Saturday, 23/11/2024

BHXH Việt Nam lấy người dân làm trung tâm gắn với số hóa

20:25 13/11/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Trong những năm vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã đầu tư mạnh cho cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Chuyển đổi số giúp tăng hiệu quả hoạt động của ngành BHXH, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Để hiểu rõ hơn về quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH, ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã có những chia sẻ về kết quả đạt được thời gian qua, mục tiêu cho thời gian tới. Ông Sơn cho hay, những năm qua, BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của ngành theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; tích hợp, tập trung cấp quốc gia, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới khách hàng. Nhờ chuyển đổi số, quy trình nghiệp vụ của ngành BHXH đã đạt tự động hóa ở mức cao, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH, BHYT.

Cũng theo ông Sơn, tới nay, hệ thống Giám định BHYT đã liên thông với các cơ sở y tế có thực hiện khám chữa bệnh BHYT toàn quốc theo thời gian thực. Từ năm 2016 tới nay, hệ thống này đã tự động sàng lọc, cảnh báo hồ sơ đáng ngờ, từ đó cơ quan BHXH đã phát hiện và từ chối thanh toán trên 10 nghìn tỷ đồng do hồ sơ trùng lặp, chi không hợp lý. “Tới nay, cơ quan BHXH đã thực hiện toàn bộ 25 thủ tục hành chính theo phương thức điện tử mức độ 4. Chỉ có thủ tục nhận chế độ BHXH bằng tiền mặt buộc phải làm trực tiếp. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã liên thông thủ tục khai sinh để cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, hệ thống dữ liệu khai tử để quản lý người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH...”, ông Sơn nói.

- BHXH Việt Nam đã có kế hoạch chuyển đổi số với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, ông có thể cho biết cụ thể hơn về kế hoạch này được triển khai ra sao trong thời gian tới?

Ông Lê Hùng Sơn: Việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành BHXH đã thực hiện từ nhiều năm trước, nay Chính phủ có Đề án 06 về chuyển đổi số hướng tới Chính phủ điện tử càng thuận lợi cho quá trình này của BHXH Việt Nam. Trên cơ sở nhiệm vụ Chính phủ giao, tất cả 25 đơn vị thuộc BHXH Việt Nam, từng đơn vị phải xây dựng kế hoạch cụ thể về chuyển đổi số theo lĩnh vực phân công, từ đó tổng hợp thành của ngành và lộ trình thực hiện từng năm. Hiện BHXH Việt Nam đã có dữ liệu của hơn 90 triệu người tham gia BHYT, hơn 28 triệu hộ gia đình, và thường xuyên được làm sạch, làm giàu kho dữ liệu.

Kho dữ liệu này đã được đối soát, xác nhận với dữ liệu của 55 triệu người trên kho Dữ liệu dân cư, tới nay chưa có cơ sở dữ liệu nào xác thực được với dữ liệu dân cư số lượng lớn như vậy.

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là việc làm thường xuyên của toàn ngành BHXH, theo đó là chuyển đổi quy trình nghiệp vụ để khai thác hiệu quả tiện ích công nghệ mang lại. Điển hình, với thanh kiểm tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, trước đây kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp phải mất 2-4 ngày. Nay, với dữ liệu đã có, trước thanh tra sẽ sàng lọc dữ liệu điện tử, chỉ rõ các sai phạm, dấu hiệu bất thường, khi thanh kiểm tra chỉ cần khớp lại dữ liệu đã có, nên rút ngắn nửa thời gian so với trước. Dữ liệu điện tử là công cụ hữu hiệu cho thực hiện nhiệm vụ của toàn ngành BHXH.

Ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chia sẻ về kết quả và giải pháp chuyển đổi số của ngành BHXH

- Luật BHXH đang tiến hành nghiên cứu sửa đổi, đơn vị soạn thảo đề xuất, với người lao động đang trong tuổi lao động, nếu hưởng BHXH một lần chỉ được nhận phần mình đã đóng, phần doanh nghiệp đóng sẽ tạm giữ lại. Quan điểm của BHXH Việt Nam ra sao với đề xuất này?

Ông Lê Hùng Sơn: Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi Luật BHXH, trong đó BHXH Việt Nam là một thành viên của Ban soạn thảo. Với quy định về hưởng BHXH một lần, có chuyên gia đề xuất chỉ chi trả phần người lao động tự đóng (8% lương tháng), giữ lại phần doanh nghiệp đóng tới khi người lao động (14% lương tháng) tới tuổi nghỉ hưu.

Do thực tế, trên thế giới nhiều quốc gia không cho phép hưởng BHXH một lần cho tới khi hết tuổi lao động. Chúng ta vẫn cho phép hưởng BHXH một lần, nhưng tạm giữ lại phần doanh nghiệp đóng, sau này người lao động có cơ hội tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc khi có việc làm, hoặc BHXH tự nguyện sẽ được cộng dồn phần còn giữ lại.

Là thành viên Ban soạn thảo, BHXH Việt Nam đang tích cực nghiên cứu thêm các phương án khác cùng các đề xuất trên, dù phương án nào cũng được đưa ra đánh giá tác động kỹ, xin ý kiến chuyên gia, toàn xã hội theo quy định. Dù giải pháp nào được đưa ra, cũng đều hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, phù hợp nguyện vọng của đa số người lao động về giải quyết khó khăn tài chính khi mất việc làm.

- Cảm ơn ông!

Theo Tiền phong

https://tienphong.vn/bhxh-viet-nam-lay-nguoi-dan-lam-trung-tam-gan-voi-so-hoa-post1486065.tpo

Chia sẻ bài viết

Thong ke