Càng nhiều người hút thuốc biết và chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang thuốc lá thế hệ mới thông qua con đường xách tay, buôn lậu thì càng chứng tỏ nhu cầu về các sản phẩm thuốc lá công nghệ này càng tăng cao. Nếu thiếu hoặc chậm quản lý các sản phẩm này thì quyền lợi hợp pháp của người hiện đang hút thuốc liệu có được bảo đảm?
Hơn 90% người hút thuốc tìm kiếm sản phẩm giảm tác hại
Tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM), bao gồm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN)… đang trở nên rất phổ biến trong đời sống với tỷ lệ người biết đến và có nhu cầu sử dụng ngày càng cao.
Năm ngoái, theo khảo sát trên gần 5.000 người của báo VnExpress, có hơn 90% người quan tâm và muốn tìm các giải pháp giảm tác hại thuốc lá.
Tháng 8.2022, báo VietnamPlus cho kết quả khảo sát trên 2000 người với 70% trong số đó có nhu cầu chuyển đổi sang sản phẩm thay thế giảm tác hại hơn so với hút thuốc lá điếu, nếu thấy tốt cho bản thân và cộng đồng.
Khảo sát mới tháng 10.2022 của báo Lao Động cũng ghi nhận số người biết đến hoặc sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN) là rất cao, lên đến 97%.
Tất cả các số liệu trên phản ánh thực tiễn về mức độ quan tâm của người hút thuốc và nhu cầu tìm kiếm, chuyển đổi sang TLTHM với mục đích giảm tác hại hơn so với tiếp tục hút thuốc lá điếu đang ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, trên thực tế, điều bất hợp lý đó là nguồn hàng TLTHM chính danh, được chứng nhận về mức độ giảm tác hại của các tổ chức quốc tế thì lại chưa được phép nhập khẩu trong khi thị trường lại tràn lan, buông lỏng tạo điều kiện cho các sản phẩm lậu trôi nổi phát triển từ nhiều năm nay. Chính vì sự bất cập này nên những người hút thuốc lá đã và đang gánh chịu hệ lụy trực tiếp chính là mua hàng lậu với nhiều rủi ro cho nhu cầu giảm tác hại hơn so với hút thuốc lá điếu.
Mặt khác, các nguồn hàng lậu không rõ nguồn gốc, thành phần, chất lượng lại công khai tiếp cận nhóm người chưa bao giờ hút thuốc, trong đó có giới trẻ.
Hành lang pháp lý để quản lý TLTHM
Từ năm 2020, Bộ Công thương đã đề xuất thí điểm quản lý kinh doanh đối với một số sản phẩm TLTHM sau khi thống nhất ý kiến ủng hộ của các bộ Tư pháp, Khoa học-Công nghệ, Tài chính, Hiệp hội Thuốc lá… Mặc dù TLTHM trên thế giới được chính phủ nhiều nước công nhận về khả năng giảm tác hại, tại Việt Nam vẫn có một số ý kiến quan ngại và đề nghị cấm các sản phẩm này.
Phân tích về quan điểm này trong tọa đàm của báo Pháp Luật Việt Nam tháng 1.2022, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp đánh giá, nhiều quốc gia không cấm TLĐT hay TLLN vì “nếu như cấm mà thị trường và nhu cầu người tiêu dùng vẫn có thì sẽ phát sinh thị trường chợ đen”. Do đó, nhiều nước chỉ đặt ra quy định cấm đối tượng tiếp cận, cấm thành phần có khả năng thu hút giới trẻ và quy định giám sát các nhà sản xuất.
Mới đây, trong tọa đàm ngày 27.10 của báo Lao Động, TS. BS. Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao & bệnh phổi, BV Quân y 175, cũng đưa ý kiến: “Nếu không thể cấm triệt để thì thay vì buông lỏng không quản lý như hiện nay, nên xây dựng một hành lang pháp lý để quản lý TLTHM được tốt, để có thêm một lựa chọn ít độc hại hơn cho những người không thể bỏ được thuốc lá, vì TLTHM ít độc hại hơn thuốc lá điếu".
Điều 12 Công ước Quốc tế về Các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICSCR) đã thừa nhận: Con người có quyền được thụ hưởng và tạo điều kiện tiếp cận với những cơ sở vật chất, hàng hóa, dịch vụ và điều kiện cần thiết để đạt được tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể.
Mặt khác, điều 8 Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng 2010 cũng nêu rõ: quyền của người tiêu dùng là được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác.
Như vậy, người hút thuốc hợp pháp có quyền được pháp luật tạo điều kiện để tiếp cận những sản phẩm chính danh, chất lượng trong chăm sóc sức khỏe khi có nhu cầu được chuyển đổi sang TLTHM với hàm lượng các chất gây hại thấp hơn so với thuốc lá điếu. Đáng tiếc, những điều luật bảo vệ con người này dường như đang bị “bỏ quên” trong trường hợp TLTHM, khiến người dùng phải đối mặt với nhiều nguy cơ về hệ lụy không mong muốn.
Tại Tọa đàm “Xu hướng tiếp cận giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam” do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức vào tháng 8.2022 vừa qua, PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP.HCM cho rằng, sẽ là lỗi của thầy thuốc nếu biết được TLTHM giúp giảm tác hại mà không thể tư vấn cho những bệnh nhân không cai bỏ được thuốc lá, và việc chuyển đổi giảm tác hại cần được thực hiện càng sớm càng tốt vì lợi ích sức khỏe.