Cần Thơ sẽ xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vào năm 2023
14:19 06/10/2022
Ngày 5/10, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ tổ chức hướng dẫn làm hồ sơ, đăng ký thủ tục cấp mã số vùng trồng (code), quy trình sản xuất… để phục vụ cho việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Theo nghị định thư giữa hai bên, sầu riêng Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây.
Trung Quốc yêu cầu tất cả vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và GACC phê duyệt.
Các cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng, bao gồm thông tin ngày chế biến, đóng gói, tên hoặc mã số vùng trồng. Những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.
Đến thời điểm này, Cần Thơ chưa có hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân nào được cấp mã số vùng trồng sầu riêng.
Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ đã tiếp nhận 6 hồ sơ yêu cầu được cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng.
Hiểu được tầm quan trọng của việc đăng ký cấp mã số vùng trồng nên nhiều người dân thuộc các tổ hợp tác và hợp tác xã đã tham gia tìm hiểu thông tin về hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp mã số vùng trồng để sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Theo ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thới 1, tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền, việc Trung Quốc đồng ý cho sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này là niềm vui với người trồng sầu riêng bởi điều này giúp sầu riêng được bán ổn định, bền vững, lâu dài chứ không bấp bênh như trước đây.
Hiện sầu riêng của Hợp tác xã Tân Thới 1 được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP với diện tích 25ha nên có khả năng được cấp mã số vùng trồng. Việc đăng ký mã số vùng trồng không quá khó khăn, nhưng quan trọng là sản xuất đạt yêu cầu chất lượng từ nước nhập khẩu.
Vì vậy, Hợp tác xã đang làm việc với một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng để cùng nhau liên kết sản xuất sầu riêng đạt yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.
Theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, sầu riêng xuất khẩu chính ngạch phải có hợp đồng liên kết giữa mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Việc cấp mã số vùng trồng sầu riêng cho nông dân giống như cấp Căn cước công dân. Ai có mã số vùng trồng thì sầu riêng mới xuất khẩu được. Đây là quy định để đồng bộ hóa tiêu chuẩn chất lượng mà nông dân, doanh nghiệp phải tuân thủ. Mở rộng được một thị trường đã khó và để giữ được thị trường càng khó. Do vậy, doanh nghiệp mong muốn liên kết với hợp tác xã xây dựng mã số vùng trồng để mua được sản phẩm tại chính vùng trồng.
Thành phố Cần Thơ hiện có 2.500ha diện tích trồng sầu riêng, tập trung chủ yếu ở huyện Phong Điền với 2.150ha. Mỗi năm, sản lượng sầu riêng của Phong Điền cung ứng ra thị trường khoảng 14.200 tấn. Xã Tân Thới là địa phương được quy hoạch chuyên canh sầu riêng với 1.200ha. Tuy nhiên, hiện nay địa phương mới chỉ có một hợp tác xã trồng sầu riêng với diện tích 25ha.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện mới có một hợp tác xã của huyện Phong Điền đủ diện tích để cấp mã số vùng trồng, số diện tích còn lại phân tán nhỏ lẻ, không đủ 10 ha/hộ. Vì vậy, người dân nên liên kết thành lập tổ hợp tác để đủ diện tích đăng ký mã số vùng trồng.
Do thời gian cấp mã số vùng trồng phụ thuộc vào đối tác Trung Quốc nên người dân cần triển khai sớm xây dựng mã số vùng trồng để vụ sầu riêng 2023 đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được cấp mã số vùng trồng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn chi tiết tới từng vùng để sớm triển khai App đăng ký cấp mã số vùng trồng trực tuyến của Cục Bảo vệ thực vật.