quy Nhơn, được hưởng chế độ thu hút cho đội ngũ thuộc biên chế cán bộ xã, y tế, giáo dục cũng như các lực lượng vũ trang trên địa bàn theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ - theo một quy chế cho các bãi ngang ven biển. Ngoài lương chính, những người thuộc đối tượng này được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% tiền lương tháng. Tới năm 2016, theo Quyết định số 131/QĐ-TTg, Nhơn Châu - giờ đã là xã đảo - không còn nằm trong diện bãi ngang ven biển và hải đảo nữa, khoản phụ cấp này cũng không còn. Không phải đòi điện, thì giờ hỏi chính sách phụ cấp. Nhiều năm sau ngày lên xã đảo, Nhơn Châu vẫn chưa được hưởng chế độ hỗ trợ nào của diện xã đảo. Mặc dù các quy định về hỗ trợ xã đảo đã có, nhưng riêng “Vấn đề mà cử tri Bình Định nêu là xã đảo Nhơn Châu chưa được hưởng chế độ hỗ trợ của diện xã đảo thì bộ lại chưa đề cập đến”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải từng bình luận trong một cuộc gặp cử tri Bình Định năm 2019. Câu chuyện vẫn tiếp tục tới năm 2021, mà lý do chính, theo lời anh Chánh văn phòng UBND xã là do năm 2017 Nhơn Châu đạt chuẩn Nông thôn mới.
Dù sao, Nhơn Châu có điện đã tính là một cuộc đổi đời. Chúng tôi quay lại Nhơn Châu đúng vào đợt nghỉ trăng của dân đi biển, tám năm sau lần đầu đến đảo, thấy nhà nào cũng sắm sửa một bộ giàn karaoke. Ông Quý, người dựng quán trông xe ở dưới chân hải đăng Nhơn Châu hồ hởi mời khách tham dự cuộc hát karaoke gia đình khi đồng hồ vừa chuyển số sang 5 giờ chiều. Ông bảo chúng tôi: “Mời tham dự cuộc vui”. Ông Quý nổi tiếng bởi đắm đuối và am hiểu bài chòi nhất nhì Cù Lao Xanh. Giọng ông ngọt, nên ông ca bolero cũng tình. Mà cả đảo, dễ tới nửa đêm, ngõ ngách nào cũng có tiếng loa hát như thế. Giống như để bù lại cả bao nhiêu năm phập phồng đếm giờ bật tắt công tắc điện. Đó đúng là cuộc vui mà mỗi người dân vẫn đang dạt dào cảm xúc. Bà Lý, người phụ nữ từng có sáu năm xa đảo làm thuê, vừa nghe đảo có điện là về, bởi: “Có cái khách sạn mới xây, giờ có điện đón khách du lịch, nên tôi về đây có việc làm, lại gần nhà”.
(Còn nữa)
Trong Đại Nam nhất thống chí có chép: “Hòn Thanh Châu thuộc thôn Chánh Thành ở phía nam huyện, tục gọi là Cù Lao trấn sơn của biển Thị Nại, đầu đời Gia Long thuộc huyện Đồng Xuân, đạo Phú Yên, đến giữa năm Minh Mệnh đổi lệ vào huyện Tuy Phước”. Thanh Châu là tên cũ của một cụm dân cư ở Cù Lao Xanh. Sau ngày thống nhất đất nước, Cù Lao Xanh có tên là Nhơn Châu (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Hòn đảo nằm phía đông nam đèo Cù Mông, chỉ cách TP Quy Nhơn chừng 17 cây số. Trên đảo có ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng từ năm 1890.
Theo những tài liệu hàng hải, từ cách đây 4-5 thế kỷ, địa danh này được ghi trên bản đồ là Poulo Gambir. Trong một số tài liệu địa lý, người Pháp miêu tả hòn đảo là “Ile Verte” (đúng như tên Cù Lao Xanh).